Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là việc làm xấu nhưng nó trở nên hết sức nguy hiểm nếu như xảy ra bất cứ sơ suất gì trong quá trình phẫu thuật hay sử dụng những chất độc hại mà không được xử lý kịp thời.
Năm 2004 có lẽ là dấu ấn kinh hoàng mà cô Apryl Michelle Brown, 46 tuổi ghi nhớ mãi trong cuộc đời mình. Vì ước muốn có được vòng 3 hoàn hảo, người thợ làm tóc sống tại Los Angeles, Mỹ này đã tìm tới biện pháp bơm mông bằng silicon phổ biến trong ngành công nghiệp thẩm mỹ. Thay vì đến trung tâm thẩm mỹ uy tín, cô đã bị lôi kéo vào dịch vụ bơm mông tại nhà. Được biết, đây là một dịch vụ bất hợp pháp được tiến hành bởi những "bác sỹ" không có bất cứ chứng chỉ, bằng cấp nào, thậm chí cái mà họ gọi là silicon chỉ là loại keo dán gạch dùng trong xây dựng.
Cô Brown mất cả tứ chi sau ca tiêm... keo dán gạch thay vì silicon thẩm mỹ.
Ngay từ khi còn nhỏ, cô Brown đã buồn phát khóc vì cặp mông phẳng lỳ của mình. Với quyết tâm được như thần tượng Janet Jackson hay Jennifer Lopez, cô Brown tự hứa sẽ chi tiền ra làm đẹp khi trở thành người lớn.
Người thợ cắt tóc trước kia, khi chưa tiến hành bơm mông.
Cô Brown nhớ lại, khi đó có hai người phụ nữ vào tiệm của cô để làm đầu, một trong hai người này mở dịch vụ bơm silicon tại nhà. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của người phụ nữ kia, đồng thời bị choáng váng trước vòng 3 ấn tượng của cô bạn đi cùng - người mà họ quảng cáo là đã sử dụng dịch vụ bơm tại nhà, cô Brown quyết định chi 650 bảng Anh (khoảng hơn 20 triệu VNĐ) cho hai túi silicon giả.
Ca phẫu thuật được thực hiện ngay trên giường ngủ của cô con gái người phụ nữ này. Cô ta còn nói chỉ sau 3 đến 4 lần thực hiện, cô Brown sẽ có được cặp mông như ý. Lần bơm đầu tiên mất 1 tiếng đồng hồ, và chỉ vài tuần sau, cô Brown lại tiếp tục thực hiện lần bơm thứ hai.
Chỉ sau ít tháng, cơ thể cô Brown dường như đã bắt đầu có dấu hiệu bất ổn. Phần mông bị tiêm hóa chất bắt đầu cứng lại. Nhưng vì xấu hổ, cô Brown vẫn không chịu đến bác sỹ kiểm tra. Dần dần, chỉ sau 2 năm, vùng da mông của cô Brown đã bị thâm đen lại, nơi bị tiêm hóa chất đã phát triển thành u cứng. Kể từ đó, những cơn đau liên tiếp hành hạ cô Brown trong 2 năm tiếp theo. Nhưng các bác sỹ phẫu thuật cũng cho biết việc tháo bỏ túi silicon ở mông là điều hết sức nguy hiểm.
Sau ca phẫu thuật thất bại vào tháng 2/2011, cô Brown đã bị nhiễm trùng nặng ở mông. Để tiếp tục chiến đấu trong 27 ca phẫu thuật sau đó, cô Brown buộc phải nằm hôn mê trong 2 tháng. Nhưng đôi tay và đôi chân của cô Brown vẫn không thể giữ lại được vì chúng đã bị hoại tử và biện pháp duy nhất để giữ lại mạng sống cho cô đó là cắt bỏ chúng.
Cô Brown đã khóc rất nhiều khi tỉnh dậy sau một loạt những ca phẫu thuật. Cô đã mất đi cả tứ chi, vì vậy cô không thể đi lại hay làm bất cứ việc gì. Cuối cùng, cuối năm 2011, cô Brown cũng bắt đầu lại những bước đi đầu tiên. Với tần suất 6 ngày tập luyện trong tuần, cô đã được học cách đi lại, đạp xe, sau đó là bơi lội nhờ sử dụng tay và chân giả. "Tôi khóc rất nhiều vì đau đớn nhưng tôi đã vượt qua nó. Cách đây 6 tuần, tôi đã hoàn thành 5km đi bộ, 16 km đạp xe và 150m bơi lội.", cô Brown chia sẻ trong niềm vui sướng.
Cô chăm chỉ luyện tập 6 ngày/tuần.
Qua những gì mình đã phải trải qua, cô Brown muốn gửi lời cảnh báo tới những người đã, đang và sẽ có ý định thực hiện những ca phẫu thuật thị trường chợ đen đầy rẫy những nguy hiểm như cô.
Niềm vui bên người thân khi hoàn thành hành trình thể thao của mình.
Theo Trí Thức Trẻ