Trên thực tế đã có không ít trường hợp được ghi nhận là bệnh nhân đã chết lâm sàng nhưng may mắn hồi tỉnh và kể chi tiết cảm nhận của mình sau khi "hồn lìa khỏi xác".
Hầu hết mọi người đều mô tả những trải nghiệm về cái chết tương tự nhau sau khi thoát khỏi lưỡi hái Tử thần, từ ánh sáng chói lòa tới cảm giác hồn bay lơ lửng trên cao. Tuy nhiên, bạn có bao giờ tự hỏi, cảm giác này có thể được chứng minh theo quy luật tự nhiên hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Trường hợp ghi nhận có thật trong lịch sử...
Vào tháng 3/2012, tiền vệ Fabrice Muamba của đội bóng Bolton Wanderers đã ngã quỵ xuống sân cỏ khi trận đấu với đội Tottenham Hotspur trong khuôn khổ FA Cup đang lên sóng.
Theo chẩn đoán, anh đã bị lên cơn đau tim và rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Các bác sĩ không nhận thấy một dấu hiệu khả quan nào và cho rằng, thời gian còn lại của anh là không đáng kể.
Hình ảnh Fabrice Muamba bên gia đình sau khi thoát khỏi lưỡi hãi Tử thần.
Lạ kì thay, anh đã hồi tỉnh và miêu tả lại những cảm giác trong suốt quá trình ấy. Fabrice Muamba nói rằng lúc đầu anh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt rất khác lạ - như thể là anh đang chạy trong cơ thể của một người khác vậy. Điều cuối cùng anh ấy nhớ là nhìn thấy Scott Parker của đội Tottenham Hotspur. Và điều thú vị nữa là anh ấy chẳng hề cảm thấy đau đớn gì cả.
Theo các tài liệu khoa học, có vô vàn báo cáo ghi lại trường hợp của những người từng có trải nghiệm giống Muamba và nhiều trường hợp trong đó có liên quan tới ánh sáng.
Trường hợp xưa nhất miêu tả trải nghiệm chết lâm sàng có từ thế kỷ XVIII, được thuật lại bởi một dươc sư người Pháp - người đã bất tỉnh trong khi bị chích máu - một phương pháp trị liệu mà các bác sĩ thời đó tin rằng có thể giúp giảm sốt.
Ông hồi tưởng "thứ ánh sáng thật tinh khiết ở phía xa khiến ông tưởng như mình đang ở thiên đàng". Nhiều thu thập gần đây bao gồm những hiện tượng như thấy những ánh sáng chói, cảm giác như bước vào một thế giới siêu nhiên và đôi khi là hồn lìa khỏi thân thể... Những hiện tượng này được biết đến với tên gọi trải nghiệm ngoài cơ thể (out-of-body-experience).
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trải qua chết lâm sàng nhưng không đem lại trải nghiệm như vậy. Vây nên Sam Parnia - một nhà nghiên cứu y học cùng các cộng sự đã quyết định tiếp cận trải nghiệm bí ẩn này một cách khách quan hơn.
... và nghiên cứu của các nhà khoa học...
Khoảng 15 năm trước, nhóm nghiên cứu của Parnita đã gặp gỡ 63 bệnh nhân được cứu sống sau cơn đau tim ở Bệnh viện đa khoa Southampton trong hơn 12 tháng.
Trong 63 người, 7 người có thể nhớ lại những gì xảy ra khi hôn mê. Tất cả đều tả về việc chuẩn bị bước qua một lằn ranh “một đi không trở lại”, tả về cảm giác yên bình và một trường hợp miêu tả giống như “chuẩn bị nhảy xuống vực”. Nhóm đưa ra kết luận rằng dù chỉ thiểu số có thể nhớ lại trải nghiệm cận chết, nhưng kết quả thu được là rất khả quan.
Những bệnh nhân có thể nhớ lại được đều có điểm chung là nồng độ oxy trong máu rất cao. Mức oxy trong não cao sẽ cải thiện khả năng nhận thức trong quá trình phục hồi khi hôn mê và các khoa học gia cho rằng, điều này góp phần giải thích những trải nghiệm sống động họ có được.
Tuy nhiên, trong thí nghiệm nhằm kiểm tra “trải nghiệm bên ngoài cơ thể” của bệnh nhân, các chuyên gia đã đặt một tấm bảng có các hình vẽ, màu sắc khác nhau - treo lên cao sao cho mặt có hình đối diện với trần nhà.
Kết quả là không một ai có được trải nghiệm này. Vậy nên nhóm nghiên cứu quyết định thực hiện một nghiên cứu mới. Lần này, nghiên cứu bao gồm 15 bệnh viện tại Mỹ và châu Âu, lần này ghi nhận 2 trường hợp có trải nghiệm bên ngoài cơ thể một cách rõ ràng và sống động.
Trường hợp đầu tiên, người đàn ông ý thức được có một phụ nữ trong góc phòng vẫy tay với anh ta, và ngay sau đó anh ta… lơ lửng bên trên, nhìn xuống chính cơ thể mình.
Anh có thể nghe được giọng nói của bác sĩ, thậm chí có thể nhìn thấy y tá và chiếc đầu hói của bác sĩ mặc áo xanh. Người còn lại thì nhớ được khoảnh khắc y tá đang thực hiện cấp cứu, bác sĩ đang cố gắng nhét vật gì đó vào cổ họng anh khi anh đang lơ lửng trên trần nhà.
Nhưng thật không may, cả 2 trường hợp đều xảy ra khi chưa đặt tấm bảng. Một lần nữa các khoa học gia bỏ lỡ cơ hội xác nhận trải nghiệm này, dù đã ở rất gần.
Vậy chết có cảm giác như thế nào?
Vậy cảm giác khi chết như thế nào - đó là câu hỏi mà nhiều nhà khoa học đang cố gắng tìm kiếm. Theo nhiều báo cáo nghiên cứu, cái chết với nguyên nhân “tim ngừng đập” không đem lại cảm giác gì, hoặc đem lại những cảm giác có phần “huyền ảo”.
Khoảnh khắc trước khi chết không hề đau đớn. Dù rằng chúng ta không thể biết chắc cái chết do các nguyên nhân khác ra sao, nhưng qua câu chuyện của Fabrice Muamba, lời kể của bệnh nhân tại Bệnh viện Southamton và một số người “cận chết” khác, ta có thể tạm yên tâm rằng chết không phải điều gì quá đáng sợ. Bởi vậy hãy cứ an lòng hưởng thụ niềm hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại.
Trải nghiệm cận chết hay cảm giác khi chết ra sao là một đề tài hấp dẫn và có sức hút lớn với nhiều nhà nghiên cứu. Hiện nay, khoa học mới chỉ tiếp cận và giải thích được phần nổi của những cảm giác ấy. Hy vọng rằng, giới chuyên gia sẽ sớm tìm ra lời giải đáp cho bí ẩn khoa học này.
Theo Ttvn.vn