Với lời quảng cáo "Nâng mũi Filler rất thích hợp với những người đề cao sự an toàn khi làm đẹp, ngại đụng chạm dao kéo mà vẫn đẹp và mềm mại", giới làm đẹp thực sự lên cơn sốt nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy Filler .Thời gian gần đây, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành cụm từ quá quen thuộc, việc một cô gái "sửa mặt" giờ đây đã trở nên quá bình thường, đơn giản như chuyện make up trước khi ra đường vậy. Nhan nhản những trung tâm làm đẹp, kiêm phẫu thuật thẩm mỹ từ đơn giản như nâng mũi, cắt mí đến làm ngực, gọt cằm, độn cằm... Chị em có quá nhiều lựa chọn để "đập mặt đi làm lại", thế hệ "hot girl" mới với gương mặt thiên thần, "nét căng" ra đời càng khiến giới làm đẹp khao khát.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu được cảnh dao kéo chạm vào người. Những cơn đau tưởng "chết đi sống lại" khi làm đẹp, được chị em truyền đi như một lẽ tất nhiên - cái giá phải trả đổi lại gương mặt xinh đẹp - khiến rất nhiều người chùn tay e ngại.
Giữa lúc ấy, phương pháp làm đẹp bằng tiêm Filler nổi lên như một lựa chọn thực sự mới mẻ cho những ai thích nâng mũi nhưng sợ đụng chạm dao kéo. Rất nhiều lời quảng cáo như "Nâng mũi Filler sử dụng chất làm đầy sinh học tiêm vào vùng mũi, tạo mũi cao, thẳng, thon gọn, đẹp tự nhiên. Đây là phương pháp nâng mũi không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn do tuyệt đối an toàn, đẹp tự nhiên", hay "không chảy máu, không đau đớn, không biến chứng"..., càng khiến chị em "sốt xình xịch". Vậy thực sự, tiêm Filler là gì?
Những thay đổi trên chiếc mũi được tiêm Filler.
Nâng mũi không phẫu thuật bằng Filler là quá trình đưa một chất lỏng đậm đặc vào phần mũi cần nâng cao lên. Hiện nay có nhiều chất làm đầy dùng nâng cao sóng mũi, đầu mũi, xóa đi khuyết điểm mũi gồ xương hoặc mũi gãy và chỉnh đầu mũi nhỏ, nhọn trở nên tròn trịa hơn. Chỉ bằng một mũi tên siêu nhỏ, lập tức những phần tử hyaluronic acid sẽ lập tức đổ đầy thể tích mô tại vị trí đó, giúp mũi đầy hơn, cao hơn cũng như có hình dáng như mong muốn.
Chính vì sự "thần kỳ" chỉ trong một mũi tiêm như vậy, đã khiến không chỉ người đẹp trong giới showbiz mà cả giới ham làm đẹp cũng tạo thành trào lưu hoành tráng. 2 năm gần đây, nhiều thẩm mỹ viện đề cao phương pháp làm đẹp này. Tất cả đều quảng cáo rằng đây là phương pháp làm đẹp đã có từ lâu tại Hàn Quốc và sản phẩm được xách tay trực tiếp từ Hàn để người sử dụng có thể yên tâm.
H.K, một nam khách hàng tiêm Filler mũi vui vẻ chia sẻ về quá trình thực hiện chất làm đầy để chỉnh sửa chiếc mũi của mình. H.K và người yêu đều đã tiêm "một chút vào mũi" và cảm thấy hài lòng.
Theo H.K "Chỉ mất 5-15 phút thôi, cảm giác lúc đầu cũng lo vì sợ đau, nhưng mũi tiêm rất nhỏ, cảm giác như kiến cắn vậy. Tôi không thấy đau, chỉ có điều da ở phần mũi cao lên nên 1-2 hôm đầu hơi tức tức, đến ngày thứ 3 thì bình thường". H.K cho biết mũi cậu thấp, cậu tiêm vào đường sống phía trên cho mũi cao hơn, còn bạn gái muốn mũi dài hơn nên tập trung tiêm vào phía đầu cho dài và nhọn hơn.
H.K và người yêu đều đã tiêm "một chút vào mũi" và cảm thấy hài lòng.
Chất làm đầy Filler cũng được sử dụng trong công nghệ sửa cằm.
H.K cho biết cậu và người yêu tiêm 1cc Filler tại thẩm mỹ viện T.S trên phố Hàng Bún. Giá cho một chiếc mũi hoàn chỉnh dao động từ 6-8 triệu đồng. Tiêm cằm từ 7-9 triệu đồng nhưng người yêu H.K "chưa dám thử".
Đây được cho là giá "hữu nghị" so với các thẩm mỹ viện đang quảng cáo phương pháp nâng mũi bằng tiêm Filler hiện nay. Trung bình, một chiếc mũi được tiêm Filler có giá trên dưới 10 triệu đồng, thời hạn "sử dụng" tầm 12-18 tháng, bảo hành khoảng 3 tháng cho các mũi tiêm. Không có ưu điểm về thời gian sử dụng nhưng tiêm Filler lại đem đến cảm giác an toàn, nhanh chóng và không cần nghỉ dưỡng, chính vì thế chị em tỏ ra rất háo hức với cơn sốt nâng mũi này.
Tuy nhiên, thông tin một người phụ nữ ở Singapore hoại tử mũi vì tiêm chất làm đầy Filler tràn lan trên mặt báo vừa qua, đã giáng một đòn chí mạng vào ý định đi làm đẹp không cần đến dao kéo của chị em.
Cô Jenny – 58 tuổi, sống tại Singapore nâng mũi bằng chất làm đầy (Filler) vào tháng 9 năm ngoái. Cho đến tận bây giờ, cô Jenny vẫn đang phải trải qua nhiều đợt điều trị để tạo hình lại chiếc mũi đã hoại tử của mình.Trước cơn sốt Filler và những thông tin nhiễu loạn quanh việc làm đẹp tưởng chừng như an toàn tuyệt đối này, chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Thúy Phương, bác sĩđại học Y Hà Nội. Bác sĩ Phương cho biết, chất làm đầy Filler thực chất là tên gọi chung cho những hoạt chất khác nhau,như Collagen dạng tiêm, Acid hyaluronic (Restylane, Perlane, Teoxane, Prevelle…), Radiesse, Sculptra, đều là các nhóm thuộc chất làm đầy Filler.Trong đó, một số chất được cho phép sử dụng trên toàn thế giới, một số khác không an toàn nên đã bị cấm. Theo bác sĩ Phương, ở những nơi làm đẹp uy tín, bác sĩ bắt buộc phải sử dụng các chất Filler an toàn, được cấp phép trên toàn thế giới. Còn ở các cơ sở tự phong, vì ham rẻ nên sử dụng chất làm đầy trái phép như sillicon lỏng (một loại chất bị cấm) thì rất nguy hiểm cho khách hàng, gây nên hậu quả lớn.
Bác sĩ Phương cũng khuyên chị em làm đẹp nên chọn một cơ sở thẩm mỹ uy tín, có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầy đủ. Tốt nhất, theo bác sĩ, để làm đẹp, chị em không nên ham rẻ, tin những nguồn hàng không rõ nguồn gốc để rước họa vào thân.
Depplus/Mask