Quá đơn côi giữa đô thị rộng lớn, một anh nhân viên văn phòng ở Trung Quốc quyết định đi mua con chó nhỏ về nuôi cho đỡ buồn. Tuy nhiên, sau khi đem chó về nuôi, anh chàng bắt đầu thấy là lạ nhưng không hiểu vì sao.
Trong bài đăng trên WeChat, anh chàng chia sẻ: Không phải tiệm thú kiểng sang trọng gì, chú cún màu đen được mua với giá cực rẻ từ một anh lái chó. Ban đầu, anh chàng thấy thân hình nần nẫn của nó khá đáng yêu. Tuy nhiên, chú cún lớn rất chậm và bắt đầu lộ ra những đặc điểm chẳng-giống-chó.
Băn khoăn quá chẳng biết làm thế nào, anh chàng bèn đăng hình con thú cưng "không đúng" của mình lên WeChat, nhờ đông đảo người dùng xác minh hộ xem đây là con gì.
Và sự thật, nó không phải chó, mà là chuột tre, một loài gặm nhấm sống ở phía nam Trung Quốc. Cái tên đến từ việc chúng thích ăn tre, ngoài ra chuột tre còn là... đặc sản tại Quảng Đông.
Sau khi biết sự thật, anh nhân viên văn phòng bèn đem nó cho người khác vì không biết chăm sóc như nào cho hợp lý. Rõ ràng, anh trai cô đơn này không phải người đầu tiên mua phải thú cưng bịp.
Điều đáng nói không nằm ở những con yhú cưng "không đúng", mà là hệ thống xác minh thông tin dựa vào chính người dùng của WeChat. Khá đơn giản nhưng có lẽ, Facebook còn phải học hỏi
WeChat có một cách rất hay: Họ đăng tải top 10 tin đồn hot nhất tháng lên một tài khoản chính thức, để người dùng vào xác nhận/vạch trần sự thật - tấm ảnh và thông tin về con cún "bịp" của anh nhân viên văn phòng trở nên "viral" và lọt tóp 10 tin đồn.
Bí quyết chính là tính năng "WeChat rumor debunking assistant" (trợ lý vạch trần tin đồn trên WeChat), mà WeChat tuyên bố được sử dụng bởi 300.000 người mỗi ngày.
Đây là cách chương trình "mini" này hoạt động: Trang đầu tiên hiện thị nguồn cấp dữ liệu các bài viết đã bị vạch trần gần đây, với ô tìm kiếm ở trên cùng, nơi bạn có thể tìm kiếm các cụm từ và bài viết liên quan đến chúng.
Phần tiếp theo (liên quan trực tiếp đến người dùng) biên soạn tất cả các bài viết lan truyền tin giả mà bạn đã đọc hoặc chia sẻ. Phần cuối cho thấy số lượng bài viết đã bị vạch trần và "fact-checker" (người xác minh thông tin) là ai.
Nhìn cách đối phó với tin giả của WeChat mới thấy Facebook còn phải học hỏi nhiều
Ngoài lực lượng người dùng đông đảo, WeChat nói rằng họ có đội ngũ hơn 800 fact-checker từ bên thứ 3, gồm 289 tổ chức trong hệ thống quản lý dược phẩm và thực phẩm Trung Quốc, 5 trung tâm truyền thông cấp tỉnh và 32 văn phòng kiểm soát tại địa phương. Các tổ chức khác cũng có thể đăng ký tham gia chương trình xác minh thông tin, miễn là có đủ điều kiện và tài liệu cũng như tài khoản WeChat công khai đã được kiểm duyệt.
Ngoài ra, WeChat rumor debunking assistant sẽ gửi thông báo đến tài khoản WeChat nếu bài viết bạn đã đọc bị "bóc phốt". Với 19,7 triệu người dùng (tính đến cuối năm 2017), hơn 1 triệu bài viết sai sự thật trên WeChat đã bị vạch trần, hơn 180.000 tài khoản công khai bị trừng trị.
Chương trình vạch trần tin đồn trên WeChat đã được triển khai nửa năm sau khi Facebook bị chỉ trích nặng nề vì để tin giả phát tán vào năm 2016.
Trí Thức Trẻ