Không phải trẻ em cứ sinh ra đã có sẵn trí thông minh. Sự phát triển não ở trẻ nhỏ còn xuất phát từ hoạt động học tập cũng như sự vận động hàng ngày. Khi các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác được kích thích, chúng giúp các tế bào não (còn gọi là các khớp thần kinh) kết nối và sản sinh ra vô số tế bào mới. Các kết nối đó càng phức tạp, bé sẽ càng thông minh hơn.
Để các giác quan của bé được kích thích hoạt động, giúp tăng sự kết nối các tế bào não, bố mẹ nên có những hoạt động sau đây:
1. Tương tác với bé
Các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng, những em bé không được ôm ấp, chơi cùng và yêu thương thì não của bé cũng bị kìm hãm sự phát triển; bởi những tương tác đó có ảnh hưởng rất mạnh đến sự phát triển trí tuệ của con. Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh, những em bé không nhận được sự quan tâm, yêu thương thường hay trở nên chán nản, "ù lì" và phát triển chậm hơn so với bạn cùng tuổi. Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên quan tâm tới trẻ, dành nhiều tình cảm cũng như khuyến khích con tham gia các hoạt động vui chơi, thể dục - thể thao,... để cung cấp cho bé nền tảng cũng như kĩ năng tư duy bậc cao của mình.
2. Trò chuyện với bé
Lắng nghe và trò chuyện với con giúp củng cố và phát triển khả năng giao tiếp, ngôn ngữ. Bố mẹ cũng có thể đọc sách cho con nghe, thậm chí ngay cả khi bé còn chưa hiểu được những gì trong đó. Điều này mang lại cho bé một sự khởi đầu trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Trẻ em được nghe đọc sách khi còn nhỏ có nhiều khả năng để phát triển mối quan tâm lâu dài trong việc đọc, học tốt ở trường và thành công trong cuộc sống khi trưởng thành. Đọc sách là một trong những hoạt động quan trọng nhất khiến cho bé thông minh hơn.
3. Hãy để cho bé vui chơi
Bởi khi đó, bé đang tạo ra nền tảng cho các kĩ năng về xã hội, thể chất, trí tuệ cũng như tình cảm. Khi con chơi với các bạn khác, đó cũng là cơ hội để bé tìm hiểu cách kết hợp các ý tưởng, những ấn tượng và cảm xúc với người khác.
4. Khuyến khích bé tập thể dục
Hoạt động này không chỉ làm cho bé khỏe hơn mà còn khiến con thông minh vượt trội! Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu đến não và sản sinh các tế bào não mới. Nó có tác dụng lâu dài đối với sự phát triển não của con.
5. Hãy để âm nhạc trở thành một phần cuộc sống của con
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nghe nhạc có thể tăng cường trí nhớ, sự chú ý, động lực học tập. Nó cũng có thể làm giảm căng thẳng - nguyên nhân "phá hoại" bộ não đang phát triển của bé.
Ngoài ra, việc học chơi một nhạc cụ nào đó có ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy, lý luận và tạo ra nền tảng toán học trừu tượng. Nếu có thể, bố mẹ hãy cho con làm quen với đàn piano trước, sau đó, khi con đã có thể chơi thành thạo hơn, con có thể chuyển sang học bất cứ nhạc cụ nào khác một cách dễ dàng hơn.
6. Để bé chứng kiến bố mẹ thực hiện những hoạt động mang tính sáng tạo
Trẻ con thường học bằng cách mô phỏng hành vi của người lớn. Nên nếu bé thấy bố mẹ đọc sách, viết văn, sáng tác nhạc hay những hoạt động tương tự, con sẽ bắt chước theo. Trong quá trình đó, bản thân bé sẽ trở nên thông minh hơn.
7. Để bé chơi các trò chơi thông minh trên máy tính
Nhiều bố mẹ thường cấm đoán con không được động đến máy tính, lý do là họ sợ những tác động xấu đển trẻ. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, bố mẹ nên để con tiếp xúc với máy tính. Bởi có rất nhiều trò chơi khiến con được học và rèn luyện cách phát âm, chữ cái, toán học, âm nhạc,...Nó cũng phát triển sự phối hợp tay và mắt của bé, đồng thời chuẩn bị cho con 1 nền tảng công nghệ trong tương lai. Quan trọng hơn, khi bé được vừa học vừa chơi như thế là cách tốt nhất giúp con nâng cao tư duy, kiến thức và các kĩ năng liên quan.
8. Cho con ăn uống lành mạnh
Thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển trí não của bé. Một chế độ ăn giàu protein (trứng, cá, thịt, đậu, lạc,...) giúp bé tập trung, tỉnh táo và tư duy tốt hơn. Carbohydrates cung cấp cho não năng lượng để tư duy. Vitamin và khoáng chất cũng rất quan trọng.
Những thực phẩm tốt nhất cho con là rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt động vật, hải sản,... Tuy nhiên, đường và tinh bột qua chế biến có tác động xấu đến khả năng tập trung và mức độ hoạt động của bé. Vì thế mẹ không nên cho bé ăn thức ăn nhanh, đồ chiên rán cũng như bánh kẹo, snack,...
9. Đưa bé đi chơi
Tùy vào điều kiện cụ thể, bố mẹ có thể đưa con đến những địa điểm vui chơi hoặc những khu du lịch phù hợp; để bé được trải nghiệm, giao lưu, hoạt động cũng như học hỏi,... Điều này giúp ích rất nhiều trong sự phát triển não bộ của con.
10. Khuyến khích con học hành chăm chỉ
Điều cuối cùng, hãy để con hiểu rằng học hành chăm chỉ cũng là cách để nâng cao kiến thức, kĩ năng,... Không phải bé nào sinh ra cũng có sẵn trí thông minh, nhưng quá trình rèn luyện có tác động rất lớn đến điều này. Tuy nhiên, bố mẹ nên khuyến khích con học tập một cách chủ động, tự giác và hứng thú; thay vì sự ép buộc đôi khi chỉ tạo ra kết quả ngược lại.
Theo Khám Phá