Đó chính là loài rắn khổng lồ Titanoboa, thường sống ở các khu rừng mưa nhiệt đới 60 triệu năm trước, đã được Viện nghiên cứu và bảo tàng Smithsonian (Mỹ) tái hiện trong một chương trình truyền hình mới. Chương trình mô tả lại quá trình loài thú khổng lồ này tồn tại nhằm khám phá tại sao chúng lại lớn đến vậy.
Viện Smithsonian cũng dựng tượng theo kích thước thật của rắn Titanoboa trong buổi ra mắt chương trình. David Royale, giám đốc chương trình cho biết: “Đây là một công việc vô cùng tuyệt vời. Một con quái thú có cái tên gợi nhớ đến loài vật huyền bí và to lớn. Nó có tên Titanoboa.”
Tiến sĩ Jonathan Bloch, nhà cổ sinh vật học tại bảo tàng lịch sử tự nhiên Florida và là thành viên của nhóm đã tìm ra hoá thạch loài rắn khổng lồ này. Họ phát hiện xương sống của chúng tại một khu vực được cho là rừng nhiệt đới ở kỷ Cổ cận, còn hộp sọ hầu như không thể tìm thấy do chúng rất dễ vỡ và bị phân huỷ.
Theo ông Jonathan: “Loài rắn này to lớn đến vậy là do thời tiết trong giai đoạn đó tại vùng nhiệt đới ấm hơn nhiều so với các khu vực khác. Đây là loài động vật ăn thịt trên cạn lớn nhất sau khi khủng long tuyệt chủng khoảng 10 triệu năm hoặc lâu hơn.”
Dailymail cho biết, hoá thạch xót lại của Titanoboa được tìm thấy tại hầm mỏ ở Colombia cùng với hoá thạch của rùa và cá sấu. Trước đó, chưa có hoá thạch của loài thú có xương sống nào trong khoảng 55 đến 65 triệu năm trước đây được tìm thấy ở khu vực Nam Mỹ.
Tiến sĩ Jason Head thuộc Viện Smithsonian cho biết: “Giờ chúng ta đã biết loài vật thay thế khủng long thống trị trái đất sau khi loài này tuyệt chủng có kích thước như thế nào. Loài rắn dài hơn chiếc xe buýt và nặng hơn chiếc xe hơi này chính là loài rắn lớn nhất trên thế giới.”
GENK