Sông Hằng luôn được xem là dòng sông mẹ yêu thương trong tâm thức của người dân Ấn Độ. Ngoài phong tục tắm táp và cầu nguyện bên dòng sông, người dân Ấn Độ còn quan niệm, sông Hằng là cõi thiên đàng của người chết. Sau khi qua đời, nếu được hỏa táng hoặc thả trôi bồng bềnh giữa dòng nước thần thánh, linh hồn đó sẽ mát mẻ và sớm được siêu thoát.
Tử thi nổi bồng bềnh và dạt vào bờ là hình ảnh quen thuộc bấy lâu tại
sông Hằng linh thiêng.
Chính bởi quan niệm đó, vào mỗi dịp hành hương, các tín đồ đạo Hindulại đổ về thành phố Balanai, mảnh đất linh thiêng bên sông Hằng để thực hiện nghi lễ hỏa táng cho người chết. Xác chết sẽ được bọc quấn cẩn thận trong những lớp vải đỏ hoặc trắng, đưa lên giàn hỏa táng bằng củi. Người thân vây quanh cất vang lời cầu nguyện cho linh hồn sớm siêu thoát. Họ không khóc lóc, đau xót, vật vã bởi theo quan niệm của người Ấn Độ, thi thể sau khi thiêu thành tro cốt được rải khắp mặt sông sẽ khiến linh hồn được thanh lọc, được rũ bỏ những tội lỗi xưa, thoát khỏi bể khổ tái sinh luân hồi và sớm siêu thoát tới cõi vĩnh hằng.
Nhưng những năm gần đây, do nhu cầu hỏa táng ngày càng gia tăng, giá củi được “đôn” lên với mức đắt đỏ lạ thường. Nhiều gia đình nghèo khó bèn nghĩ ra cách thức hỏa thiêu một phần thi thể rồi đem thả trôi sông. Thậm chí, không ít tử thi được giữ nguyên vẹn, gói ghém trong tấm vải liệm và thả trôi sông. Theo một tài liệu hướng dẫn du lịch địa phương, những người được giữ nguyên thân thể và bồng bềnh giữa dòng nước sông Hằng thường là trẻ em, các bậc hiền triết hoặc bệnh nhân chết do trúng độc.
Tục lệ này đã khiến dòng sông Hằng ngày càng trở nên ô nhiễm. Mùi tử thi bốc lên giữa những ngày oi bức của mùa hè khiến khách du lịch “lạnh người” mỗi khi đi thuyền dạo chơi trên con sông thần thánh.
Con sông mẹ của người dân Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm
môi trường trầm trọng.
Tuy nhiên, người dân Ấn Độ vẫn không coi đó là vấn nạn mà họ phải đối mặt. Nhiều người tin rằng, sông Hằng có khả năng tự thanh lọc mình. Nhưng họ đâu biết rằng, chính thói quen xả nước thải sinh hoạt xuống dòng sông và tục lệ hỏa táng, thả xác chết trôi sông đã khiến họ mắc phải hàng loạt căn bệnh nguy hiểm. Theo thống kê của Bộ y tế nước này, có tới 40% – 50% số người thường xuyên tắm rửa tại sông Hằng mắc phải các căn bệnh về da, đường tiêu hóa.
Trước vấn nạn này, Chính phủ Ấn Độ đã ra sức hành động để bảo vệ sự trong sạch cho dòng sông linh thiêng. Năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã duyệt chi một tỷ USD cho dự án ngăn chặn ô nhiễm môi trường sông Hằng bằng các hạng mục có tính khả thi cao như xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới, thay hệ thống cống, đường ống dẫn nước… Những biện pháp này lần lượt được thực thi rộng khắp tại Ấn Độ. Chính phủ nước này hy vọng, trong tương lai không xa, dòng sông mẹ yêu thương sẽ lấy lại nguồn nước trong sạch, tinh khiết vốn có tự bao đời.
Đất Việt