Giới thượng lưu tụ tập để theo dõi cuộc trưng bày hàng loạt chiếc xe BMW đời mới bóng lộn, từ M3 bốn cửa đến Gran Turismo 5-series.
Cũng tại đây, những chiếc du thuyền được bán chạy như tôm tươi, bất chấp tình hình khủng hoảng kinh tế, lạm phát đang diễn ra ở đâu đó.
Từ nhiều năm nay, Hải Nam đã được mệnh danh là “thiên đường nghỉ dưỡng của nhà giàu”, nhất là giới thượng lưu Bắc Kinh. Năm nay là năm thứ hai diễn ra cuộc triển lãm Hainan Rendez-Vous nhằm tiếp thị những tiện ích xa xỉ cho dân chơi trong bốn ngày tại khu nghỉ dưỡng Visun Marina.
Nhận thấy tiềm năng của giới thượng lưu ngày càng tăng tại Trung Quốc, bốn doanh nhân người Pháp đã khởi xướng hoạt động này. 150 đơn vị trưng bày du thuyền, máy bay riêng và đủ loại “đồ chơi” dành cho nhà giàu.
Một hãng rượu cùng với BMW và Chopard không do dự bắt tay nhau tài trợ cho sự kiện đình đám này. Người tham dự chỉ cần bỏ 27 USD mua vé vào cửa.
BMW đang được xem là thước đo của sự thành đạt tại Trung Quốc. Ảnh: WSJ
Tuy nhiên, đa số người dự khán là khách VIP của các thương hiệu hạng sang, đến bằng máy bay riêng. Trong đám đông, không khó để nhận ra những thanh niên ở độ tuổi 30, khoác lên mình bộ trang phục Salvatore Ferragamo, túi Prada và có thể cất cao giọng hỏi: những chiếc du thuyền lớn trưng bày ở đâu?
Veerle Battiau, giám đốc hãng du thuyền Virtruvius Yachts (Anh), nhận xét: “Trung Quốc quả là thị trường không thể bỏ qua của những thương hiệu hạng sang. Vì giới nhà giàu ở đây quá trẻ, trẻ hơn thị trường châu Âu và Nhật nhiều”.
Hãng Sunseeker China trưng bày bốn chiếc du thuyền, trong đó có một chiếc dài 27m trị giá 6,5 triệu USD. Sau cuộc triển lãm năm ngoái, hãng này đã bán được bốn chiếc du thuyền. Năm nay họ đặt mục tiêu bán sáu chiếc.
Ba chiếc du thuyền sản xuất ở Ý của hãng Simpson Marine với giá từ 1,4 triệu USD trở lên đã được đặt mua ngay tại chỗ. Một số vị khách không hài lòng với các du thuyền đang được trưng bày, mà đặt hàng chiếc dài 30,4m, với giá 10 – 11,4 triệu USD.
Dân nhà giàu Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư cho du thuyền, dù nước này hãy còn hạn chế việc cấp visa cho thuỷ thủ đoàn người nước ngoài nhập cảnh làm thuê cho các ông chủ người Hoa.
Việc sở hữu máy bay riêng cũng gặp trở ngại vì chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt các chuyến bay cá nhân. Tuy vậy, các thủ tục sở hữu du thuyền, máy bay đang được cải thiện vì việc tiêu dùng đẳng cấp cao đang là xu thế.
Các hãng thời trang Louis Vuitton, Gucci và Chanel đang chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng hàng hiệu Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò thái độ mua sắm của người dân Trung Quốc mới đây cho thấy: cùng với tốc độ đô thị hoá, trong năm năm tới, con số thành phố nhà giàu tại nước này sẽ tăng gấp đôi: 30 lên 60, chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến.
Ước tính hiện tại, Trung Quốc đang có khoảng 13 triệu dân thượng lưu, 73% trong số đó dưới 45 tuổi. Họ có thói quen chi xài hàng hiệu từ 12 – 20% thu nhập/năm (20.000 – 60.000 USD) và mạnh tay mua sắm đồng hồ, trang sức, túi xách, giày, quần áo thời trang.
Tác động về tâm lý tiêu dùng đến từ phim ảnh, mạng internet đã khiến giới trẻ đề cao giá trị của các mặt hàng thời trang cao cấp, để khẳng định vị thế cá nhân và “tận hưởng cuộc sống” đúng nghĩa.
Do vậy, các nhà nghiên cứu thị trường có cơ sở để dự báo, Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu dùng hàng hiệu lớn nhất thế giới năm 2015.
Theo Sài Gòn Tiếp thị