Hồ Nyos là một hồ tĩnh nằm ở phía Tây Bắc của Cameroon, cách thủ đô Yaounde khoảng 300km. Đây là một hồ có cảnh vật vô cùng đẹp nhưng lại ẩn chứa bên trong khả năng chết chóc đáng sợ…
Bí ẩn thảm họa năm 1986
Trước năm 1986, hồ Nyos là khu vực cư trú của nhiều bộ lạc thiểu số. Họ dùng nguồn nước trong hồ để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, vùng đất phía Nam của hồ rất màu mỡ, thuận tiện cho việc chăn thả gia súc cũng như trồng cây lương thực.
Điều này khiến cho số lượng dân cư ở Nyos tăng cao và ai cũng cho rằng, đây chính là một vùng đất hứa. Thế nhưng đó chỉ là suy nghĩ trước ngày định mệnh 21/8/1986.
Nyos là một hồ đẹp hiếm có nhưng lại mang trong mình hiểm hoạt chết người.
Ngày định mệnh này xảy ra khi cả làng đang rất hạnh phúc vì được mùa ngô. Nhưng trong tối ngày 21/8/1986, họ nghe thấy một tiếng nổ lớn ở gần hồ. Ngay sau đó, những tiếng nổ kéo dài hơn, khoảng vài chục giây, mọi người liền chạy vội ra ngoài và nhìn về phía hồ.
Trước mặt họ là một cột nước khổng lồ được bao bọc bởi đám khói trông tựa như mây trắng đang thoát ra từ lòng hồ. Từ đây, các "đám mây" đã bốc lên đến gần 100m, bao phủ một vùng rộng lớn ở trên cao.
Các "đám mây" nặng nề này dần hạ thấp xuống, tấn công vào các khu định cư. Người dân trong vùng ngay lập tức bị ảnh hưởng một cách khó hiểu, một số người trở nên điên dại, mất ý thức, số khác ho liên tục. Súc vật bỗng nhiên lăn đùng ra chết, trong đó có hàng nghìn con bò, dê.
Đen đủi thay, vào thời khắc đó gió thổi khá mạnh, khiến cho đám mây nguy hiểm đến khó hiểu kia lan tỏa ra nhanh hơn và bao phủ nhiều ngôi làng quanh hồ Nyos. Những người đang khỏe mạnh bỗng nhiên ngã gục xuống, bị tê liệt và co giật, trẻ em ngưng thở ngay tức khắc, nhiều chú chim từ trên trời rơi xuống đất đầy ghê rợn.
Đám mây giết người tiếp tục trải rộng một vùng lên đến 25km quanh hồ. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, con số thương vong đã lên tới 1.700 người. Mười ngày sau, người ta vẫn tìm thấy xác chết trong trong vòng 10km quanh hồ.
Hàng nghìn con gia súc bị chết, một số người bị hôn mê kéo dài, có người mãi 36 tiếng đồng hồ sau
mới hồi tỉnh và bàng hoàng nhận ra nơi yên bình trước đây đã trở thành địa ngục.
Lời giải khoa học cho hiện tượng bí ẩn trên
Sau thảm họa xảy ra ở hồ Nyos, các nhà khoa học tìm thấy trên cơ thể những người sống nhiều vết thương kỳ lạ. Đa phần trên cánh tay họ có vết bỏng, nhưng điều kì lạ là không một ai cảm giác được vết thương. Dường như, hệ thần kinh của họ đã bị đốt cháy, làm cho tê liệt bởi đám mây lạ lùng kia.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng đây chính là kết quả của một vụ phun trào núi lửa. Vì chỉ có một núi lửa mới gây nổ, tạo ra chất khí có thể gây ra những vết bỏng như vậy. Quả thật, hồ Nyos được hình thành trên miệng của một núi lửa và trong chuỗi núi lửa đã tắt ở Cameroon, vẫn còn nhiều ngọn hay hoạt động trở lại bất ngờ.
Tuy nhiên, sau khi đo nhiệt độ nước trong hồ, các nhà khoa học bỗng nhận ra tất cả đều bình thường, không có hiện tượng nước nóng lên do tác động của dung nham núi lửa.
Họ cũng không tìm thấy bất cứ sự không bình thường nào về hàm lượng các hợp chất thường thấy khi núi lửa phun trào trong nước hồ Nyos. Lạ lùng hơn, nhiệt độ của hồ cho thấy chúng thực sự mát lạnh hơn cả bình thường chứ không phải đã được làm nóng sau một vụ phun trào.
Mọi chuyện dần đi vào bế tắc cho đến khi một giả thuyết được đưa ra, đó là khí CO2. Trong lúc phân tích mẫu nước hồ, các nhà khoa học đã phát hiện hàm lượng cao bất thường của CO2 sâu trong lòng đất.
Một nhà địa chất đã đo mực nước trong hồ Nyos và thấy, nó giảm khoảng 1m sau thảm họa. Ông cho rằng, lượng nước giảm sút ở hồ Nyos tương đương trọng lượng của khoảng 1,7 triệu tấn CO2.
Đây chính là lời giải thích cho mọi câu hỏi mà các nhà khoa học đã bận tâm. Các chuyên gia địa chất đã kết luận, hồ Nyos vốn nằm trên miệng núi lửa, được hình thành trong quá trình nguội đi của núi lửa nên đã tích tụ lượng CO2 thoát ra nằm âm ỉ hàng trăm năm trong đáy hồ.
Tuy nhiên, do sự thay đổi địa chất nên lớp nước bề mặt chìm xuống dưới, đồng thời nước từ dưới đáy đẩy lên trên. Khí CO2 từ trạng thái hòa tan sẽ thoát ra ngoài giống như các bọt khí nổi lên từ một chai nước bị mở nắp.
Thí nghiệm chứng minh lại thảm họa là do khí CO2.
Những bong bóng khí đó cuốn nước lên cao, khi lên khỏi mặt nước chúng bùng lên thành một cột nước khổng lồ và nổ tung. Từ đó, CO2 thoát ra tựa như những đám mây.
Vì CO2 nặng hơn không khí nên các đám mây độc đã bao trùm xung quanh, làm giảm hàm lượng Oxy xuống mức đáng báo động dẫn đến ngay lập tức, mọi người ngạt thở. Số người còn lại trở nên mất tự chủ, hệ thần kinh bị tê liệt do ngộ độc CO2.
Những người khỏe mạnh may mắn hơn, cầm cự được 10-15 phút để chạy ra khỏi nơi nguy hiểm. Ngoài ra, trong đáy hồ còn có chứa lưu huỳnh, chất này cuốn theo CO2 gây ra nhiều vết bỏng đáng sợ.
Sau thảm họa năm 1986, hồ Nyos được mệnh danh là hồ giết người, khiến chính phủ buộc người dân trong các làng ở quanh hồ phải di rời đi nơi khác. Tuy nhiên, nhiều vùng đất phía Nam của hồ Nyos màu mỡ vẫn thu hút khá nhiều người dân tới sinh sống, bất chấp thảm họa và sự nghiêm cấm của chính quyền.
Các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo, với tình hình thời tiết diễn ra bất ổn, rất có thể, một thảm họa còn ghê rợn hơn sẽ xảy đến chỉ trong vài năm tới.
phapluatxahoi.vn