Cuộc sống ngày này đang dần trở nên đơn điệu, vì vậy chẳng có gì lạ nếu như nhiều người trong số chúng ta cảm thấy những thành phố bị biến mất là một điều gì đó rất thu hút, bí ẩn và đôi lúc giống như chuyện cổ tích.
Bất chấp việc người ta không thể tiếp cận được với những nơi đó do nguyên nhân thiên tai, bị chiến tranh tàn phá hay đó chỉ là một sự bịa đặt trắng trợn, các thành phố bí ẩn này vẫn thổi bùng lên trí tưởng tượng nhà nhân chủng học hay kẻ săn tìm kho báu.
1. Pompeii - Thành phố bị vùi lấp
Chỉ trong một cái chớp mắt, nền văn minh ở Pompeii, Italy chỉ còn là một đống
đổ nát bị tàn tro bao phủ.
Đó là một ngày bình thường của năm 79 sau Công nguyên đối với những cư dân thành phố Pompeii. Nhưng sau đó, bất chợt núi lửa Vesuvius phun trào, nhấn chìm cả thành phố trong nham thạch, tro bụi và hàng nghìn mảnh vỡ.
Nhiều người dân đã kịp sơ tán trước khi tro bụi núi lửa tràn xuống khắp nơi. Tuy vậy, có hơn 2.000 người đã không thể chạy thoát để rồi bị chôn vùi dưới đống tro tàn.
Các di tích của thành phố đã không bị xáo trộn cho đến năm 1748 được các nhà khảo cổ phát hiện và bắt đầu quá trình khai quật. Họ chưa bao giờ hi vọng có thể tìm thấy những kiến trúc và hiện vật được bảo quản tốt đến như vậy sau hơn 1.500 năm bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Thế nhưng, các nhà khảo cổ thậm chí còn có thể tạo ra khuôn mẫu từ những người bị mắc kẹt tại đây.
Mặc dù cơ thể họ từ rất lâu đã tan thành cát bụi nhưng nơi họ bị kẹt vẫn lưu lại một hình dáng nguyên vẹn, gần như đã tạo thành những khuôn mẫu hoàn hảo ở đủ mọi tư thế.
Các chuyên gia chỉ cần lấp đầy thạch cao vào đó và chờ đợi một khuôn hình toàn vẹn của các nạn nhân bị mắc kẹt ở khắp mọi ngóc ngách trong thành phố.
2. El Dorado - Thành phố tưởng tượng
Chẳng có hình ảnh nào về thành phố tưởng tượng El Dorado, thay vào đó là bức hình chụp Fawcett ngay trước khi tiến vào rừng rậm Amazon
Lòng thèm muốn của cải vẫn luôn là động lực to lớn thôi thúc những kẻ săn tìm kho báu tham gia vào những trò đỏ đen như xổ số, rút thăm trúng thưởng và thậm chí là tìm kiếm những "chậu vàng" ở bên kia cầu vồng.
Tuy nhiên, có một số truyền thuyết đã gợi mở ra những ý niệm về một thành phố nổi tiếng về sự giàu sang, phú quý – El Dorado.
Nguồn gốc của tên gọi El Dorado là một từ trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩ là “sự giàu có”. Nó xuất phát từ khoảng thế kỉ 16 – 17, khi những nhà thám hiểm châu Âu ở Nam Mỹ lần đầu tiên nghe được câu chuyện hoang đường kể về một tù trưởng da đỏ trên mình phủ đầy bụi vàng.
Thành phố này được cho là nằm ở đâu đó trong khu vực phía bắc của Nam Mỹ. Người ta đồn đại rằng ở đó có hàng đống vàng và đá quý các loại.
Hàng nghìn nhà thám hiểm đã cố gắng một cách vô vọng để tìm ra El Dorado nhưng kết quả là rất nhiều người trong số họ đã phải chết vì đói và bệnh tật trên đường đi.
Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là Percy Harrison Fawcett, một nhà thám hiểm người Anh đã lên đường tìm kiếm El Dorado vào năm 1925, nơi ông ta đặt tên là “The city of Z”.
