Cây mít – quen thuộc nhưng không nên trồng trước nhà
Cây mít là loài cây thân gỗ, cao lớn, tán rộng, có thể sinh quả từ gốc cho tới ngọn. Ngoài việc cho quả ăn, gỗ mít cũng được sử dụng để làm các vật dụng như thớt, phản, hay bàn ghế. Tuy vậy, người xưa vẫn thường truyền nhau lời khuyên: “Cây mít có ma, cây đa có thần”, ngụ ý rằng loại cây này không nên hiện diện ở vị trí quan trọng như trước nhà.
Theo quan niệm phong thủy, cây mít mang năng lượng mạnh, dễ tạo ra sự xáo trộn trong trường khí nếu không được đặt đúng vị trí. Khi trồng trước cửa, năng lượng của cây khó được kiểm soát, có thể khiến các thành viên trong nhà gặp xui xẻo, công việc không thuận, hay thường xuyên đau ốm.
Góc nhìn thực tế: Cản trở sinh khí và vệ sinh
Không chỉ ở góc độ tâm linh, xét về mặt khoa học, cây mít có tán lá lớn, rậm rạp và dễ rụng lá. Việc trồng cây mít ngay trước nhà có thể khiến ánh sáng tự nhiên bị hạn chế, ngăn không cho nắng vào nhà, khiến không gian trở nên ẩm thấp, thiếu sinh khí. Lá rụng nhiều nếu không dọn thường xuyên sẽ gây mất vệ sinh, thu hút côn trùng, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực cửa chính – nơi được coi là “miệng khí” của ngôi nhà.
Ngoài ra, mít còn không phải là loại quả thích hợp để thờ cúng. Trái mít lớn, vỏ nhiều gai, mùi nồng, dễ thu hút ruồi muỗi – điều không phù hợp với không gian linh thiêng và thanh tịnh như bàn thờ.
Trồng cây mít đúng cách để giữ phong thủy tốt
Dù không nên trồng trước cửa nhà, nhưng cây mít vẫn có thể được trồng sau nhà hoặc ở các góc vườn, nơi không cản trở lối đi và không che khuất tầm nhìn. Khi trồng đúng chỗ, cây vẫn phát triển tốt và mang lại lợi ích mà không làm ảnh hưởng đến phong thủy chung của ngôi nhà.
3 loại cây khác cũng không nên trồng trước cửa nhà
Ngoài cây mít, người xưa còn kiêng trồng một số loại cây khác ở trước cửa vì ảnh hưởng đến tài vận và khí lành:
Cây liễu
Tuy mang vẻ đẹp mềm mại, buông rủ lãng mạn, nhưng cây liễu lại bị coi là cây mang tính âm mạnh. Theo dân gian, chữ “liễu” đồng âm với “lưu” (chảy đi), tượng trưng cho tiền bạc thất thoát, tài lộc trôi tuột khỏi nhà. Ngoài ra, liễu thường xuất hiện trong thơ ca với hình ảnh buồn bã, chia ly, không mang lại ý nghĩa may mắn.
Cây dâu tằm
Trong tiếng Hán, chữ “dâu” đọc gần giống với “tang”, gợi liên tưởng đến tang tóc, mất mát. Vì vậy, người ta tránh trồng cây dâu tằm trước nhà để hạn chế những điều không lành. Tuy nhiên, dâu tằm lại có thể trừ tà tốt, nên thường được trồng ở sau nhà hoặc trong vườn như một biện pháp phong thủy.
Cây xương rồng
Cây xương rồng có gai nhọn, mang sát khí mạnh, được cho là không phù hợp để đặt ở nơi đón khí tốt như trước cửa. Nếu trồng ở đây, cây có thể đẩy lùi tài lộc, may mắn và cả sự ấm áp gia đình. Tuy nhiên, nếu đặt ở nơi phù hợp như góc sân, sau nhà hoặc hàng rào, cây xương rồng có thể phát huy vai trò trấn trạch, xua đuổi âm khí.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo!
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)