NTK Đức Hùng bảo anh vẫn yêu Tết và đón Tết như một đứa trẻ, với tất cả niềm hào hứng và thích thú. Sợi dây liên kết anh với tuổi thơ đẹp đẽ sung túc ở ngôi nhà số 9 Hàng Đậu này chính là mâm cỗ Tết dâng lên Tổ tiên. Mâm cỗ Tết của người Hà Nội: Không chỉ là nếp nhà mà còn rèn giũa nhân cách con người - NTK thời trang Đức Hùng sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố cổ. Ngôi nhà số 9 Hàng Đậu truyền đến đời anh là đời thứ 4. Anh là con trai út, trên có 5 người chị gái. Bởi vậy, ký ức về ngày Tết với anh vừa ngọt ngào, ấm áp vừa rộn ràng trong gian bếp ấm đượm lửa nồng của mẹ.
“Bố mẹ vẽ cho tôi một tuổi thơ rất đẹp, đặc biệt là Tết. Tôi không bao giờ quên hình ảnh bàn chân của mình giẫm lên xác pháo vỉa hè sau khi được đi chơi với bố mẹ ở Bờ Hồ. Xác pháo trải dài từ Hàng Ngang, Hàng Đào qua chợ Đồng Xuân về đến Hàng Đậu. Cả những chiều 30 nhìn người ta hóa vàng, bụi hóa vàng bay trong mưa xuân lất phất bện vào nhang khói tạo ra cái mùi Tết cứ trở đi trở lại trong ký ức”.
NTK Đức Hùng bên 2 con gái tuổi mười tám đôi mươi
Ở tuổi ngoài 50, có hai cô con gái tuổi đôi mươi, lại làm trong nghề thời trang, và giữa thời đại mà chuyện áo quần đã trở nên thừa thãi, NTK Đức Hùng vẫn giữ cái nếp sắm “manh áo mới” cho cả nhà vào dịp Tết. Dù đồ mới có khi còn không đẹp bằng đồ cũ. Nhưng mặc, cứ giao thừa là phải diện áo mới, mà phải có một chút màu đỏ để tạo may mắn, một chút màu vàng để cầu thịnh vượng.
Nhà có 5 cô con gái lớn nhưng mẹ của NTK Đức Hùng luôn là người cầm trịch, làm chủ gian bếp. Các cô con gái chỉ đứng quanh hỗ trợ và học việc. Đức Hùng bảo, nhìn các chị hỗ trợ mẹ mới thấy việc nấu nướng của người xưa cầu kỳ, nghiêm khắc nhường nào.
“Đơn cử như việc thái hành, bà chỉ ưng duy nhất người chị cả. Bà dạy từ cách đi chợ chọn cọng hành cọng mùi ra sao, nhặt rửa thế nào. Còn khi thái, bà dạy chị từ cách đặt tay, cách chọn dao thớt. Thớt phải thật bằng, dao phải thật sắc để hành không dập, rắc lên bát canh, chan nước dùng vào thì hành lật ngửa ra bám vào nước béo. Mà không phải thích rắc bao nhiêu cũng được, bà lúc nào cũng dặn hành mùi phải rắc vừa độ và đều tay, “lưa thưa râu rồng”, bát canh mới đẹp, mới ngon mắt”.
Mâm cỗ xưa của gia đình người Hà Nội nhiều đời này từng rất đề huề theo đúng kiểu 6 bát 6 đĩa, từ bát măng, bát miến, bát bóng, bát nấm thả, bát mực... đến xôi gấc, chả quế, giò lụa, gà luộc, nem rán, hạnh nhân, nộm, tôm chiên… Song, NTK Đức Hùng bảo: “Đề huề mà không thừa thãi, không phung phí, dù là một mẩu su hào, cà rốt”.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)