Fawcett và những chuyên gia của mình đã tiến vào rừng rậm Amazon và sau đó không bao giờ trở ra nữa. Tuy vậy vẫn tiếp tục có nhiều nhà thám hiểm cố gắng tìm kiếm đoàn người của Fawcett nhưng kết cục của họ một là chết, hai là trắng tay ra về.
Trong trường hợp này thì ngay cả Indiana Jones chắc chắn cũng chỉ khuyên những kẻ cố gắng tìm kiếm El Dorado đi tìm mua những cái vé số thay vì mạo hiểm cuộc sống của họ như vậy.
3. Troy - thành phố huyền thoại
Những vết tích còn sót lại của tòa thành cổ trong truyền thuyết
Có rất ít những câu chuyện thần thoại được nghiên cứu một cách tỉ mỉ như là những tác phẩm “The Odyssey” hay “The Iliad” của Homer viết vào khoảng năm 800 trước Công nguyên. Đây là những bài thơ miêu tả cuộc chiến thành Troy.
Thành cổ Troy tọa lạc ở nơi mà ngày nay là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, kẹp giữa châu Á và châu Âu. Do vị trí đắc địa mà Troy trở thành một địa điểm lý tưởng cho những hoạt động giao lưu văn hóa và thương mại thời bấy giờ.
Những tác phẩm sử thi của Homer có miêu tả cái cách mà Helen, người vợ tuyệt vời của vua Menelaus, được cho là đã bỏ trốn cùng hoàng tử thành Troy – Paris. Mối quan hệ này chính là nguyên nhân gây ra cuộc chiến thành Troy.
Menelaus đã phát động một cuộc tấn công lớn ở Troy, mở màn cho trận chiến khốc liệt, nguồn cơn của những câu truyện truyền kì về chú ngựa gỗ thành Troy, Achilles cùng hàng tá những truyền thuyết nổi tiếng khác.
Thành Troy huyền bí trong đêm
Chính bởi Troy ẩn chứa gốc rễ của những câu truyện thần thoại nên sẽ chẳng có gì lạ khi không một nhà sử học nào dám khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của tòa thành này.
Chỉ có một điều hiển nhiên rằng, sau chiến tranh nó đã bị bỏ hoang trong những năm từ 1100 đến 700 trước Công nguyên.
Và sau đó, tòa thành này được hồi sinh cùng với những người dân định cư mới cho đến khi người La Mã tới nắm quyền kiểm soát ở đây vào năm 85 trước Công nguyên.
Không lâu sau, một nền văn minh đã từng rất phát triển ở đây trở nên lụi tàn, nơi này lại một lần nữa trở thành một di tích hoang phế cho đến khi được tìm ra vào năm 1822.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rất nhiều lớp kiến trúc được xây dựng chồng chéo lên nhau. Những bức tường đá và những pháo đài có niên đại sớm nhất mà người ta tìm thấy ở tận cùng phía dưới đống đổ nát được cho là dấu tích của thành cổ Troy đã được miêu tả trong sử thi của Homer.
Cho đến ngày nay, bất chấp những điểm mù mờ, không chắc chắn về nguyên nhân gây ra cuộc chiến thành Troy thì truyền thuyết về nó vẫn đang được lưu truyền rộng rãi.
Chú ngựa gỗ huyền thoại xuất hiện trong cuộc chiến thành Troy là một phát minh
tuyệt vời hay đơn giản chỉ là một trò lừa bịp của người cổ đại?
4. Carthage - thành phố bị chiến tranh tàn phá
Cũng giống như Troy, thành cổ Carthage tọa lạc ở một nơi được cho là cực kì đắc địa trong vùng Địa Trung Hải, giáp ranh với đất nước Tunisia ngày nay.
Carthage được xây dựng vào khoảng năm 800 trước công nguyên bởi người Phoenicia (là một nền văn minh cổ đại nằm ở miền bắc khu vực Canaan cổ đại, với trung tâm nằm dọc vùng eo biển Libian, Syria và bắc Israel ngày nay).
