Trong hội nghị tổ chức tại Gainesville, Florida, Mỹ, nhà cổ sinh vật học Jonathan Bloch của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida chỉ ra rằng, hóa thạch các loài động vật dị thường có liên hệ mật thiết tới sự tăng giảm nhiệt độ trái đất. Những mẫu hóa thạch có niên đại 55 triệu năm cho thấy, kích thước các loài động vật, bò sát phụ thuộc nhiều vào sự thay đổi khí hậu.
Rắn khổng lồ. Ảnh: Dailymail.
Ở thời kỳ này, những con rắn "sát thủ" dài tương đương một chiếc xe bus. Cơ thể quá khổ khiến chúng khó lòng chui lọt khoảng trống tương đương một chiếc cửa ra vào. Những con rùa to tương đương một chiếc xe hơi nhỏ. Con mồi ưa thích của chúng là loài cá sấu. Thời điểm này, những con ngựa chỉ nhỏ bằng một chú mèo.
Tiến sĩ Bloch phát hiện, khi xuất hiện các loài bò sát khổng lồ, nhiệt độ trái đất tăng 6 độ C trong khoảng 200.000 năm. Trong năm ngoái, ông tìm thấy hóa thạch một con rùa Carbonemys cofrinii với hộp sọ dài 24 cm cùng phần thân dài 172 cm ở khu vực Nam Mỹ cổ, nay là Colombia. Ngoài kích thước quá khổ, con rùa còn có một bộ hàm khỏe, cho phép nó ăn thịt mọi động vật xung quanh, bao gồm cả những con rùa nhỏ hơn và cá sấu.
Rùa khổng lồ xuất hiện 5 triệu năm sau khi loài khủng long tuyệt chủng. Tại thời điểm này, người ta phát hiện bằng chứng về sự tồn tại của rất nhiều loài bò sát khổng lồ khác, bao gồm Titanoboa cerrejonensis, loài rắn lớn nhất từng sống trên địa cầu. Những con Titanoboa dài hơn một chiếc xe bus, nặng tương đương một chiếc xe ô tô con. Nó có thể nuốt chửng con mồi to như con bò.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, hệ sinh thái thay đổi, số lượng các loài ăn thịt suy giảm, môi trường sống rộng lớn cùng lượng thực phẩm dồi dào khiến cho nhiều loài động vật to lớn dị thường. Khi rùa và rắn đua nhau tăng kích thước, những loài động vật có vú càng ngày càng nhỏ bé. Điều kiện sống bất lợi là nguyên nhân chính.