Bé Hạo đang tập viết chữ.
Lần theo con lộ đất tôi đến nhà cháu Hạo. Đó là một căn nhà đơn sơ nằm heo hút trong một con kênh, khuất sau những tán cây lớn. Lộ xi măng chưa thể đến đây vì cách sông, cách đò, cho thấy hoàn cảnh sống của người dân ở đây còn rất khó khăn. Đến nơi, cháu Hạo đang chơi cùng ba mẹ ngoài vườn.
Mặc dù còn ngọng nghịu nhưng khi chỉ vào chữ nào, con số nào là Hạo đều đọc được. Bé hay lặp đi lặp lại dòng chữ to tướng mà mẹ viết cho, chỉ từng chữ đọc: Bé “bập bô” (tập tô). Có khi chỉ cả đoạn văn dài hơn trăm chữ, Hạo vẫn đọc được tuy vẫn còn chậm nhưng rất đúng.
Rồi Hạo bẻ chân nhang xếp thành những chữ cái in hoa thành tên ba, tên mẹ hoặc tên chị Hai, hay người hàng xóm quen thuộc. Để thử thách, tôi viết một cái tên do mình nghĩ ra và nhờ cháu đọc, quả nhiên Hạo đọc được. Gặp chữ khó, Hạo phải dừng lại suy nghĩ, lẩm nhẩm rồi cũng đọc được. Tuy có khả năng đặc biệt, nhưng Hạo vẫn không đánh mất tính thơ ngây, sự nghịch ngợm của một đứa trẻ.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Xíu, mẹ của Hạo: Một lần cả nhà cùng xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên truyền hình, đến phần thi trả lời câu hỏi của thí sinh có những số đếm ngược hiện trên màn hình, Hạo nhìn theo từng con số đó và đếm 3… 2… 1. Rồi đọc những chữ như vượt chướng ngại vật, tăng tốc… Chị Xíu cứ ngỡ cháu thuộc lòng theo MC trên truyền hình nên không để ý.
Sau đó, mẹ nhấn tìm danh bạ điện thoại người thân, Hạo đọc rõ tên từng người một. Từ đó, chị mới phát hiện khả năng của cháu. Chỉ thêm cho cháu đếm từ 1 đến 10. Dần dần, ở nhà một mình, Hạo nghịch thước dây may đồ của mẹ và đọc được tất cả các số trên đó. Hạo có thể làm phép toán cộng đơn giản.
Cha mẹ Hạo đều làm nông, chưa ai được học qua cấp 2. Hạo được sinh ra và lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Cuộc sống gia đình em luôn gắn bó với mảnh ruộng, miếng vườn nên ba mẹ cả ngày tối mặt, tối mũi với công việc đồng áng, chỉ để em ở nhà chơi với chị. Khi chị Hai đi học, Hạo ở nhà chơi 1 mình và làm bạn với chiếc tivi.
Anh Nguyễn Văn Thơi, ba của bé Hạo cho biết: “Vì hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, eo hẹp nên dù đã đến tuổi vào lớp mầm nhưng không có tiền gửi cháu đi học, đành cho cháu chơi ở nhà một mình”. Nhưng cả nhà đều không ngờ, việc cho em làm bạn với chiếc tivi lại là điều kiện để Hạo bộc lộ tài năng đặc biệt.
Hàng ngày, thức dậy là Hạo có thói quen kẹp 2 quyển sách đạo đức và khoa học lớp 4 của chị Hai ra bàn ngồi đọc đọc, viết viết như một đứa trẻ đã vào lớp 1. Nhờ thế, sau nhiều lần “tự nghiên cứu”, Hạo đã có thể đọc được bất kỳ một đoạn văn nào trong những quyển sách này. “Khi đến nhà tôi chơi, Hạo thấy quyển sách tập đọc của con tôi học xong, có nhiều hình ảnh, chữ viết hoa là đòi xin về nhà cho kỳ được” - chị Nguyễn Thị Tư, một người hàng xóm cho biết.
Khi biết được khả năng đặc biệt của Hạo, ba mẹ em vẫn không dám cho nhiều người biết, chỉ trừ những bà con trong xóm hay tiếp xúc với cháu. Anh Thơi, cha của cháu bộc bạch: “Tôi không muốn nhiều người biết cháu như thế rồi khen ngợi, thổi phồng thái quá làm cho cháu phát triển lệch lạc, thậm chí bỏ bê việc học hành, đến khi lớn lên lại không theo kịp bạn bè thì rất tiếc”.
Có được một tố chất đặc biệt như Hạo là điều đáng mừng. Nếu được sự quan tâm, bồi dưỡng của gia đình và ngành chức năng, hứa hẹn nhiều điều kỳ diệu trong tương lai.
Người lao động