Các nhà khoa học thuộc trường đại học Đông Anglia, Norwich, Anh đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về thói quen tình dục của loài rùa biển đồi mồi Hawksbill, thường sống dưới nước và cách xa bờ, và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Họ đã rất ngạc nhiên khi biết loài rùa này chủ yếu sống “1 vợ, một chồng” và con cái thường giữ tinh trùng của một con đực và dùng nó để thụ tinh cho số trứng mà mình đẻ ra.
Rùa biển đồi mồi tuy sắp tuyệt chủng nhưng vẫn rất "chung thủy".
Thường rùa cái có thể giữ tinh trùng của nhiều con rùa đực trong một thời gian dài. Điều này đồng nghĩa với việc rùa con trong một đàn có thể có nhiều “ông bố”.
Để đưa ra được kết luận rằng rùa biển đồi mồi rất “chung thủy”, các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra ADN của các chú rùa con tại hòn đảo Cousine, Seychelles để xem có bao nhiêu rùa đực tham gia vào quá trình thụ tinh trứng rùa trong mùa sinh sản.
Kết quả thật bất ngờ: hầu hết số trứng nở ra là do một chú rùa đực thụ tinh và các chú rùa đực chỉ thụ tinh cho một con rùa cái trong kỳ sinh nở 75 ngày. “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng loài rùa này sống theo chế độ 1 vợ-1 chồng. Đây là hiện tượng hiếm ở hầu hết các loài vật”- TIến sỹ David Richarson, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Số lượng rùa biển đồi mồi đực có vai trò quan trong trong việc duy trì loài, bởi nó có thể giúp loài có độ đa dạng sinh học cao. Chính nhờ những đa dạng sinh học này là loài rùa có thể chống chọi được với những mối đe dọa, bệnh tật…
Rùa biển đồi mồi được Hội đồng bảo tồn quốc gia liệt vào danh sách cực kỳ nguy hiểm sau khi loài này bị săn lùng ráo riết để lấy mai.
Loài rùa biển này thường sống ở khu vực nhiệt đới, trong mỗi mùa sinh sản, con cái chỉ đẻ được 5 trứng.
Nghiên cứu này có thể sẽ giúp ích nhiều cho các nhà bảo tồn hiểu được đời sống của loài rùa biển đồi mồi để từ đó có phương án bảo tồn tốt hơn loại cá thể này.
Kiến thức