Trong bất kỳ ngôi nhà nào, bàn thờ luôn được xem là "trái tim" tâm linh, là nơi kết nối giữa cõi dương và cõi âm, mang lại phúc khí và bình an cho gia chủ. Do đó, việc bố trí bàn thờ phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt, không thể tùy tiện đặt ở nơi nào tiện lợi hay trống chỗ.
Đặc biệt trong các căn nhà nhiều tầng, nơi không gian được phân chia rõ rệt theo chức năng việc xác định nên đặt bàn thờ ở tầng nào là một câu hỏi không hề đơn giản.
Nguyên tắc đặt bàn thờ trong nhà cao tầng
Với nhà nhiều tầng, gia chủ nên cân nhắc kỹ giữa các yếu tố phong thủy, tiện ích và đặc điểm không gian để đưa ra quyết định phù hợp (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia phong thủy khuyến cáo, khi bố trí bàn thờ trong nhà nhiều tầng, gia chủ cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:
Không đặt bàn thờ dưới nhà vệ sinh, cầu thang hoặc nơi có nhiều tiếng động.
Không đặt gần hoặc đối diện trực tiếp nhà vệ sinh, bếp hoặc cửa ra vào.
Nơi đặt bàn thờ cần cao ráo, sáng sủa nhưng không bị ánh nắng chiếu trực tiếp hay gió tạt mạnh.
Phía sau bàn thờ nên có điểm tựa vững chắc, tốt nhất là tường kín.
Không đặt bàn thờ ở nơi ẩm thấp, chật hẹp hoặc thường xuyên có người qua lại.
Những nguyên tắc này nhằm đảm bảo bàn thờ luôn giữ được sự trang nghiêm, thanh tịnh – yếu tố quan trọng nhất trong không gian thờ tự.
Tầng thượng
Với nhiều người, tầng thượng thường được ưu tiên lựa chọn để đặt phòng thờ do sự tách biệt, yên tĩnh và không bị ảnh hưởng bởi sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Thực tế, nếu tầng thượng được thiết kế bài bản với phòng thờ riêng biệt, có mái che kiên cố và không bị chiếm dụng làm kho chứa hay sân phơi thì đây là vị trí lý tưởng nhất để đặt bàn thờ.
Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, tầng thượng lại là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết như nắng nóng, mưa gió, hoặc bị sử dụng làm nơi giặt giũ, phơi đồ, gây mất đi tính trang nghiêm cần có. Khi đó, đặt bàn thờ ở tầng thượng lại trở thành lựa chọn không phù hợp.
Tầng 1
Dù tiện lợi trong việc thắp hương và chăm sóc bàn thờ, song tầng 1 lại là nơi thường xuyên có người ra vào, sinh hoạt, tiếp khách… nên khó đảm bảo sự yên tĩnh cần thiết. Việc đặt bàn thờ tại phòng khách hoặc gần bếp cũng dễ phạm vào các lỗi phong thủy như đối diện cửa chính, gần nguồn nhiệt, hoặc dưới cầu thang – vốn bị xem là tối kỵ.
Vậy vị trí lý tưởng là tầng nào?
Trong trường hợp tầng thượng không đủ điều kiện trang nghiêm, tầng 1 quá ồn ào và chật chội, thì tầng giữa – chẳng hạn như tầng 2 trong nhà 3 tầng – chính là lựa chọn tối ưu. Đây là không gian đủ tách biệt với tầng trệt sinh hoạt chính, đồng thời thuận tiện cho việc đi lại, thờ cúng, đặc biệt đối với người lớn tuổi.
Tầng giữa thường có không gian yên tĩnh hơn, dễ bố trí phòng thờ riêng hoặc khu vực thờ tự trong phòng sinh hoạt chung mà vẫn giữ được sự trang trọng. Đây cũng là giải pháp dung hòa giữa yếu tố tâm linh và nhu cầu thực tế, được nhiều gia đình hiện đại lựa chọn.
Bàn thờ là nơi linh thiêng, cần được đặt ở vị trí trang trọng và yên tĩnh nhất trong ngôi nhà. Với nhà nhiều tầng, gia chủ nên cân nhắc kỹ giữa các yếu tố phong thủy, tiện ích và đặc điểm không gian để đưa ra quyết định phù hợp. Không phải tầng 1 cho tiện lợi, cũng không hẳn tầng thượng là mặc định đúng – mà tầng giữa mới là lựa chọn lý tưởng trong nhiều trường hợp, vừa đảm bảo phong thủy, vừa thuận tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)