KTS Killcoyne của tập đoàn Allen + Killcoyne được giao nhiệm vụ thiết kế lại căn hộ nhỏ tại New York cho một khách hàng cao tuổi đã nghỉ hữu. Khách hàng này muốn sống ở khu Manhattan trong thành phố để được gần gũi với con gái và cháu của mình. Khi chọn xong căn hộ, ông đã tìm đến kiến trúc sư Killcoyne nhờ tư vấn và thiết kế lại.
Điều thú vị ở đây là sau khi hoàn thành hợp đồng này, Killcoyne sẽ tiếp tục thiết kế cho một căn hộ tương tự trong khu vực này để con gái của vị khách hàng có thể dọn đến sinh sống.
“Đó là một không gian thật kinh khủng” - KTS Killcoyce nhớ lại lần đầu tiên đến xem căn hộ. Anh còn nhớ như in cái không gian chật hẹp với những tấm thảm lông sẫm màu treo lủng lẳng trên cánh cửa tủ. Sau khi làm việc với công ty xây dựng, Killcoyne đã quyết định thiết kế lại không gian cũng như nội thất bên trong căn hộ. Anh thay mới hoàn toàn hệ thống cửa sổ, chia căn hộ thành những khu riêng biệt để tạo nên không gian mở.
Killcoyne chia sẻ: "Tôi thực sự muốn một căn hộ với không gian các phòng thông nhau. Nhưng ngay lúc này, với một căn hộ có diện tích không quá lớn, điều tốt nhất tôi nên làm là phân chia căn hộ thành những khu vực riêng biệt với những không gian sống khác nhau". Killcoyne có lẽ là người hiểu rõ hơn ai hết về cách thiết kế cho những không gian chật hẹp, bởi gia đình với hai đứa trẻ của anh cũng đang sống trong một không gian khoảng 60m2.
Killcoyne khẳng định: “Đây không phải là một không gian sống quá chật hẹp. Chằng qua là bạn đang cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ vào một căn phòng không mấy rộng rãi. Nếu bạn có thể kiểm soát những đồ vật nên có trong nhà, chắc chắn bạn sẽ có một không gian hợp lý mà rất độc đáo”.
Khách hàng của Killcoyne bày tỏ mong muốn là làm sao để căn phòng trông sạch sẽ, thông thoáng, đơn giản và không tạo cảm giác chật hẹp.
Thay vì tạo ra một căn phòng với những không gian thông nhau để tạo cảm giác căn hộ như rộng lớn hơn, Killcoyne chia căn nhà thành những khu riêng biệt liền nhau phục vụ cho ba mục đích: sinh hoạt, ngủ nghỉ và nấu ăn. “Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy không gian như rộng lớn hơn bởi một căn hộ nhỏ như này mà bạn vẫn có thể chia thành ba phòng chính riêng biệt. Bạn sẽ không có cảm giác như mình đang bị mặc kẹt trong bốn bức tường chật hẹp”.
Để đảm bảo căn phòng có không gian thông thoáng, Killcoyne hạn chế dùng những màu sắc riêng biệt. Anh sử dụng những tông màu giống nhau cho nền nhà gỗ sồi, hệ thống tủ, vách ngắn, màu sơn tường, đồ nội thất... Killcoyne hạ thấp trần xung quanh căn hộ và lắp đặt hệ thống đèn LED. Tuy nhiên, anh vẫn giữ độ cao cần thiết cho trần nhà ở khu vực giữa để tạo ra không gian sống tối đa nhất cho người ở.
Chiếc giường được sắp đặt trong một khu vực riêng biệt với vách ngăn bằng gỗ, ngăn cách không gian ngủ với các không gian khác trong nhà. Ngoài ra, Killcoyne còn thiết kế một khu vực giá đỡ khá tiện nghi sát tường. Đây là nơi đặt các thiết bị nghe nhìn, cũng là nơi bạn có thể tha hồ trưng bày những món đồ nghệ thuật mà bạn yêu thích.
