Ying-chi - Quân kỹ
Ảnh: Listverse
Mặc cho nhiều tranh cãi, những cô gái hành nghề ying-chi vẫn được xem là gái bán hoa chính thức đầu tiên, độc lập trong lịch sử Trung Hoa. Theo những tài liệu lịch sử, khi hành quân, Vũ Đế mang theo phụ nữ với mục đích duy nhất là mua vui cho quân lính. Ying-chi có nghĩa là “quân kỹ”, một danh hiệu mỹ miều trước công nguyên.
Tuy nhiên, một số học giả vẫn hoài nghi giả thiết này. Họ cho rằng vua nước Việt đã thành lập đội quân kỹ đầu tiên, bao gồm các góa phụ của lính chết trận. Họ được xem là phụ nữ mua vui hạng sang. Ying-chi cũng là một khái niệm khác hẳn so với những phụ nữ làm việc trong nhà thổ do chính quyền quản lý. Nhà thổ là hình thức mại dâm lâu đời hơn, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên.
Mại dâm tôn giáo
Ảnh: Listverse
Vai trò của mại dâm tôn giáo trong xã hội Hy Lạp – La Mã cổ đại vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Người ta không tranh luận về tính phổ biến của hiện tượng này, mà chỉ thảo luận về cách hiểu khác nhau đối với chi tiết cụ thể trong đó. Mại dâm tôn giáo là những người bán dâm ngay trong các ngôi đền, miếu linh thiêng với sự cho phép của thầy tu. Thậm chí họ còn “làm việc” để thờ phụng thần linh, mặc dù ngày nay không ai chắc chắn về mức độ phục vụ vì tôn giáo của những cô gái này. Một số học giả cho rằng họ chỉ là nô lệ bán thân, một nguồn thu của đền điện. Một số khác nghĩ vai trò của họ cao hơn trong đền cũng như trong thờ phụng thần linh. Gặp và mua dâm những cô gái ấy (hay thậm chí nam kỹ) có thể được xem là một hình thức thờ cúng, tôn sùng. Giả thuyết này đặc biệt phổ biến nếu ta kết nối với tín ngưỡng phồn thực và nữ thần như Aphrodite.
Mại dâm tôn giáo còn phân chia thứ bậc. Nhiều người vào đền miếu khi còn trinh để dâng hiến tính mạng và cơ thể cho nhiệm vụ phụng sự thần linh. Nhiều quan điểm nhận định các cô bé dưới 14 tuổi đã hành nghề trong xã hội Hy Lạp cổ đại. Giới chuyên môn vãn còn tranh cãi về vai trò của các cô gái bán dâm, nhưng rõ ràng họ đóng vai trò quan trọng trong đời sống đền miếu ở thời đại đó.
Devadasi – Thánh nữ
Ảnh: Listverse
Trong tiếng Hindi, "devadasi" có nghĩa là “thánh nữ”. Một devadasi là người phụ nữ bị ép buộc bán dâm để phụng sự cho nữ thần sinh sản của đạo Hindu Yellamma. Khi các cô bé đến tuổi dậy thì, cha mẹ các bé sẽ bán đấu giá trinh tiết của họ. Sau đêm đầu tiên, các cô bé thuộc về nữ thần và sống phần đời còn lại trong vai trò gái mại dâm nhân danh Yellamma. Hàng đêm, họ sẽ phục vụ nhu cầu xác thịt của người trả giá cao nhất. Với bậc cha mẹ, đây là chuyện “nhất cử lưỡng tiện”, khi họ không phải trao của hồi môn cho người đàn ông cưới con gái, mà còn giữ lại số tiền cô gái kiếm được.
Hoạt động mua bán dâm này đã và đang là một phần phổ biến của tín ngưỡng Yellamma trong nhiều thế kỷ. Mặc dù pháp luật Ấn Độ đã không công nhận hoạt động này vào năm 1988, nhưng nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Vết nhơ mà một devadasi phải mang theo rất nặng nề. Mặc dù devadasi quyết định ngừng bán dâm, họ cũng sẽ chẳng bao giờ cưới được chồng. Khi họ đã hiến dâng cho nữ thần, đường rút lui cũng khép lại. Phần lớn các devadasi bước qua tuổi 40 sẽ phải ra khỏi đền, khi họ không trẻ và quyến rũ để mang lại niềm tự hào cho nữ thần. Hầu hết trong số họ phải ăn xin để kiếm sống trong phần đời còn lại.
