Bộ tộc Anga ướp xác người chết bằng cách hun khói
Sau khi hun khói, các xác ướp không được chôn cất trong mộ mà sẽ được đặt trên vách đá dựng đứng, để họ có thể trông coi những ngôi làng bên dưới. Hình ảnh các xác ướp màu đỏ treo trên núi có vẻ kỳ lạ nhưng đối với người Anga, đó là hình thức cao nhất để thể hiện sự tôn trọng người quá cố.
Quá trình ướp xác được thực hiện một cách cẩn thận và kỹ lưỡng bởi người có kinh nghiệm trong bộ lạc. Đầu tiên, đầu gối, khuỷu tay và bàn chân của xác chết được rạch ra để hút các chất béo trong cơ thể. Tiếp đó, một ống tre rỗng ruột được đâm vào bụng người chết để lấy mỡ. Mỡ này dùng để bôi vào tóc và da của người thân còn sống. Thông qua nghi lễ này, sức mạnh của người quá cố sẽ chuyển giao cho người sống. Lượng mỡ còn sót lại sau đó được dùng làm dầu ăn.
Trong giai đoạn tiếp theo, mắt, miệng và hậu môn của xác chết được khâu lại để ngăn không khí đi vào, tránh cho xác chết bị thối rữa. Đây là bước quan trọng để đảm bảo xác ướp có thể tồn tại trong nhiều thế kỷ. Sau đó, lưỡi, lòng bàn tay và lòng bàn chân của xác chết được cắt ra để trao lại cho vợ hoặc chồng của người đó. Những phần còn lại của xác chết sẽ được ném vào bếp lửa để hun khói.
Sau khi hun khói kỹ lưỡng, xác ướp được phủ bằng đất sét và đất đỏ để tránh bị động vật ăn xác thối. Cuối cùng, xác ướp sẽ được treo trên vách đá. Nam giới, phụ nữ và cả trẻ sơ sinh ở bộ tộc Anga đều được ướp xác theo phương pháp này. Cho đến nay, các xác ướp có niên đại hơn 200 năm vẫn được tìm thấy tại cao nguyên Morobe. Vào những dịp lễ quan trọng, các xác ướp sẽ được đưa từ vách núi xuống để tham dự với bộ lạc sau đó họ lại được trả về chỗ cũ.
Quá trình ướp xác của bộ tộc Anga có thể khiến những người không hiểu biết cảm thấy sợ hãi. Thực tế, phương pháp này đã bị cấm vào năm 1975 khi Papua New Guinea giành được độc lập. Ngày nay, nhiều bộ tộc đã tiến hành chôn cất người chết theo Kitô giáo, chỉ còn vài bộ tộc trong núi sâu vẫn tiến hành nghi thức ướp xác này.
Theo Trí Thức Trẻ