Bạch Thược - người đàn bà đẹp với cái tên lạ
Bà Thược năm nay đã 78 tuổi, nhưng nét đẹp sắc sảo mặn mà, đài các của một người con gái Hà thành xưa vẫn còn vương lại trên khuôn mặt bà. Bấy lâu nay, bà sống một mình trong căn nhà tập thể ở khu Nam Thành Công, các con đều đã trưởng thành và rời xa vòng tay của mẹ.
Ngày còn trẻ, nhan sắc của bà Bạch Thược đã từng nức danh phố cổ Hà Nội. Nhưng cuộc đời của người đàn bà đẹp này lại gắn liền với một thời kỳ quá nhiều biến động của lịch sử, chiến tranh và ly tán.
Năm chị em nhà Bạch Thược.
Khi Bạch Thược cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà ở phố Ngõ Trạm, Phùng Hưng, cả gia đình bà đều mong chờ một cậu quý tử để nối dõi tông đường, bởi nhà Bạch Thược đã có đến 3 cô con gái. Nhưng bố mẹ của Bạch Thược đã không phải thất vọng, bởi khi ra đời, bà đã là một cô gái có nhan sắc như một đóa hoa tự nhiên, tỏa hương giữa cuộc đời. Bạch Thược là tiểu thư trong một gia đình có 5 chị em gái của một gia đình tiểu tư sản Hà Nội thời ấy.
Cô bé Bạch Thược đã từng ấm ức mãi vì cái tên nghe vừa lạ, vừa xấu của mình bởi các chị của bà đều được gọi bằng những tên lá ngọc cành vàng. Nhưng có lẽ là số phận bởi đôi khi tên gọi cũng chính là một ẩn số của cuộc đời.
Lớn lên, vẻ đẹp thuần khiết, mang nhiều cá tính của một cô gái Hà Nội đã khiến bao chàng trai ngày đó mê mẩn. Bạch Thược lại có năng khiếu văn nghệ, bà tham gia diễn nhiều vở kịch của trường, như Quán Thăng Long, Lý Chiêu Hoàng, nên vẻ đẹp của bà càng có dịp được tỏa sáng.
Mỹ nhân Bạch Thược lúc 18 tuổi... và bây giờ.
Nhà Bạch Thược là một căn cứ Cách mạng, nơi in ấn truyền đơn và tổ chức các phong trào biểu tình chống chiến tranh. Cô bé mảnh khảnh, có cái vẻ bề ngoài tưởng như yếu đuối đó đã từng bị bắt vào Sở Mật thám 6 tháng. Nếu không có sự can thiệp của anh rể thì có lẽ Bạch Thược đã không thoát khỏi những ngón đòn tra tấn dã man..
Trong Sở Mật thám đối với Bạch Thược cũng là một khoảng thời gian đáng nhớ, bởi bà ý thức được cao hơn, ý nghĩa của sự sống và khát vọng đấu tranh cho giải phóng dân tộc. Sắc đẹp của bà, trong những ngày lao tù cơ cực ấy đã khiến bọn lính Pháp ngạc nhiên, và ít nhiều thay đổi cái nhìn của chúng về Việt Minh. Bởi trong mắt chúng, Việt Minh không thể có vẻ đẹp đài các, sang trọng đến vậy. Còn với những tù nhân, vẻ đẹp của Bạch Thược như một nguồn sáng cổ vũ tinh thần đấu tranh bền bỉ của họ.
Trong số các chị em thì người chị thứ hai của Bạch Thược, bà Kim Thoa, kết hôn với một bác sĩ khá nổi tiếng và thoát ly theo gia đình chồng, để lại một tình yêu dang dở với người bạn học tên Vũ Sơn. Và người đàn ông tên Vũ Sơn ấy sau này đã trở thành chồng của Bạch Thược.
Nghiêm Thúy Băng - cô gái đẹp có khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Bà Nghiêm Thúy Băng năm nay đã bước sang tuổi 84 nhưng gương mặt bà vẫn còn lưu lại những nét đẹp xưa của một giai nhân Hà thành. Đó là vẻ đẹp sang trọng, đài các và nền nã của một cô gái được sinh ra trong gia đình giàu có. Bà Thúy Băng hiện sống trong căn nhà nhỏ ở phố Yết Kiêu, ngôi nhà còn lưu giữ rất nhiều ký ức về người chồng tài hoa của bà, cố nhạc sĩ Văn Cao.
Bà Thúy Băng khi còn trẻ.
Bà Thúy Băng được thừa hưởng nhan sắc từ người mẹ, cũng là con của một đại tư sản ngày đó. Cuộc sống giàu sang và nhan sắc rực rỡ của Thúy Băng đã khiến bao chàng trai tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư bên Pháp về si mê và cho người đến dạm ngõ, nhưng Thúy Băng vẫn không rung động trước một ai.
