Người đàn ông 55 tuổi (giấu tên) cho biết anh đã tiêm insulin vào hai điểm trên vùng bụng để kiểm soát lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, bệnh nhân này không nhận ra rằng điều mà anh cần làm là đảo vị trị tiêm quanh những chỗ khác nhau trên cơ thể bởi vì hóc-môn insulin sẽ hình thành các u mỡ mềm bên trong những lớp da.
Vì vậy, anh vô tình khiến hai khối u mỡ trên bụng ngày một to lên, hội chứng có tên khoa học là lipohypertrophy, khi không đổi vị trí tiêm insulin trong suốt ba thập kỷ.
Bác sỹ Landau, tới từ trung tâm Tiểu đường và Nội tiết tại Joannesburg, tỉnh Gauteng, Nam Phi là một trong những người tham gia điều trị cho bệnh nhân đặc biệt này.
"Chúng tôi có một nhóm gồm 5 bác sỹ giàu kinh nghiệm và chưa ai từng gặp trường hợp nào như vậy"-Bác sỹ Landau nói.
Ông cũng cho biết bệnh nhân này đã tiếp tục tiêm insulin vào bụng bởi anh ta nghĩ rằng những khối u đó là bình thường mà những người dùng insulin đều mắc phải.
Bác sỹ Landau đã khuyên bệnh nhân thay đổi vị trí tiêm insulin và sử dụng một cây kim nhỏ hơn cũng như chuyển sang dùng một loại insulin khác.
Viết trên tạp chí y học Anh, nhóm điều trị cho biết trường hợp này là một bài học quý giá cho các bệnh nhân tiểu đường.
"Thật đáng buồn khi những người mắc bệnh đái tháo đường đều không nhận được những tư vấn y tế về cách tiêm insulin đúng cách trước khi sử dụng"-bác sỹ Landau nói.
Bệnh tiểu đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Có hai thể bệnh chính: Bệnh tiểu đường loại 1 (thường gặp ở trẻ em và người dưới 20 tuổi) do tụy tạng không tiết insulin, và loại 2 (thường gặp ở lứa tuổi 40) do tiết giảm insulin và đề kháng insulin.
Vietnamnet