Ngay khi nghe câu chuyện 44 năm nuôi xác chết trong nhà mà phóng viên thuật lại thì ông Đặng Văn Dương, Phó chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu bệnh – Đại học Y Hà Nội, Phó giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh - Bệnh viện Bạch Mai đã thốt lên: “Quá kì lạ, tôi chưa nghe câu chuyện như thế bao giờ”.
Theo ông Dương, khi chưa được “mắt thấy tay sờ” và chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu hay đưa ra bất kì thông tin nào về xác chết 44 năm trên thì ông không thể đưa ra phân tích hay nhận định cụ thể nào về trường hợp này.
Tuy nhiên, ông Dương cũng lý giải rằng về mặt sinh học mà nói thì không có một cơ thể sống nào trên trái đất này có thể có một khả năng đặc biệt như vậy.
“Với điều kiện thời tiết, khí hậu ở Việt Nam thì xác chết sau 2 ngày đã có thể bốc mùi rồi chứ đừng nói đến 44 năm”, ông Dương cho hay.
Chiếc quan tài chứa xác người chết 44 năm qua trong ngôi nhà cổ
của ông Đinh Đại Bửu (H.Phú Tân, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang).
Ảnh: Trần Chánh Nghĩa
Vì không có bất cứ một bằng chứng xác thực nào để có thể phân tích một cách khoa học nên ông Dương không bình luận thêm về câu chuyện này.
Trong khi đó, ông Lê Văn Chính, Phó trưởng phòng quản lý môi trường Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế) cũng tỏ ra ngạc nhiên không kém về câu chuyện li kì này.
Ông Chính cho rằng trước đây đã có nhiều trường hợp xác chết mai táng lâu năm mà không phân hủy được mà nguyên nhân hàng đầu là do chất đất. Muốn xác phân hủy được thì phải có vi khuẩn hoạt động nhưng có nhiều nơi chất đất không tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển nên xác không phân hủy được.
Tuy nhiên, đây là những trường hợp xác đã được mai táng sâu dưới lòng đất và không phân hủy được sau một thời gian dài. Còn trường hợp xác không mai táng và cũng không dùng hóa chất gì để ướp (như nhân vật trong bài viết 44 năm nuôi xác chết trong nhà) thì ông chưa thấy bao giờ.
Vì thế, ông Chính cho biết muốn có thông tin chính xác thì có lẽ nên để các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu thì mới đưa ra kết luận chính xác được.
Về khía cạnh pháp luật, ông Chính khẳng định việc người chết nhưng không được chon cất mà lại để trong nhà là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở khía cạnh tâm lý, tâm linh của những người còn sống trong gia đình thì có thể họ coi chuyện để người thân đã mất trong nhà là chuyện không có gì nghiêm trọng.
Vietnamnet