Mọi người cầu mong nữ thần sẽ đem lại thịnh vượng và may mắn cho mình
Những nhà nghiên cứu văn hóa cũng phải kinh ngạc khi phát hiện một lễ hội tôn giáo ở Nepal. Cuối tháng 6 vừa qua tại đất nước nhỏ bé này, một “nữ thần sống” mới chỉ tròn… 10 tuổi được xưng tụng là Kumari Samita Bajracharya đã có sự xuất hiện rất tôn nghiêm và vô cùng hiếm hoi trước đông đảo dân chúng.
Một nét văn hóa tôn giáo kỳ lạ
Trong tiếng Nepal, Kumari nghĩa là đồng trinh. Trong lễ hội này, một cô gái trẻ chưa đến tuổi dậy thì được những người mộ đạo chọn ra và tôn sùng. Cô được xem như là hiện thân của nữ thần Kali, nữ thần tượng trưng cho sức mạnh của những người theo đạo Hindu. Kumari Samita Bajracharya tham dự những đám rước vào ngày cuối cùng của tuần lễ Rato Machindranath ở Jwalakhe, ngoại ô thủ đô Kathmandu. Đây là lễ hội cầu mong mưa tới mang một mùa màng bội thu, sự thịnh vượng và may mắn cho những người nông dân tham gia lễ hội.
Để mọi thứ được sẵn sàng khi bắt đầu đám rước, nữ thần đã phải trải qua một công đoạn chuẩn bị khá công phu và mất nhiều thời gian. Ngay từ nhà, Purna Shova Bajracharya, mẹ của Kumari, phải vẽ trước lên mặt con gái những hình vẽ màu đỏ và vàng, quanh mắt được vẽ những viền đen đậm. Chân của Kumari cũng sẽ được sơn màu đỏ và cô được mặc trang phục truyền thống và đeo những trang sức lộng lẫy. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, Samita Bajracharya được bố mẹ và một thành viên của nhóm Guthi, một nhóm tôn giáo ở Nepal bế qua đám đông đang háo hức xông vào xin nữ thần hoa, tiền hoặc chỉ cần chạm vào nữ thần để bày tỏ tình yêu của mình với hiện thân của nữ thần.
Những người dân chờ đợi phản ứng của Kumari giống như chờ đợi một món quà hoặc một điềm báo trước. Nếu như cô chấp nhận lời cầu xin của họ trong yên lặng thì những người mộ đạo này tin rằng những lời ước của họ sẽ thành hiện thực. Nếu nữ thần bật khóc hoặc cười to thì họ lo sợ rằng mình sẽ gặp bệnh tật hoặc thậm chí phải đối mặt với cái chết. Còn nếu mắt của Kumari ngấn lệ hoặc cô lau nước mắt thì họ lo sợ rằng cái chết đang cận kề rất gần bên họ. Khi Kumari run rẩy nghĩa là người đó có thể đối mặt với án tù tội còn khi cô đưa thức ăn thì họ có thể sẽ phải chịu một vài thất thoát tài chính. Còn khi nữ thần vỗ tay, người đó lại tin rằng họ có lý do để phải sợ nhà vua…
Nước mắt rơi phía sau một “hủ tục”
Nếu định mệnh đã chọn một cô bé trở thành một Kumari thì cô bé và gia đình nên xác định mình sẽ không còn có được một cuộc sống bình thường nữa. Cô không được phép tới trường, không được ra ngoài chơi hoặc thậm chí không được phép có bạn bè. Tất cả những cấm đoán này nhằm mục đích biến Kumari thành một người hoàn toàn trong sạch.
Khi bước vào tuổi dậy thì, một Kumari sẽ được coi như không còn trong sạch nữa và những người mộ đạo sẽ lại chọn một Kumari mới thay thế. Những Kumari sau khi bị “thất sủng” sẽ được đưa tới một nơi trú ẩn rất bí mật. Dù vẫn được một cuộc sống khá sung túc với nhiều đặc quyền, Một cựu Kumari xinh đẹp thậm chí gặp nhiều khó khăn khi kiếm một tấm chồng. Đàn ông Nepal luôn cảm thấy e sợ khi tiến tới kết hôn với một cựu Kumari bởi các cựu Kumari là những người bị “tước đoạt tuổi thơ”. Hơn thế nữa, theo quan niệm truyền thống ở Nepal, một người đàn ông khi kết hôn với một cựu Kumari sẽ không thể sống thọ. Chính những rào cản này khiến những cựu nữ thần gần như bị tách biệt khỏi cuộc sống thường nhật sau khi “về hưu”. Nhiều người trong số họ đành gạt nước mắt chọn các ngôi đền làm nơi tá túc khi không còn là một Kumari nữa.
Kumari nổi tiếng ở Nepal như là người bảo vệ cho mọi người khỏi quỷ dữ và mang lại sự may mắn và thịnh vượng. Những cô gái được chọn làm Kumari phải đáp ứng được yêu cầu rất cao từ một cộng đồng Phật giáo. Khi đáp ứng được những yêu cầu đầu tiên đó, vẫn sẽ có 32 bài kiểm tra về sự hoàn hảo đang chờ đợi các cô hoàn thành. Người ta chờ đợi sẽ tìm được một nữ thần có cơ thể như một cây bồ đề và vững chãi như vàng cùng làn da mềm mại, không tì vết.
Lễ hội rước Kumari được xem là một sự kiện thu hút khách du lịch bậc nhất ở Nepal. Nó được tôn sùng bởi cả những người theo đạo Hindu và đạo Phật ở đất nước này.
Người Đưa Tin