Các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người cho rằng, nhiều người quan niệm có “điềm báo”. Ví dụ, nếu không may bát đĩa bị vỡ trong ngày đầu năm mới, người ta tin đó là “điềm báo” cho sự đổ vỡ nào đó trong năm.
Người Việt rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm chén trong ngày đầu năm.
Nhiều người quan niệm, nếu ngày đầu năm gặp “điềm tốt”, cả năm sẽ may mắn, ngược lại, gặp “điềm xấu” sẽ xui xẻo cả năm.
Tuy nhiên, tục kiêng là vậy, nhưng trong thực tế không có sự kiểm nghiệm đúng sai đúng đâu. Do vậy, mặc dù cố gắng cẩn thận, nhưng nếu vẫn có đổ vỡ, thì cũng không cần quá lo lắng.
Nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian Vũ Hồng Thuật (thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cho rằng, dân gian quan niệm ngày mùng 1 Tết là mở đầu một năm, nên người ta kiêng kỵ điều xấu để được an toàn và may mắn trong cả năm.
Không làm đổ vỡ bát đĩa, đồ dùng
Người Việt rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm chén trong ngày đầu năm vì lo ngại đó là “điềm báo” cho một sự đổ vỡ, hay không thuận lợi của các mối quan hệ.
Tuy nhiên, dù rất cẩn trọng nhưng đôi khi việc đổ vỡ vẫn xảy ra. Lúc này có thể trấn an người thân trong gia đình rằng tiếng vỡ khá giống tiếng phát. Bát đĩa, đồ đạc rơi cũng là cả năm gia đình làm ăn phát đạt.
Kiêng quét nhà
Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân (xác pháo đốt trong đêm giao thừa thường là màu đỏ biểu hiện của may mắn), gia đình sẽ bị xui xẻo.
Cũng có người giải thích rằng, người Việt có quan niệm, trong ngày Tết ông thần tài ở đâu đó trong nhà. Nếu quét nhà sẽ quét luôn cả ông thần tài đi. Do vậy, trước giao thừa phải quét nhà sạch sẽ để ngày Tết không phải quét.
Ngày nay, tục lệ này vẫn được duy trì nhưng đã bớt nghiêm khắc hơn. Bởi ngày Tết thường đông khách khứa đến chơi, ăn uống, nếu nhà bừa bãi, có nhiều rác quá thì gia chủ vẫn có thể quét vào một góc nhà, sau 3 ngày Tết mới đem vứt rác.
Kiêng cho nước, lửa
Trong quan niệm dân gian, lửa màu đỏ là tượng trung cho “vận đỏ”, may mắn. Nếu cho lửa là cho mất đi cái “đỏ” của mình. Tương tự như thế, nước vốn được ví như nguồn tài lộc, nếu bị xin thì sẽ mất lộc, mất tiền tài trong cả năm.
Thường thì trước khi bước sang năm mới, người xưa thường lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại bởi tin rằng năm mới đến mà nước đủ đầy thì sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
Tục xưa, sáng mùng 1 Tết nhiều gia đình có điều kiện còn thuê người gánh nước đến. Những người gánh nước cũng được mừng tuổi, cả chủ nhà lẫn người gánh thuê cả năm sẽ đều may mắn.
Kiêng vay mượn, trả nợ ngày đầu năm
Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác. Nếu ngày đầu năm bị đòi nợ sẽ dông cả năm.
Ngày nay, nhiều gia đình buôn bán nếu chưa thanh toán xong nợ nần trước Tết thường thỏa thuận với nhau rằng sau Tết sẽ thanh toán xong, tránh nói đến nợ nần ngày Tết.
Kiêng mai táng trong ngày Tết
Ngày Tết Nguyên đán là ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng, ngày vui của toàn dân tộc. Gia đình phải tạm gác nỗi buồn, chờ qua 3 ngày Tết mới được mai táng. Hiện nay, nhiều nơi chỉ kiêng mai táng ngày mùng 1 Tết.
Trường hợp gia đình có người mất vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng 1 đầu năm.
Trường hợp mất đúng ngày mùng 1 Tết thì chưa phát tang vội, nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng 2 làm lễ phát tang.
Nếu nhà có tang cũng phải kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng. Tục kiêng kỵ này cũng rất nhân văn, người có đại tang không được đi đâu nhưng bà con xóm giềng vẫn có thể đến chúc Tết, qua đó an ủi gia đình gặp điều bất hạnh.
Kiêng các món ăn mực, thịt chó, thịt vịt...
Mực, thịt chó, cá mè là những món ăn được cho là không đem lại may mắn.
Người dân miền Nam lại ít ăn tôm ngày Tết vì sợ đi… giật lùi như tôm, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.
Có nơi kiêng ăn mực vì sợ “đen như mực”.
Theo Khampha.vn