Hasma (Trung Quốc)
Hasma là một trong những món tráng miệng được ưa thích và phổ biến ở một số tỉnh như Cát Lâm, Liêu Ninh ở Trung Quốc. Với thành phần là các mô mỡ khô xung quanh ống dẫn trứng của ếch, khi được chế biến, hasma có vị ngọt và hơi tanh nhẹ. Hasma thường được nấu thành súp và có tác dụng chữa bệnh như: Bổ sung chất cho phổi, cải thiện làn da, chữa ho ra máu, lao…
Natto (Nhật Bản)
Món ăn thoạt đầu có hình dáng khá kết dính nhầy nhụa này được người dân vùng Kanto và Hokkaido Nhật Bản rất ưa chuộng. Nó được làm từ đậu nành lên men và có hương vị khá mạnh. Đối với du khách nước ngoài ghé thăm “đất nước mặt trời mọc”, natto là món ăn “mới nhìn đã thấy ghê” nhưng đối với người bản xứ, đây không chỉ là thực phẩm quen thuộc trong bữa sáng mà nó còn có tác dụng bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Casu marzu (Ý)
Casu marzu là món ăn cực kì nổi tiếng của đất nước Ý xinh đẹp với tên gọi khác là pho mát giòi. Đây là loại pho mát thối làm từ sữa cừu với những con giòi làm tổ bên trong và cần một quá trình lên men vừa đủ để tạo thành một món ăn có hương vị độc đáo. Đối với người dân Ý, món pho mát này nên được thưởng thức nhất khi những con giòi bên trong còn sống.
Dứa biển (Nhật Bản, Hàn Quốc)
Đây là một loài hải sản có hình thù giống quả dứa và được tiêu thụ rất nhiều ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng thường được ăn sống sau khi cắt bỏ nội tạng, thưởng thức cùng rượu sake. Hương vị của dứa biển được miêu tả như “thứ gì đó giống như i-ốt và cao su nhúng trong dung dịch ammoniac”.
Lutefisk (Scandinavia)
Đây là món cá được chế biến hết sức đặc biệt. Từ thịt cá bình thường, thay vì được nấu ăn ngay lập tức, nó được thấm trong nước lạnh với dung dịch kiềm cho đến khi biến thành một loại “thạch cá”. Lúc này, món ăn có thể được ăn lạnh hoặc nấu chín.
Kiviak (Đan Mạch)
Thực phẩm truyền thống này được thực hiện bằng cách nhồi khoảng 500 con chim biển nhỏ vào trong cơ thể rỗng ruột của một con vật sau đó bọc kín lại, đặt dưới một tảng đá trong vòng 7 tháng. Trong khoảng thời gian này, những con chim sẽ lên men dưới lớp da và khi mùa đông đến, món ăn sẽ được mang ra để mọi người thưởng thức cả lớp da lẫn hỗn hợp bên trong nó.
Trứng vịt lộn (Philippines, Việt Nam, Campuchia)
Trứng vịt lộn hay hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và được coi là món ăn bổ dưỡng. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau một chút. Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo ngôn ngữ địa phương) cũng là món ăn phổ biến, có điều trứng thường chỉ được ấp đến 17 ngày trong khi trứng vịt lộn tại Việt Nam thường già hơn một chút, từ 19 đến 21 ngày tuổi.
Shoiokara (Nhật Bản)
Món ăn này còn có tên gọi là men ruột cá. Nó có màu nâu sền sệt, gồm rất nhiều muối và nội tạng của thực vật biển lên men. Đối với người dân Nhật, đây là món ăn khoái khẩu còn đối với khách du lịch, chỉ cần nghe đến thành phần nguyên liệu thôi họ cũng sẽ phải bịt mũi và thậm chí muốn ói.
Trứng muối (Trung Quốc)
Thoạt nhìn món ăn này giống như là mắt cá nhưng thực chất chúng là những quả trứng bình thường. Trứng gà hoặc trứng vịt được ủ trong một hỗn hợp đất sét, tro, muối, vôi, trấu và giữ trong vài tuần hoặc vài tháng. Sau đó, lòng đỏ trứng sẽ biến thành màu xanh đậm và lòng trắng chuyển thành màu nâu sẫm, đồng thời quả trứng sẽ có mùi vị rất đặc biệt.
Tinh hoàn bò (Tây Ban Nha)
Món ăn này có tên gốc là Criadilla và khá phổ biến ở “xứ xở bò tót” Tây Ban Nha. Criadilla thử thách người thưởng thức với bề ngoài đáng sợ. Và không ít người đã “xách dép chạy” khi nghe đến tên món ăn.
Theo Laodong.com.vn