Theo BS da liễu Trần Ngọc Ánh - Phó chủ nhiệm Bộ môn Da liễu, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, do hoạt động của tuyến bã nhờn trên da dầu hoạt động tăng cao dẫn đến tình trạng bít tắc và sưng ống tuyến bã, tạo nên nhân mụn trứng cá và tạo môi trường cho vi khuẩn thường trú ở nang lông phát triển, gây nhiễm trùng nang lông và thế là mụn mủ hình thành.
Hơn thế nữa, da nhờn bị bóng dầu khắp mặt, da dày, lỗ chân lông to do chất bã bị ứ lại trong nang lông. Khi mất nước, lỗ chân lông càng nở to hơn, do đó chất bụi bẩn dễ bít kín, gây mụn. Vùng chữ T đặc biệt dầu và nhờn rất nhiều do tuyến bã nhờn hoạt động rất mạnh.
Vì vậy, da dầu cần được chăm sóc thường xuyên, đều đặn và đúng, đặc biệt là bước vệ sinh làm sạch da bằng sữa rửa mặt chống bóng dầu, kết hợp với tẩy tế bào chết một đến hai lần một tuần. Bạn cũng nên dùng thêm dung dịch cân bằng da (thường gọi là toner hay nước hoa hồng) giúp se khít lỗ chân lông, giảm bớt bã nhờn. Sau đó là sử dụng những sản phẩm kem dưỡng có chức năng ngăn ngừa mụn có tác dụng giảm dầu, sát trùng, điều tiết và ngăn chặn sự hình thành nhân mụn.
Ảnh minh họa
BS Ánh cho biết thêm: “Nhiều người có thói quen nặn mụn và đây là thói quen cần tránh. Việc nặn, hút, chích, hay lể mụn sẽ khiến cho nhiễm trùng da càng lan rộng, gây thêm sẹo và càng khó điều trị mụn hơn. Bạn cũng nên tránh các tác nhân gây mụn khác như kem dưỡng, thuốc không phù hợp, đặc biệt là các loại kem tẩy trắng, kem có chứa corticosteroid làm giảm mụn cấp tốc nhưng để lại những tác hại lâu dài”.
Đừng rửa mặt nhiều lần
Chuyên gia da liễu khuyến cáo, rửa mặt nhiều lần khi chăm sóc da dầu và da mụn sẽ càng kích thích da tiết dầu và bã nhờn nhiều hơn, đồng thời làm mất đi lớp phim tự nhiên bảo vệ trên da. Đừng dùng tay nặn lấy nhân mụn gây sưng tấy, nhiễm trùng lan rộng và để lại vết sẹo. Dùng kem dưỡng da làm trắng để che vết mụn sẽ làm da không thông thoáng, gây bã nhờn nhiều hơn, và mụn sẽ càng nhiều hơn. Cũng không nên thoa thuốc trị sẹo, nghệ làm lành mụn vì sẹo mụn có những phương án điều trị riêng, không thể sử dụng thuốc trị sẹo vết thương.
Đối với những trường hợp da dầu và mụn không nghiêm trọng, bạn có thể tự chăm sóc với chế độ làm sạch và dưỡng da phù hợp. Đối với trường hợp da trở nên quá nhờn, ngày càng xuất hiện nhiều mụn viêm, da mặt sưng tấy, hoặc da có quá nhiều mụn mủ, sẹo lồi hay sẹo lõm thì bạn không nên tự chữa trị mà nên đến bác sĩ da liễu để được tư vấn kịp thời và đúng cách.
Những dạng mụn khác nhau (như mụn cám, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn mủ…) có những giải pháp điều trị khác nhau. Đối với mụn ở thể nhẹ như mụn cám, mụn đầu trắng, đầu đen: chỉ cần giữ da sạch, chăm sóc da với các mỹ phẩm dành cho da dầu, da nhờn hoặc kết hợp thêm thuốc thoa. Đối với mụn ở thể vừa như mụn mủ ít, ngoài chế độ dưỡng da dành cho da dầu nhờn có thể dùng thêm kháng sinh dạng uống, hoặc kết hợp thuốc nội tiết.
Làm đẹp đối với da dầu và da mụn
• Giữ da mặt sạch sẽ, giữ ẩm cho da và sử dụng sản phẩm chăm sóc da đúng cách. Tránh tác động, kích thích nhiều vào da như chà xát hay massage. Nên sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết mỗi tuần.
• Nếu phải trang điểm thường xuyên, tránh chọn những mỹ phẩm chứa nhiều nước vì khi nước bay hơi, mỹ phẩm sẽ đóng thành lớp dày trên da, làm bít lỗ chân lông. Hạn chế trang điểm, tuyệt đối không giữ lớp trang điểm trên da suốt cả ngày.
• Khi lựa chọn mỹ phẩm, đặc biệt là phấn nền và phấn phủ, bạn nhớ mua loại không có dầu với tông màu sáng, nhẹ nhàng. Mỹ phẩm với dạng lỏng và trị trứng cá sẽ không bít kín lỗ chân lông của bạn.
• Nguyên nhân chính gây mụn, đặc biệt mụn đầu đen chính là bụi bẩn. Trước khi đi ngủ đừng quên rửa mặt và tẩy trang.
• Giữ cho mái tóc của bạn luôn sạch sẽ và không phủ lên mặt nhằm tránh dầu, mụn và mẩn ngứa. Hạn chế sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc có nhiều dầu.
Phunuonline