Mụn nặng hơn vì nặn sai cách
Theo TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành Da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội, nhiều người có thói quen sờ tay lên vùng da bị mụn, tự ý nặn. Tuy nhiên, việc làm này là nguyên nhân khiến mụn phát triển.
Móng tay có chứa rất nhiều vi khuẩn, khi nặn sẽ truyền sang mặt, làm cho mụn mọc
nhiều và nguy hiểm hơn lúc đầu.
Móng tay có chứa rất nhiều vi khuẩn, khi nặn sẽ truyền sang mặt, làm cho mụn mọc nhiều và nguy hiểm hơn lúc đầu. Vì vậy, nếu bạn thực hiện sai cách, các nang lông sẽ bị phá vỡ, mủ và nước vàng chảy ra, ảnh hưởng đến những vùng da lân cận, để lại sẹo, vết thâm trên mặt và thậm chí hình thành sẹo rỗ.
Ngoài ra, mụn có thể mọc ở những vùng da nhạy cảm, nhiều dây thần kinh. Do đó, nếu bạn tự ý nặn sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Cách nặn mụn thông minh
Theo TS Phong, về nguyên tắc, chúng ta không nên tự ý nặn mụn mà nên đến các cơ sở y tế để hút. Tuy nhiên với những trường hợp nhẹ, rải rác vài mụn đầu trắng rất nhỏ, nông, bạn cũng có thể tự xử lý tại nhà. Bạn chỉ nên nặn khi mụn đã chín, nhân trồi lên hẳn lên mặt, giúp da không bị tổn thương và để lại sẹo.
Lưu ý, phải nặn dứt điểm từng mụn, cần thấm khô máu và nước vàng
bằng bông gạc sạch.
TS Phong khuyến cáo, khi thực hiện người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vệ sinh. Cụ thể, mặt phải rửa sạch, tay và dụng cụ khử trùng với dung dịch Betadin hoặc nước sạch. Tuyệt đối không nặn khi đang trang điểm, hoặc phải tiếp xúc với môi trường bụi bẩn.
Ngoài ra, bạn nên xông hơi toàn bộ khuôn mặt bằng nước ấm trước khi nặn. Hơi ấm có tác dụng làm lỗ chân lông nở, bụi bẩn dễ dàng trôi ra bên ngoài đồng thời khi nặn sẽ không bị đau.
Lưu ý, phải nặn dứt điểm từng mụn, cần thấm khô máu và nước vàng bằng bông gạc sạch. Sau đó, dùng Betadin hoặc nước muối sinh để sát khuẩn, đồng thời ngăn chặn tình trạng lây lan.
Bạn nên thực hiện vào buổi tối vì đây là khoảng thời gian da được thả lỏng, mềm hơn, ít phải tiếp xúc với bụi bẩn bên ngoài, giảm đau nhức.
TS Phong lưu ý, cách làm này chỉ dùng khi cần thiết, không nên tùy tiện mọi lúc mọi nơi, khiến da bị tổn thương. Riêng với các trường hợp bị mụn bọc, mủ, sưng,… tuyệt đối không được tự ý nặn mà nên đến các phòng điều trị da liễu.
Để hết mụn mà không cần nặn
TS Phong cũng cho hay, nặn mụn chỉ là biện pháp đối phó tạm thời. Để điều trị mụn trứng cá có kết quả, bạn cần đến khám, để bác sĩ phân loại, chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng thể lâm sàng. Bạn cũng không nên tự mua thuốc điều trị mà cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Ngoài ra, theo TS Phong, chế độ ăn uống và sinh hoạt có tác động rất lớn đến làn da, nhất là với những trường hợp bị mụn trứng cá.
Theo đó, người bệnh nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C, vitamin E, tiền chất vitamin A, uống nhiều nước, hạn chế ăn hải sản, các thực phẩm giàu đạm, mỡ, cay, nóng và không thức khuya sau 23h.
Theo Zing.vn