Không gian phòng ngủ gồm một giường đôi, một tủ để đồ và
một khoảng không gian nhỏ để treo quần áo.
Khi vị khách hàng muốn Killcoyne đặt một chiếc tivi màn hình phẳng ở trong không gian phòng ngủ, Killcoyne nhận ra rằng, nơi duy nhất thích hợp để đặt tivi đó là... trần nhà. Vì vậy, anh đã khuyên khách hàng không nên sử dụng tivi trong khu vực ngủ.
“Vách ngăn với những thanh gỗ song song sẽ làm cho không gian phòng ngủ đỡ ngột ngạt” - Killcoyne giải thích. Ngoài ra, một bức tranh nghệ thuật trong khu vực phòng ngủ cũng không phải là một ý tưởng tồi.
Khu vực nhà bếp sẽ được thiết kế ở góc của căn hộ, vì vậy bạn sẽ không cảm thấy như mình đang nấu ăn trong chính không gian sống của mình.
Tốt nhất là không nên thường xuyên nấu ăn quá cầu kỳ trong một không gian nhỏ như thế này, vì vậy các thiết bị trong phòng bếp nên được hạn chế. Một lò vi sóng, một chiếc bồn rửa bát, hai bếp cảm ứng với lỗ hút khói ẩn trong hai tủ đựng đồ phía trên là một sự lựa chọn hợp lý.
Không gian này cũng nên gọn gàng, ngắn nắp và thông thoáng do nó nằm sát với cửa ra vào của căn hộ.
Chiếc tủ lạnh được sắp xếp khá khéo léo, ẩn sau cánh cửa
của hệ thống tủ bếp được đặt sát đất.
Để tận dụng được mọi không gian trong khu vực phòng bếp, Killcoyne thiết lập hệ thống tủ đựng đồ với kích thước mỗi cái là 105 cm thay vì 91 cm như bình thường. Anh cho chèn thêm một hàng tủ nhỏ tiện dụng ngay trên hệ thống tủ sát đất.
Hệ thống ngăn tủ bé khá hữu ích, có thể dùng để cất giữ những đồ vật thường xuyên phải dùng tới mà không phải vất vả cúi xuống và kéo cánh tủ lớn phía dưới.
Killcoyne sử dụng một tấm kính bóng ngăn cách trần nhà với hệ thống tủ trong nhà bếp. Kính là một loại vật liệu tuyệt vời bởi nó không bao giờ bị ố vàng. Killcoyne cũng dùng loại vật liệu này cho không gian tắm trong căn hộ.
Sử dụng một loại kính mỏng (khoảng 2 cm) để làm tường cho không gian nhà tắm. Nó giúp phản chiếu ánh sáng và làm cho không gian như rộng hơn, lớn hơn.
Một bồn rửa tay và hệ thống vòi hoa sen là những thiết bị hợp lý và phù hợp với không gian phòng tắm này. (Do không được thiết kế như phòng tăm xông hơi, nên tốt hơn hết nên có hệ thống cửa phụ bé ngay bên trên cửa kính để thoát hơi nước).
Dịch tấm gương sang phía bên trái một chút sẽ để lộ ra tủ thuốc y tế phía sau. Thậm khí nơi để giấy vệ sinh có thể bị che lấp đi để tạo cảm giác về một không gian sạch sẽ nhất có thể.
Bản vẽ phác họa của Killcoyne đã cho thấy sự khéo léo khi anh thiết kế lại không gian cho một căn hộ chỉ với 32m2. Phản hồi của khách hàng khá tích cực và khiến Killcoyne vô cùng hài lòng.
Ngoài vị trí của chiếc tivi trong phòng ngủ, mọi thứ đều được sắp đặt rất hợp lý và hài hòa. Killcoyne khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể sống trong căn hộ này thoải mái như đang sống trong một căn penthouse sang trọng”.
Theo eva.vn