Một nhóm các nhà khoa học vừa đưa ra tuyên bố: họ đã tìm được những bằng chứng cho thấy người tuyết Yetis không chỉ tồn tại mà còn dựng “nhà” bằng cách xoắn các cành cây lại với nhau.
Nhà sinh vật học John Bindernagel – người chuyên nghiên cứu về Bigfoot (sinh vật khổng lồ có bề ngoài giống như người) phát biểu: “Chúng tôi cảm thấy rằng, những cái cây chúng tôi thấy ở Siberia không phải được dựng lên bởi một người hay một loài động vật có vú nào đó… Chúng đã từng thấy ở Bắc Mỹ và có thể phù hợp với giả thiết cho rằng, đây là tổ của Bigfoot xung quanh những cái cây xoắn lại với nhau thành hình dạng vòm”.
Chân dung loài “quái vật” bí ẩn
Vào tháng 10 vừa qua, Bindernagel và các đồng nghiệp đã đi đến khu vực núi tuyết Siberia (Nga) - nơi được biết tới với tần số xuất hiện thường xuyên của “người rừng” - để kiểm chứng một tuyên bố trước đó khẳng định 95% khả năng người tuyết là có thật.
Ở đây, họ phát hiện ra nhiều cành cây xoắn lại một cách bí ẩn không chỉ có ở gần mặt đất mà còn ở phía trên ngọn cây. Từ đó, nhóm nghiên cứu khẳng định chỉ một loài động vật như Bigfoot với chiều cao khoảng từ 2,4m đến 3,7m và cân nặng khoảng 250kg đến 450kg mới có thể với lên độ cao này.
Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra câu hỏi, làm thế nào một sinh vật khổng lồ với số cân nặng đáng kể lại có thể lên tới được ngọn mà không làm gãy ít nhất một vài cành cây.
Ngoài ra còn có nhiều lý do khác khiến người ta hoài nghi về tuyên bố của Bindernagel.
Tại một hội nghị vào tháng trước, Jeff Meldrum (giáo sư giải phẫu học đồng thời là nhà nhân chủng học tại Đại học bang Idaho) nói rằng, ông nghi ngờ các cành cây xoắn đã bị làm giả. Trông nó giống như cách mà con người tạo ra một đường mòn nhằm để thuận tiện khi đi lại, Meldrum nhận định.
Cho dù vậy, một số nhà khoa học gồm Bindernagel vẫn có niềm tin đối với những bằng chứng mà họ tìm thấy.
Đất Việt