Ngôi mộ của người phụ nữ đã chết khi mang thai cách đây 7.700 năm đã được phát hiện năm 1997 ở nghĩa trang Stone Age tại Irkutsk, nằm gần phía Nam của hồ nước ngọt lâu đời nhất trên thế giới, hồ Bailkal. Tuy nhiên, đến nay các nhà khảo cổ học mới nghiên cứu và phát hiện ra nhiều điểm thú vị.
Nghĩa trang này được khai quật khi các tuyến đường sắt xuyên Siberia được đi vào xây dựng. Có tổng cộng 101 bộ xương trong nghĩa trang được cho là hài cốt của một cộng đồng săn bắn hái lượm.
Những người phát hiện ra ngôi mộ và nghiên cứu cho rằng, người mẹ chết ở độ tuổi 20-25 và có một đứa con duy nhất.
Tuy nhiên, một nhà khảo cổ học tại Đại học Saskatchewan ở Canada tên là Angela Lieverse đã cùng đồng nghiệp của mình tiếp tục nghiên cứu bộ xương của người mẹ và nhận ra có hai bộ xương của thai nhi. "Trong vòng 5 phút, tôi và đồng nghiệp của tôi kêu lên: 'Ôi chúa ơi, đó là một cặp song sinh'." - Angela Lieverse nói.
Nhà khảo cổ học cho rằng, em bé thứ nhất được sinh ra trong tư thế ngược và khó sinh, còn em bé thứ hai bị mắc kẹt phía sau và không được phát hiện.
Những phát hiện về xương thai nhi chứng minh người mẹ mang thai song sinh
Người mẹ đã chết trong quá trình sinh con. Angela Lieverse cho rằng trường hợp song sinh cực kỳ hiếm trong thời cổ đại. Theo luật của La Mã, em bé phải được bỏ ra khỏi tử cung của mẹ khi chết. Tuy nhiên, họ lại không phát hiện ra người mẹ này mang thai song sinh nên một em bé đã được sinh ra và chôn cất cùng người mẹ còn một em bé khác vẫn nằm trong bụng của người mẹ.
Thu Trang (Theo Giadinhvietnam.com)