Một thời gian sau, những biến cố gia đình đã làm thay đổi cuộc sống của một tiểu thư xinh đẹp như Thúy Băng. Đó là khi bố bà bị bắt vì bọn Pháp phát hiện ra nhà in bí mật ở gò Đống Đa chuyên in tài liệu cho Việt Minh. (Những số báo Độc lập đầu tiên cũng ra đời từ xưởng in nhà Thúy Băng). Sau đó ba tháng, ông cụ mất. Đó là năm Thúy Băng vừa tròn 16 tuổi.
Bà Thúy Băng vẫn giữ được nét sắc sảo khi đã sang dốc bên kia cuộc đời.
Năm 17 tuổi, khi đứng bán sách ở quầy sách nhỏ của gia đình, lần đầu tiên Thúy Băng nhìn thấy chàng nhạc sĩ Văn Cao đến in bài hát ở xưởng in nhà mình. Ngày đó, Thúy Băng đã nghe Thiên thai, Suối mơ, và không nghĩ có lúc lại được gặp chàng nhạc sĩ tài hoa mà mình từng ngưỡng mộ ấy.
Những ấn tượng về Văn Cao đã làm trái tim Thúy Băng lần đầu tiên đập những nhịp đập khác thường. Ông Nguyễn Thành Lê, một người bạn của anh trai Thúy Băng, như thấy duyên kỳ ngộ của đôi trai tài gái sắc nên đứng ra làm mai mối.
Đối với nhạc sĩ Văn Cao, Thúy Băng không chỉ là vợ mà còn là một người bạn, một tri kỷ biết nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của ông. Bà trở thành cảm hứng sáng tạo của những bức chân dung rất đẹp về phụ nữ Hà Nội xưa trong các sáng tác của ông.
Phạm Thị Hồng - đóa hoa hương sắc một thời
Bà Phạm Thị Hồng là vợ của nhà lão thành cách mạng Nguyễn Kim Cương và là chị gái của phu nhân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Căn nhà đã đi vào lịch sử, số 37 Cầu Gỗ là nơi bà Phạm Thị Hồng cất tiếng khóc chào đời. Bố của bà Phạm Thị Hồng là cụ Phạm Quang Hưng, một công chức giỏi thời Tây, nhưng có tinh thần yêu nước nồng nàn. Gia đình bà có 12 người con, thì có đến 7 chị em gái, mỗi người đều mang tên một loài hoa, Hồng, Nga, Lan, Na, Mai, Cúc, Thu. Nhưng có lẽ, hoa Hồng vẫn là bông hoa có nhiều hương sắc và là chúa của các loài hoa… nên nổi trội hơn cả.
Ảnh bà Hồng và các chị em gái bị mật thám Pháp đánh số vào trán để theo dõi.
Bà Hồng đứng thứ 6 từ trái sang.
Mẹ mất khi cô bé Hồng mới chỉ vừa 12 tuổi. Bắt đầu cho những tháng ngày tự lập và bươn chải với cuộc sống để lo cho các em nên từ bé, bà Hồng đã biết sống cho người khác.
Dù không được đến trường một cách danh chính ngôn thuận, nhưng bà Hồng không an phận thủ thường với điều đó. Cuộc sống với bà là sự vươn lên, sự học hỏi không ngừng. Và từ những chiêm nghiệm về cuộc đời, về những vui buồn trong cõi nhân sinh, bà Hồng làm thơ, những câu thơ tự nhiên hồn hậu như chính cuộc đời của bà vậy…
Ảnh chụp bà Hồng năm 2011, thời điểm bà 102 tuổi. Và trong
2 năm nay không xuất hiện thêm hình ảnh nào về bà.
Nhưng có một điều lạ lùng, và có lẽ con gái Hà Nội xưa là vậy, càng gian nan vất vả, vẻ đẹp của bà Hồng càng tỏa sáng, mặn mà. Nhiều thanh niên hồi đó, là bác sĩ kỹ sư đến nhà bà dạm ngõ nhưng bà Hồng đều từ chối. Và cuộc tình duyên của bà với nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Kim Cương có lẽ là duyên số. Chỉ có duyên số mới khiến một cô gái Hà Nội gốc xinh đẹp nền nã như bà về làm dâu tận xứ Nghệ An xa xôi, nghèo khó.