Phụ nữ an ủi hay nô lệ tình dục
Ảnh: Listverse
Cụm từ “comfort women” trong Thế chiến II là một dấu ấn đen tối trong lịch sử. Từ năm 1932, quân đội Nhật bắt đầu tuyển dụng phụ nữ (phần lớn là người Triều Tiên) vào các “trạm công tác an ủi”. Quân Nhật hứa hẹn công việc, nhưng thực chất các "trạm công tác" là nhà chứa, điểm dừng chân của quân lính Nhật. Khoảng 200,000 phụ nữ đã trở thành nô lệ tình dục. Khoảng 25% đến 30% trong số đó sống sót khỏi địa ngục trần gian. Nhiều cô bé chỉ 11 tuổi phải “phục vụ” nhu cầu tình dục cho 50-100 đàn ông mỗi ngày và bị đánh đập nếu từ chối. Chính phủ Nhật Bản từng xin lỗi, nhưng không tiền đền bù cho những nô lệ tình dục còn sống sót cũng như gia đình họ. Đến nay, chỉ 55 nạn nhân còn sống.
Auletrides
Ảnh: Listverse
Auletrides là từ dành cho một tầng lớp gái bán dâm của Hy Lạp, có địa vị đặc biệt trong xã hội. Họ không hề bị xa lánh, khinh rẻ, mà còn sở hữu nhiều kỹ năng khác ngoài lĩnh vực tình dục. Họ là nhạc công chơi sáo và vũ công chuyên nghiệp. Một vài người còn đủ tài năng để biểu diễn các trò tiêu khiển trước công chúng, như tung hứng, đấu kiếm và nhào lộn. Họ có thể biểu diễn trên đường phố, thậm chí trong các lễ hội và nghi lễ tôn giáo hoặc mua vui cho các cô bé, cậu bé.
Trong các buổi tiệc riêng tư, người ta cũng thường thuê các cô gái auletrides để tận dụng “tài năng” trong chuyện giường chiếu của họ. Ngoài ra họ còn thuê psaltriai, người đánh đàn hạc, và kitharistriai, người chơi đàn lia. Những người này, bao gồm cả nam lẫn nữ, thường đăng ký với một “mama chủ quản” để phục vụ các bữa tiệc riêng.
Ganika - Kỹ nữ
Ảnh: Listverse
Ganika là phiên bản Ấn Độ của geisha Nhật Bản. Kỹ nữ Ấn Độ có địa vị cao trong xã hội. Nếu một người có một kỹ nữ ở bên, đó là dấu hiệu của may mắn và thịnh vượng. Do một ganika không bao giờ lập gia đình, chẳng bao giờ góa bụa, nên họ thoát khỏi vết nhơ mà xã hội đóng lên góa phụ. Người Ấn coi góa phụ là điềm xấu và cấm họ xuất hiện công khai. Xã hội Ấn Độ phân chia nghề bán dâm thành chín loại, và ganika là tầng lớp tinh hoa cao cấp trong bậc thang này. Bên cạnh khả năng phòng the, những cô kỹ nữ còn phải biết hàng loạt các kỹ năng biểu diễn nghệ thuật. Người nhuần nhuyễn 64 loại kỹ năng sẽ trở thành ganika.
Các kiểu mại dâm điển hình khác là những người vợ kiếm thêm tiền dưới sự kiểm soát của người chồng, hoặc người hầu vừa làm việc nhà vừa đáp ứng nhu cầu tình dục của chủ. Một ganika có thể nhận vị trí danh dự trong buổi chầu của hoàng gia. Thơ ca cũng ra đời để ca ngợi vẻ đẹp và kỹ năng của ganika. Vì họ thường chỉ phục vụ giới quý tộc, nên luật pháp bảo vệ họ. Đồng thời, ganika cũng sẽ bị đánh đập hoặc phạt tiền nếu từ chối tiếp khách quý tộc.
Zonah
Ảnh: Listverse
Zonah là từ để chỉ gái điếm trong Kinh Do Thái. Một zonah không bị đàn ông sở hữu, không có nghĩa vụ sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường. Zonah tồn tại ngoài pháp luật của Kinh Thánh. Chỉ vài nguyên tắc trong cuốn kinh xác định thái độ đối xử và hành vi của những gái điếm này. Một nguyên tắc cụ thể là cha không được phép bán dâm con gái, và nếu con gái của thầy tu trở thành zonah, cô ta sẽ lĩnh án tử hình bằng cách thiêu sống. Thầy tu không được phép cưới zonah như những đối tượng đàn ông khác.
