Nhân viên một siêu thị ở thành phố Tân Bắc (New Taipei) rút sản phẩm nước uống thể thao có chứa chất DEHP khỏi quầy hàng - Ảnh: AFP
DINP là một dạng hóa chất nhóm phthalate có chức năng làm dẻo được sử dụng trong ngành công nghiệp nhựa.
DEHP và DINP
Ngày 28-5, Thời báo Đài Bắc cho biết cơ quan chức năng đã bắt gia đình giám đốc Công ty Tân Hán, công ty đã thêm chất DINP vào phụ gia tạo đục để bán cho các doanh nghiệp thực phẩm và sản xuất nước giải khát ở Đài Loan trong nhiều năm qua. Vợ chồng giám đốc Trần Triết Hùng, Vương Phấn và con trai Trần Uy Thừa đã bị cảnh sát thành phố Tân Bắc bắt giam nhưng Trần Uy Thừa được trả tự do sau khi nộp tiền tại ngoại.
Chất tạo đục được sử dụng trong thực phẩm và nước uống để tạo thêm sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng, nhưng “chất tạo đục giờ đây đã trở thành chất tạo độc, chúng tôi rất lo sợ” - một người tiêu dùng ở Đài Bắc cho biết.
Cơ quan y tế Đài Loan đã tịch thu các loại nước uống thể thao và nước măng tây của Tập đoàn Uni President ở Đài Nam và Công ty Mỹ Đạt (công ty trực thuộc của Uni President) ở huyện Vân Lâm cùng các sản phẩm thực phẩm của Công ty sản xuất dầu ăn Tai Hwa ở Cao Hùng.
Báo China Post dẫn lời tổng giám đốc Cơ quan giám sát dược phẩm và thực phẩm của Đài Loan (FDA), ông Khang Chiếu Châu, cho biết DINP là một hóa chất tương tự như DEHP được phát hiện gần đây trong các sản phẩm thức uống và thực phẩm của Đài Loan, chất này bị cấm sử dụng trong ngành sản xuất thực phẩm. Ông Khang cho biết thêm FDA đã tịch thu 54.822 hộp thức uống thể thao Pro Sweat, 36.533 hộp nước măng tây và 128kg chất tạo đục từ Tập đoàn Uni President Đài Loan. Trong khi đó tại Công ty Mỹ Đạt, cơ quan chức năng cũng tịch thu 5.682 hộp nước uống thể thao và 13,82kg chất tạo đục. Cả ba công ty này đều mua phụ gia tạo đục có chứa chất DINP từ Công ty Tân Hán trong nhiều năm qua.
Chất DINP và DEHP được sử dụng hợp pháp ở Đài Loan trong ngành nhựa nhưng bị cấm sử dụng như một phụ gia trong sản xuất thực phẩm.
China Post dẫn lời ông Mã Anh Cửu, lãnh đạo Đài Loan, kêu gọi người dân hãy bình tĩnh trong cơn bão an toàn thực phẩm ở lãnh thổ này. Ông Mã cam kết trước ngày 30-5, tất cả sản phẩm có chứa chất DEHP sẽ được thu hồi trên toàn Đài Loan, nếu thêm trường hợp nào bị phát hiện sẽ bị trừng trị nghiêm ngay lập tức. Ông Mã thừa nhận vụ bê bối này đã gây hại cho sức khỏe người dân Đài Loan và làm tổn hại hình ảnh của lãnh thổ này trên trường quốc tế. Từ ngày 31-5, các sản phẩm nước uống thể thao, nước trái cây, trà, mứt trái cây và bột thực phẩm hay viên thực phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn với DEHP mới được bán trên thị trường.
Nỗi lo sợ DEHP từ Đài Loan đang lan sang cả Hong Kong. Cơ quan y tế đặc khu Hong Kong ngày 29-5 đã ra lệnh theo dõi sát các sản phẩm thức uống của Đài Loan đang bán trên thị trường của mình. Hong Kong cho biết nếu cần thiết sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm bị ảnh hưởng của Đài Loan.
Đồ chơi cũng có chất độc
Báo Sina dẫn kết quả của Tổ chức Greenpeace cho biết nhiều loại đồ chơi nhựa dành cho trẻ em do Trung Quốc sản xuất đang bán trên thị trường Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong cũng có chứa hợp chất phthalate (gốc của chất DEHP) vượt mức cho phép.
Greenpeace đã phát hiện 21/30 sản phẩm đồ chơi như phao bơi, đồ chơi nhựa dành cho trẻ, hồ bơi nhựa dành cho trẻ dưới 1 tuổi đều có chứa chất tạo dẻo cao. Sina dẫn lời giáo sư Cổ Chính Quế, chuyên gia hóa học thuộc Đại học Nam Kinh, cho biết hợp chất phthalate phát hiện trong số đồ chơi này đều là phụ gia được dùng phổ biến trong ngành nhựa và có tính chất như DEHP. Ngành công nghiệp thường dùng 16 loại có gốc phthalate (có sáu loại bị cấm ở Mỹ, châu Âu và các nước Đông Nam Á) do có độc tính gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, miễn dịch của con người, trong đó có chất DEHP.
Cùng ngày, mạng báo Phương Nam của Trung Quốc dẫn kết quả từ cục kiểm định chất lượng nước này cho biết có 56 loại đồ chơi và đồ dùng cho trẻ em trên thị trường Trung Quốc không phù hợp với quy định an toàn của nước này. Trong đó tại Bắc Kinh, Giang Tô, Thượng Hải, Hà Bắc, Quảng Đông... có nhiều đồ chơi dành cho trẻ chứa nhiều kim loại nặng như chì, thiếc... cùng các chất gây nguy hại cho trẻ em nếu tiếp xúc lâu dài.
Tuổi trẻ online