Người cổ đại xây dựng tòa thành này nhằm mục đích biến nó thành một nút giao thương của vùng bắc Phi, trực tiếp nối liền với “ngón chân cái” trên đất nước hình chiếc ủng Italy.
Mặc dù vị trí đắc địa đã đem lại sự thịnh vượng cho thành phố này nhưng nó cũng đồng thời gây ra cuộc chiến tranh kéo dài đến 150 năm, dẫn đến sự sụp đổ của Carthage.
Cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất (260-241 trước CN) cho thấy chiến thuật hải dương
cao cấp của người La Mã, dẫn tới thất bại ê chề của Carthage.
Trong cuộc chiến Punic lần thứ hai (218-201 trước CN), Carthage đấu tranh chống lại Rome giành quyền lợi cho người Tây Ban Nha và một lần nữa lại gánh chịu một thất bại thảm hại. Rome thậm chí còn có ý định thâu tóm cả kĩ thuật quân sự huyền thoại của Carthage – Hannibal.
Sau sự mất mát khủng khiếp này, Carthage chỉ còn tồn tại như cái vỏ của sự vinh quang ngày trước. Mãi đến năm 151 trước Công nguyên, người La Mã mới nhận thấy sự phục hồi hưng thịnh của thành phố này.
Ý nghĩ về một Carthage thịnh vượng đã làm người La Mã lo lắng, và vì thế, khi Carthage vi phạm một điều kiện của hiệp ước hòa bình, người La Mã đã không bỏ lỡ cơ hội nhảy vào tuyên bố chiến tranh ở đây.
Cuộc chiến này chỉ kéo dài một vài năm và nó dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của đế chế Carthage, sự đổ nát của toàn bộ công trình kiến trúc và cái chết của hàng nghìn người dân ở đây.
Mặc dù sau này Carthage cũng đã được phục hồi nhưng không bao giờ có thể trở về được nguyên trạng khi xưa. Ngày nay, Carthage là một vùng ngoại ô giàu có của Tunisia.
5. Atlantis - thành phố không tưởng
Theo triết gia Hy Lạp Plato, Atlantis là một xã hội nhộn nhịp, giàu có và là một tuyệt tác kiến trúc, một nền văn minh rực rỡ.
Trong khi những miêu tả đầy màu sắc của Plato về Atlantis được cho là hư cấu thì một số nhà sử học vẫn tin rằng thành phố này thực sự tồn tại.
Plato có ghi lại rằng hòn đảo Atlantis đã biến mất 9000 năm trước khi ông viết về nó. Nhưng một số học giả lại cho rằng con số này bị sao chép và dịch nghĩa sai bởi 900 mới có vẻ như là con số chính xác.
Một số nhà khảo cổ học đã đưa ra giả thuyết rằng Atlantis nằm trong quần đảo Hy Lạp và nó đã bị chìm bởi một vụ phun trào núi lữa. Bên cạnh đó, vẫn có những giả thuyết khác cho rằng thành phố này nằm xâu dưới lòng đại dương gần vùng biển Caribbean, Ireland, Nam Mỹ và thậm chí là Nam Cực.
Dù Atlantis có thực sự tồn tại hay không thì sự không tưởng của nó đã mê hoặc rất nhiều người. Có đến hàng tá những cuốn sách, những bộ phim và các tài liệu khác cùng mô tả theo hướng lý tưởng hóa thành phố này, đồng thời đưa ra những phương pháp nhằm làm sáng tỏ sự biến mất bí ẩn của nó.
Gần đây nhất là vào tháng 2/2009, một kỹ sư hàng không đã thông báo trên toàn thế giới rằng ông đã tìm thấy Atlantis bằng Google Ocean – một công cụ cho phép người dùng trải nghiệm hàng nghìn bức ảnh về cảnh quan đại dương.
Cho đến nay, các học giả vẫn còn đang băn khoăn về việc liệu rằng có tồn tại một thành phố nằm dưới đáy đại dương ở bờ biển phía tây bắc Châu Phi có tên là Atlantis hay không?
Theo Khampha.vn