Đó là một câu chuyện xảy ra gần bốn thập kỉ trước, vào ngày 20 tháng 12 năm 1980 tại nước láng giềng của Canada, Minnesota. Jean Hilliard, 19 tuổi, đang trên đường từ nhà bạn trở về thì chiếc xe của cô bị sa xuống hố. Trời thì tối và đường thì trơn. Bất lực, cô gái đành bỏ chiếc xe lại và quyết định đi bộ đến nhà một người bạn cách đó hơn 3 cây số.
Tuy nhiên, quần áo của Jean không đủ để giữ ấm cho cả cơ thể cô. Sáu tiếng đồng hồ sau đó, người ta phát hiện ra cô gái đã bị đóng băng hoàn toàn, ngay trước cửa nhà người bạn chỉ tầm 5 m. Hai mắt cô mở to, đồng tử giãn ra như đang kinh ngạc. Người dân trong vùng khẳng định rằng thời tiết hôm đó không có gì quá bất thường. Có một chút tuyết rơi, nhưng không đủ để đóng băng bất cứ thứ gì cả.
Ngay lập tức, cô gái được đưa đến bệnh viện gần nhất. Theo lời của các bác sĩ, thân thể của Jean lúc đó đã bị đông cứng hoàn toàn, kim tiêm không thể đâm xuyên qua làn da và nhiệt kế cũng không thể đo được nhiệt độ trên cơ thể cô. Khuôn mặt của Jean tái nhợt, và mắt cô không hề có chút phản ứng gì với ánh sáng. Cô gần như đã trở thành một xác chết.
Bác sĩ Ryan Kelly, người trực tiếp kiểm tra Jean cho biết: “Cơ thể của cô ấy bị đông cứng hoàn toàn. Tay chân cô bé không thể cử động được. Mọi thứ gần như đã đi vào tuyệt vọng. Cơ thể một người bị đóng băng chủ yếu là đóng băng tứ chi. Các tinh thể băng hình thành nên các tế bào riêng và phá hủy những tế bào khác trong cơ thể. Sau khi tay chân đã bị đóng băng, nhiệt độ chung của cơ thể nạn nhân sẽ hạ xuống hoàn toàn, và rồi nhiệt độ của tim, gan, phổi, não cũng như các nội tạng khác sẽ hạ xuống theo, hoạt động của chúng sẽ dần bị ngưng trệ cho đến khi ngừng hẳn. Và lúc đó, nạn nhân sẽ ra đi vĩnh viễn."
Các bác sĩ đều cho rằng hi vọng sống của cô rất mong manh. Thậm chí họ còn không thể đo được nhiệt đô của Jean bằng nhiệt kế, nghĩa là nhiệt độ cơ thể cô lúc ấy đã dưới 80 độ F (tương đương với khoảng 26,67 độ C). Tuy nhiên, may mắn thay, trong người Jean có rượu, và nó đã giúp bảo vệ nội tạng của cô khỏi bị đóng băng và tổn thương vĩnh viễn.
Dù vậy, tình hình của Jean lúc đó đã là gần như vô vọng. Ngay cả nếu cô tỉnh lại, gần như chắc chắn cô sẽ bị tổn thương vùng não hoặc buộc phải phẫu thuật cắt bỏ chân tay. Cô gái được quấn trong chăn điện, và các bác sĩ chẳng thể làm gì hơn thế.
Thế nhưng, kì diệu thay, vào khoảng 11h trưa ngày hôm sau, cơ thể Jean bắt đầu co giật, và rồi hồi tỉnh trong sự ngỡ ngàng đến tột độ của cả các bác sĩ, y tá và thậm chí là cả gia đình. 49 ngày sau, Jean ra viện như một phép màu, nguyên vẹn, khỏe mạnh và bình phục hoàn toàn.
Mặc dù Jean không biết mình đã sống sót bằng cách nào, cô vẫn cảm thấy biết ơn những người xung quanh: “Còn rất nhiều người khác trên đất nước này lâm vào cùng thảm cảnh như tôi ngày hôm đó. Và họ đã không qua khỏi. Có lẽ không nhờ có những con người tuyệt vời nơi đây, tôi đã không thể sống sót được,” cô tâm sự.
Trường hợp của Jean là một minh chứng cho sự kì diệu của cơ thể con người mà chúng ta vẫn chưa khám phá hết. Và câu chuyện đóng băng của cô gái trẻ vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử y học mà khoa học đến nay vẫn chưa thể giải thích được.
TiTi (Theo Giadinhvietnam.com)