Hetaira – Gái điếm hạng sang
Ảnh: Listverse
Hetaira là từ dành cho giới gái điếm hạng sang ở Athens, Hy Lạp, nơi nghề mại dâm là hợp pháp nhưng gái điếm không phải là người Athens. Do đó, một hetaira thường là nô lệ, hoặc sinh sống ở Athens nhưng cha mẹ không phải dân cư của Athens. Không giống kiểu gái bán dâm bình thường hành nghề trong những căn nhà đóng kín cửa, hetaira thường “làm việc” ở tiệc rượu đêm đông người.
Họ không được phép lấy người Athens. Nhưng người Athens có quyền mua và thả tự do cho hetaira. Cái danh gái điếm hạng sang sẽ chẳng bao giờ biến mất. Nếu hetaira đã tự do giả vờ là người dân Athens, họ sẽ phải ra tòa. Nếu tòa kết tội, người này sẽ phải quay trở lại đời nô lệ. Hetaira thường là nhân tình của những người có quyền lực cao. Nhờ vào sự duyên dáng và vẻ đẹp lộng lẫy, hetaira luôn làm mẫu cho tượng nữ thần Aphrodite.
Tawaif
Ảnh: Listverse
Tawaif là các nghệ sĩ biểu diễn ở Bắc Ấn từ thế kỷ 18 tới đầu thế kỷ 20. Giống như geisha, họ là nhạc sĩ và vũ nữ. Xã hội không coi tawaif như gái lầu xanh theo nghĩa bình thường, mà như kiểu nghệ sĩ với các nhà bảo trợ hơn là khách hàng. Nhiều tawaif rất giàu, đặc biệt là những ai khôn khéo khi chọn nhà bảo trợ. Con gái của tawaif được kế thừa tài sản và cả nghề nghiệp của mẹ. Thậm chí việc xuất thân từ gia đình mà nhiều thế hệ làm tawaif còn giúp một người nâng cao địa vị xã hội.
Luật thời đó cấm Tawaif kết hôn, nhưng mối quan hệ đa dạng với người bảo trợ có thể giúp họ có địa vị tương tự như người vợ, trừ tên gọi. Thú vị hơn nữa, tawaif có thể chung sống với người vợ truyền thống chính thức, giống như hai mặt của đồng xu. Trong khi người vợ danh chính ngôn thuận là cách kéo dài gia phả trong danh dự, một tawaif đại diện cho vẻ đẹp, sự hấp dẫn mà chỉ một người đàn ông quyền lực mới thu hút nổi.
Mut’ah – Hôn nhân tạm thời
Ảnh: Listverse
Mut’ah (hoặc mut’ a) là từ mà người xưa dùng để chỉ cuộc hôn nhân Hồi giáo tạm thời, trong đó hai bên thỏa thuận cưới nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Hợp đồng hôn nhân có thể bằng văn bản hoặc thỏa thuận miệng. Tất cả các khía cạnh của cuộc hôn nhân được thống nhất trước khi cưới, bao gồm số “hồi môn” mà cô dâu sẽ nhận, mức độ đụng chạm cơ thể, thời gian của cuộc hôn nhân. Lý lẽ phổ biến dành cho hiện tượng này là: Nó giúp hai người tìm hiểu nhau trước khi cưới thực sự, để xem họ hợp nhau không mà không phạm luật của đạo Hồi.
Một số hợp đồng có thể ghi rõ hai ban không đụng chạm cơ thể, và cha mẹ hai bên có thể kiểm soát quá trình thảo hợp đồng. Một số quy định cuộc hôn nhân sẽ kết thúc sau vài giờ, và cô gái sẽ nhận tiền công. Như vậy, rõ ràng hôn nhân tạm thời là kiểu “đi đường vòng” vì nhiều người theo đạo Hồi, như tín đồ dòng Sunni, đặc biệt phản đối hành động mua bán dâm. Với điều khoản thời gian và cách thức trả công, đây có thể coi là kiểu tránh né để các đôi nam nữ có đủ thời gian với bạn tình mà không cảm thấy tội lỗi.
Theo Zing.vn