Tuy nhiên, sử dụng kem chống nắng không chỉ dừng lại ở việc “thích thì bôi”…
Nắng có thể gây nhiều bệnh về da
Nếu nói về ảnh hưởng thẩm mỹ thì nắng nóng là tác nhân số một gây khô da mức độ mạnh, làm lão hoá da, da sần sùi, thô ráp, ngứa ngáy và dễ bị nhiễm khuẩn. Một số hiện tượng ít gặp khác là viêm da do nắng, lupus ban đỏ do nắng. Những hiện tượng hiếm gặp này có thể dễ dàng xuất hiện nếu sức nóng đạt ngưỡng 40oC trở lên.
Về mặt cơ chế, tác hại của nắng nóng chủ yếu là do các tia tử ngoại gây ra. Tác hại của tia này còn lớn hơn nữa nếu không được ngăn cản bởi lớp ozon của khí quyển. Như thế là bản chất của tác hại do ánh nắng cuối cùng chính là do tia UVA và UVB gây ra. Các kem chống nắng được thiết kế chủ yếu chống lại hai tia này.
Bản chất của tác hại do ánh nắng cuối cùng chính là do tia UVA và UVB gây ra. Các kem chống nắng được thiết kế chủ yếu chống lại hai tia này
Những hoạt chất chủ đạo trong kem chống nắng
Trong các phương thức bảo vệ da thì một phương thức đơn giản, dễ áp dụng là sử dụng kem chống nắng. Kem chống nắng có thể giảm rõ rệt tỷ lệ ung thư da do nắng nóng, làm giảm sự kích ứng da do nắng, làm giảm các bệnh lý hệ trọng ở da do nắng. Nó còn có thể giúp chúng ta không bị phỏng da do nắng nóng quá mức.
Có rất nhiều các loại kem chống nắng khác nhau bởi thành phần cấu tạo và những chất phụ gia đi kèm. Ngày nay, ngoài những hoạt chất chính của kem chống nắng, người ta còn cho vào các thành phần khác như vitamin, dưỡng chất, chất giữ ẩm, chất làm mềm da, chất làm trắng... Nhưng những hoạt chất chủ đạo vẫn không thể thay thế. Chúng bao gồm ba hoạt chất chính là axit para-aminobenzoic (PABA), benzophenon và dibenzoylmethan. Các hoạt chất này có tác dụng hấp thụ tia tử ngoại hoặc phản chiếu tia tử ngoại.
Tuỳ thuộc kem chống nắng đó có thành phần chính là gì mà nó có tác dụng hấp phụ hay phản chiếu. Thí dụ, những kem chống nắng có axit aminobenzoic, aminobenzoates (padimate-O), cinnamat, salicylat, camphor, benzophenon (mexenon, oxybenzon) và dibenzoylmethan thì có tác dụng hấp phụ tia tử ngoại. Tia tử ngoại không đến được với da và do đó da được bảo vệ tốt.
Trong khi đó, những kem chống nắng có thành phần là titanium dioxid, zinc oxid và calamin thì có tác dụng phản chiếu. Những kem chống nắng nào mà có cả hai thành phần thì có cả hai tác dụng nên sẽ khá công hiệu. Vì tia tử ngoại gây hại da chủ yếu qua thành phần UVB nên đa phần các kem chống nắng được bào chế ra đều nhắm tới tia này.
Những hoạt chất trong kem chống nắng rõ ràng có tác dụng tốt vì nó ngăn trở được những tác hại của nắng nóng lên da. Nhìn chung nó có độ an toàn cao và ít khi gây ra những biến cố nghiêm trọng. Song không phải vì thế mà nó an toàn tuyệt đối.
Cách sử dụng
Căn cứ vào nhiệt độ môi trường và loại da mà chúng ta chọn kem chống nắng nhẹ hay kem chống nắng mạnh. Với những ngày nắng nóng khoảng 30 độ C, da ít nhạy cảm với ánh nắng, tức là không bị kích ứng do ánh nắng, không bị nổi ban đỏ do ánh nắng mà chỉ bị sạm da thì chúng ta chỉ cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số bảo vệ SPF khoảng 10 là đủ. Còn với mức độ nắng nóng từ 35-36 độ C trở lên, hoặc những đối tượng có da dễ bị nhạy cảm với ánh nắng như dễ bị kích ứng da do nắng, dễ bị phát ban do nắng thì cần sử dụng loại kem chống nắng mạnh hơn, có chỉ số SPF từ 15 trở lên.
Để có được phương thức bảo vệ tốt, nên bôi kem chống nắng 15-20 phút trước khi ra nắng, sau khi ra nắng được 30 phút thì nên bôi tiếp lần 2. Lần bôi 1 có tác dụng tạo một lớp lót sẵn sàng bảo vệ da, lớp lót này sẽ dàn đều, thấm xuống tận từng khe tế bào và sẽ ngăn cản mọi con đường xâm nhập của nắng.
Lần bôi 2 có tác dụng bổ sung cho lần bôi 1 sau khi đã ra nắng. Vì sau khi ra nắng một thời gian, các chất này sẽ bị mất dần tác dụng, cần được bổ sung. Nếu thời gian làm việc ngoài nắng là trên 90 phút hoặc công việc của bạn làm ra nhiều mồ hôi, cọ xát mất lớp kem này thì cần tiếp tục bôi thêm. Trong khi lựa chọn kem chống nắng thì nên lựa chọn loại kem phổ rộng, bôi phần mặt ngoài cơ thể nhiều hơn.
Các hoạt chất chống nắng, ở một góc độ nào đó, sẽ gây những tác hại nhất định. Biểu hiện là kích ứng da, ngứa da, viêm da. Xét nghiệm những đối tượng sử dụng kem chống nắng thì có khoảng 1-10% thành phần kem chống nắng ngấm vào da. Đặc biệt là khi sử dụng kem chống nắng có thành phần là oxybenzon, có tới 97% người bôi kem chống nắng loại này bị nhiễm oxybenzon trong máu và nước tiểu. Khi chất này đạt ngưỡng cao trong máu và nước tiểu thì có thể gây ra những biến cố như rối loạn tế bào, rối loạn hormon, ở bà mẹ mang thai thì gây trẻ đẻ thiếu cân. Chất này cũng dễ gây ra những phản ứng quá mẫn.
Cần lưu ý là kem chống nắng chỉ có thể hạn chế tác hại của nắng nóng. Nó sẽ giữ lại ở bề mặt da các gốc tự do. Những gốc tự do này có thể thấm vào da, đi sâu vào lớp giữa của da. Nếu chúng ta bôi kem chống nắng trên 60 phút liên tục thì nồng độ gốc tự do trong da cao hơn so với những người không dùng kem chống nắng.
Như thế tác dụng chống lão hoá của kem chống nắng không thực thi. Do vậy, không nên bôi kem chống nắng liên tục quá 60 phút. Khi vào mát, các bạn nên rửa sạch lớp kem đã hết tác dụng. Nếu thời gian làm việc dài thì tốt nhất là hãy nghỉ ngơi 15 phút và thay một lớp kem chống nắng mới.
SK& ĐS