Căn nhà 37 Cầu Gỗ của cụ Phạm Quang Hưng ngày đó là nơi tá túc trong những ngày gian khó của những chiến sĩ tù Côn Đảo, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương, Lê Thanh Nghị, Ba Ngọ, Đinh Nhu, Nguyễn Tuấn Thức… và trở thành "địa chỉ đỏ" thời kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Thậm chí gia đình bà Hồng còn nằm trong "danh sách đen" của sở mật thám Pháp, trong đó có bức ảnh chụp sáu chị em bà Hồng, và những dòng chữ được viết bằng tiếng Pháp ở phía sau tấm hình như một lời chú thích: Những đối tượng thân cộng sản theo số thứ tự: Phạm Thị Nga (số 1), Phạm Thị Mai (số 2)… đặc biệt có một dòng chữ đậm ở cuối: "Phải theo dõi chặt chẽ nhân vật số 6 - Bông Hồng bên Hồ Gươm", tức Phạm Thị Hồng.
Đến khi giải phóng Thủ đô, bà lại trở về căn nhà 37 Cầu Gỗ. Sau này, ông Kim Cương đảm nhận những cương vị cao, Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, bà Hồng vẫn luôn giữ nếp sống thanh lịch, giản dị và nho nhã của người Hà Nội, hóa giải mọi nỗi vui buồn trong cuộc đời bằng sự thông minh, dí dỏm của mình.
Hoàng Thị Minh Hồ - người đẹp bình dị
Bà Hoàng Minh Hồ cũng là giai nhân của Hà Thành xưa, quả phụ của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, năm nay 100 tuổi. Bà sinh ra trong một gia đình giàu có bậc nhất Hà Thành ngày đó.
Bà Minh Hồ là con thứ 9 của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà Nho yêu nước từng tham gia trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Bà sớm bộc lộ những tư chất thông minh hơn người, nên được cụ Phương gửi gắm nhiều hy vọng, dù bà chỉ là con gái, phận nữ nhi thường tình.
Vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô (bức ảnh chụp khi bà Hồ
cùng chồng từ Việt Bắc trở về Hà Nội).
Bà Hồ đã có một cuộc đời đúng theo một kiểu mẫu chuẩn mực của những cô gái Hà Nội xưa. 15 tuổi, Minh Hồ đã vấn khăn, nhuộm răng đen. (Sau này lấy chồng được ba năm, bà mới cạo đi lớp răng đen được coi là vẻ đẹp chuẩn mực thời con gái ấy). Ở bà toát lên vẻ đẹp của thiếu nữ Hà Nội xưa dịu dàng và duyên dáng trong tà áo dài, guốc mộc hay giày cao gót.
Ngày đó, bà Minh Hồ với gương mặt thanh tú, nước da trắng, mũi cao, được xếp vào hàng những giai nhân. Một khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu mà chắc hẳn nếu bất cứ ai khi nhìn vào đó cũng cảm thấy được ấm lòng. Xinh đẹp, nền nã, bà Hồ có đến hàng chục đám hỏi, toàn con nhà bề thế, gia giáo. Nhưng dù là một phụ nữ mạnh mẽ, sớm bươn chải với cuộc sống thì bà Hồ vẫn nương mình theo những khuôn phép xưa.
18 tuổi, theo sắp xếp của cha mẹ, bà Hồ lên xe hoa về nhà chồng, một gia đình môn đăng hộ đối với nhà bà. Chàng rể không ai khác chính là Trịnh Văn Bô, cậu quý tử của nhà họ Trịnh giàu có, lừng lẫy cả đất kinh kỳ.
Bà Minh Hồ hiện tại.
Tên tuổi của người phụ nữ này từ đó gắn liền với nhà tư sản nổi danh Trịnh Văn Bô. Nhưng làm vợ một nhà tư sản, bà Hồ vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sáng.
Cuộc đời của giai nhân ấy đã không đóng kín trong gia đình bé nhỏ của mình, trong bốn bức tường của ngăn cách như những thiếu nữ Hà Nội xưa, mà đi theo tiếng gọi của cách mạng, bằng tấm lòng thiện của chính mình.
Số tiền vợ chồng bà ủng hộ cho Cách mạng có thể tính đến hàng ngàn lượng vàng. Rồi 9 năm trường kỳ kháng chiến, bà theo chồng, từ bỏ cuộc sống nhung lụa, giàu sang, lên núi rừng Việt Bắc, ăn cơm vắt với măng củ…
Cuộc đời bà, cuộc đời của một người đẹp Hà Thành xưa đã đi qua những biến động của thời cuộc nhưng cho đến bây giờ, bà Hồ vẫn sống lặng lẽ, không vương vấn đến tiền bạc hay sự giàu sang. Và mỗi buổi sáng thức dậy, bà Hồ vẫn ngồi thưởng thức hương vị trà do chính mình ướp, để cảm nhận, thời gian dường như đang lắng đọng lại trong ký ức của một cuộc đời, một người đẹp có tấm lòng thiện.
Tổng hợp từ Cảnh sát toàn cầu, Gia đình & Xã hội
Theo Trí Thức Trẻ