Năm 2011, thành viên của bộ tộc Yukagir tại miền bắc Siberia đã phát hiện dấu tích của một con bò rừng Bizon thảo nguyên dọc theo hồ nước sau khi nó bị chôn vùi dưới lớp băng suốt 9.000 năm. Bò rừng Bizon thảo nguyên là tổ tiên của loài bò rừng Bizon ngày nay còn lang thang tại các vùng đồng bằng Bắc Mỹ và Bắc Âu.
Theo Livescience, người ta đã chuyển xác ướp bò rừng gần như nguyên vẹn tới Học viện Khoa học Yakutian ở Siberia để các nhà nghiên cứu khám nghiệm. Điều kiện thời tiết lạnh giá ở miền bắc Siberia là nguyên nhân chính giúp hộp sọ cùng các bộ phận khác của bò rừng Bizon vẫn gần như hoàn hảo.
Sau khi khám nghiệm, nhóm nghiên cứu cho biết xác ướp của con bò gồm bộ não cùng các cơ quan nội tạng được bảo quản rất tốt sau 9.000 năm chôn vùi dưới lòng đất lạnh giá. Tuy nhiên, một số bộ phận của con vật đã teo nhỏ đáng kể theo thời gian.
“Thông thường, người ta chỉ tìm thấy một phần của những xác ướp động vật lớn ở Bắc Mỹ hay Siberia, bởi chúng đã bị hủy hoại dưới lớp băng hàng nghìn năm. Tuy nhiên, xác ướp của con bò rừng đã được bảo quản rất tốt”, Olga Potapova, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà nghiên cứu nhận định bò rừng Bizon thảo nguyên chết vì đói lúc 4 tuổi, dựa vào việc thiếu chất béo xung quanh vùng bụng của nó.
Theo Zing.vn