Công thức để biến căn bếp nhỏ nhắn của bạn trở nên thoáng đãng, đẹp mắt mà vẫn đầy đủ tiện nghi chính là: tiết kiệm không gian, thiết kế hấp dẫn, vật liệu đẹp, nội thất độc đáo, đa chức năng. Bài trí căn bếp của mình thế nào còn phụ thuộc vào sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của riêng bạn, nhưng một vài ý tưởng dưới đây có lẽ sẽ phần nào truyền cảm hứng để bạn làm đẹp cho căn bếp nhỏ xinh của gia đình mình.
Căn bếp ngọt ngào, xinh xắn với bức tường màu tím nhạt và nội thất màu
đen trang trí hoa độc đáo. Những mảng tường trống được tận dụng
để treo các loại giá đựng dụng cụ.
Khu vực ăn uống sáng sủa, xinh xắn với thanh gỗ nhỏ ốp sát tường làm bàn ăn.
Trong thiết kế phòng bếp hiện đại, khu vực ăn uống và bề mặt nấu nướng luôn được chú trọng. Bạn có thể “thu nhỏ” tất cả các món nội thất để có căn bếp đầy đủ tiện nghi mà vẫn không tốn diện tích: đảo bếp nhỏ, quầy bar ăn sáng, bàn ăn nhỏ nhắn,… Ngoài ra, mở rộng các kệ bếp, bày thêm ghế đẩu (stool) hoặc ghế dài (bench) dễ dàng sắp xếp gọn gàng khi không sử dụng cũng là ý tưởng hay.
Nội thất màu trắng luôn là giải pháp giúp “nới rộng” không gian.
Tủ bếp khép kín sẽ giúp căn bếp nhìn gọn gàng hơn, giảm thiểu
cảm giác bề bộn, ngồn ngộn đồ đạc và dụng cụ.
Sử dụng nội thất đa chức năng cũng là phương pháp hiệu quả dành cho những căn bếp nhỏ. Với chiếc bàn ăn, bạn có thể sử dụng nó như một đảo bếp, hoặc ngược lại. Các món nội thất nên được bố trí thuận tiện, dễ di chuyển và có thể xếp gọn. Bạn cũng nên lưu ý thiết kế các hệ thống ngầm và tận dụng triệt để không gian trống.
Nội thất màu trung tính nhẹ nhàng tạo cảm giác rộng rãi cho phòng bếp nhỏ.
Gia chủ sử dụng chiếc đèn chùm pha lê lấp lánh làm điểm nhấn cho căn phòng.
Đảo bếp được sử dụng như chiếc bàn ăn tiện dụng.
Màu sắc cũng là một vấn đề quan trọng khi thiết kế phòng bếp có diện tích nhỏ. Để tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng, người ta hay sử dụng những gam màu tươi tắn, sáng sủa (thường là các màu trung tính). Ngoài ra, nội thất bắt sáng, phản chiếu ánh sáng cũng được ưa chuộng để “nới rộng” phòng bếp diện tích nhỏ.
Hệ thống nội thất âm tường đem lại sự gọn gàng cho căn bếp.
Khoảng trống trên tường được gia chủ tận dụng hiệu quả. Nội thất gỗ
mộc mạc đem lại vẻ dân dã, gần gũi cho căn bếp.
Tủ kệ bếp khép kín sẽ giúp căn bếp nhỏ tránh được cảm giác bề bộn, ngập đồ đạc. Khoảng trống trên tường cũng nên được tận dụng để tổ chức, sắp xếp nội thất, tạo ra không gian đa chức năng, tiện nghi.
Các món nội thất trong căn bếp đều được “thu nhỏ” khá xinh xắn, dễ thương. Gia chủ đóng đinh trên tường để treo gọn dụng cụ làm bếp. Màu trắng chủ đạo “mềm mại hóa” vẻ xù xì của tường gạch, bê tông.
Nội thất màu trắng cộng với hai cánh cửa sổ lớn đón ánh sáng
khiến căn bếp trở nên rộng rãi, thoáng mát.
Phòng bếp trông sẽ rộng rãi hơn với hệ thống tủ kệ có màu sắc hòa hợp, liền mạch với màu sơn tường. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng gam màu tương phản nếu muốn nhấn mạnh, khiến các món nội thất nổi bật. Ngoài ra, để ghi đậm dấu ấn và sự sáng tạo, bạn có thể lựa chọn 1 vài điểm nhấn thú vị, độc đáo, đi sâu vào chi tiết để thể hiện cá tính và gu thẩm mỹ riêng biệt.
Gia chủ sử dụng hệ thống kệ treo tường xinh xắn, tiện lợi.
Vật liệu bóng bắt sáng là một mẹo nhỏ giúp “nới rộng” phòng bếp.
Đối với phòng bếp nhỏ, sự sạch sẽ, sáng sủa là yếu tố bắt buộc nếu bạn muốn có một không gian thoáng đãng. Bạn cũng nên lựa chọn các món nội thất thiết kế đơn giản nhưng sắc sảo, hiện đại. Tổ chức, sắp xếp hợp lý công với một chút phong cách trong thiết kế, bạn sẽ có một căn bếp bắt mắt, xinh xắn.
Cửa sổ lớn với những bức tranh hoa tươi sáng đem thiên nhiên vào căn phòng.
Nội thất nhà bếp đa chức năng với hệ thống ngầm tạo vẻ gọn gàng cho căn bếp.
Kệ và dụng cụ bếp màu trắng trùng màu tường “đánh lừa” cảm giác của mắt,
khiến không gian trở nên rộng rãi hơn.
Theo ttvn.vn