Cymothoa Exigua: Rận kí sinh thay lưỡi
Hình ảnh về loài rận kí sinh bên trong miệng của loài cá trên đây chắc hẳn sẽ khiến bạn phải “buồn nôn” hay ít nhất cũng phải “sởn gai ốc”. Con rận khổng lồ mà bạn đang thấy sống kí sinh chặt chẽ với loài cá kia tới mức không chỉ bám chặt lấy lưỡi của con cá mà nó còn ăn luôn và thay thế lưỡi của con cá để hút máu từ từ. Cặp đôi “kinh dị” này sẽ không gây hại với con người trừ khi bị bắt sống, con cá và cả “lưỡi” của nó có thể cắn bạn.
Loa loa: loài sâu kí sinh trong mắt người
Hãy coi chừng đôi mắt của bạn mỗi lẫn đến Châu Phi bởi chúng ta có thể trở thành nạn nhân của “sâu mắt”. Thông qua vết cắn của một con ruồi, bạn sẽ bị nhiễm loại sâu kí sinh này. Chúng bắt đầu sinh sống và bò một cách lặng lẽ dưới làn da của “vật chủ” trước khi làm tổ chính thức bên trong mắt người. Đã từng có trường hợp một người đàn ông đã muốn “khóc mà không được” khi anh ta nhận ra có một con sâu cực nhỏ đang cử động bên trong nhãn cầu của mình khi nhìn vào gương. Loài sâu này thường được tìm thấy ở Châu Phi và Ấn Độ với triệu chứng ngứa và đau nhức mệt mỏi thậm chí tử vong.
Dracunculus Medinensis: loài sâu chuột lang
Được biết tới với tên thường gọi là “sâu chuột lang”, đây là một trong những loài kí sinh lâu đời nhất mà con người được biết đến từ tận thế kỉ thứ 2 trước Công Nguyên trong biên niên sử của Hi Lạp. Chúng tấn công con người, chó, ngựa, mèo, gia súc và các loài động vật khác, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á.
Nguồn nước ô nhiễm là cơ hội lí tưởng để loài sâu này thâm nhập vào cơ thể con người. Khoảng một năm sau đó, nó tạo ra một vùng phù nề trên da, thường là ở chân hoặc bàn chân. Nó khiến cho nạn nhân cảm thấy vô cùng đau đơn trong vòng 72 giờ sau đó khi mà vết phù nề bắt đầu vỡ ra. Và một điều đáng sợ hơn là những người bị nhiễm loại kí sinh này lại tiếp tục để chân mình vào nguồn nước gần đó để giảm cơn đau, điều này lại gián tiếp khiến cho nước tại nơi đó bị nhiễm khuẩn, tạo điều kiện lây lan cho loài kí sinh “đáng sợ” này.
Loài sâu Filarial: Nguyên nhân gây ra phù chân voi và mù lòa
Được lây truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác bằng con đường hút máu, chủ yếu qua ruồi đen và muỗi, sâu Filarial kí sinh trong cơ thể con người và gây ra triệu chứng “phù chân voi” khiến bất kì ai cũng phải khiếp sợ. Những con sâu sẽ dễ dàng bị phát hiện thông qua việc da bị phát ban, nổi sẩn và viêm khớp. Các biểu hiện khác cũng được thể hiện ở mắt gây ra mù lòa.
Loài sâu này không chỉ tấn công con người mà còn cả gia súc, cừu và chó. Chúng xuất hiện lần đầu trong văn học Hi Lạp và thậm chí còn lâu hơn từ 2000 năm trước Công Nguyên thời Ai Cập cổ. Loài người hiện đang thực hiện một chiến dịch để xóa sạch loài sâu này trước năm 2020 đã thành công trong việc ngăn chặn 6,6 triệu trường hợp nhiễm bệnh và dừng lại sự tiến triển bệnh của 9.5 triệu người khác.
Theo Trí Thức Trẻ