Thông tin về đĩa bay từ bức ảnh anh Lê Khắc Đạt (19 tuổi, xã Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chụp bằng điện thoại di động lúc 17h ngày 9/12 đã thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.
Chỉ có trong tưởng tượng
Ngày 14/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Phường cho biết, giữa năm 2011, một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một đốm sáng dài di chuyển chậm rãi rồi bất chợt vụt mất ở TP.HCM đăng trên một trang mạng khiến nhiều người cho rằng đó là đĩa bay.
Ở Hà Nội, một người dân đã quay cảnh một vệt sáng trên bầu trời lúc hoàng hôn và cho rằng nó đến từ ngoài không gian. Đoạn phim nhanh chóng được nhiều người quả quyết đây là đĩa bay phát sáng trên trời Hà Nội. Đến lượt bức ảnh này, một lần nữa lại khiến dư luận hoang mang. Có thể khẳng định ngay, đây chỉ là trò bịp bợm. Vì đĩa bay hay các vật thể không xác định (UFO) không tồn tại trên thực tế.
Bức ảnh được cho là có vật thể lạ khiến dư luận bàn tán xôn xao.
Chiếc điện thoại anh Đạt sử dụng để chụp đĩa bay.
Theo ông Nguyễn Đức Phường, từ trước đến nay, khi nói đến đĩa bay là người ta nghĩ rằng nó là phương tiện di chuyển của người ngoài hành tinh. Chúng có hình dẹt như chiếc đĩa nên được gọi là đĩa bay. Người ngoài hành tinh sử dụng đĩa bay, giống như chúng ta sử dụng tàu vũ trụ để di chuyển từ hành tinh này sang hành tinh khác, thậm chí từ ngôi sao này đến ngôi sao khác trong dải ngân hà.
Người ta thường đưa ra những câu chuyện ly kỳ về sự viếng thăm của người ngoài hành tinh đến Trái Đất và minh chứng cho câu chuyện của mình bằng những bức ảnh, đoạn phim về đĩa bay. Còn các nhà khoa học thường gọi những vật bay chưa được xác thực là những vật thể bay không xác định (UFO).
Không có cuộc viếng thăm của người ngoài hành tinh
Xung quanh câu chuyện có hay không người ngoài hành tinh và quá trình “viếng thăm” của họ đến Trái đất, ông Nguyễn Đức Phường chia sẻ: "Câu chuyện về những nền văn minh xâm chiếm địa cầu mãi chỉ tồn tại trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng".
Nhiều nhà khoa học đều tin rằng, sự tồn tại nền văn minh ngoài địa cầu là hoàn toàn có thể, thậm chí phổ biến, trong đó rất có thể tồn tại một nền văn minh nào đó phát triển cao hơn loài người. Trong vũ trụ của chúng ta ước tính có khoảng hơn 100 tỉ thiên hà. Mỗi thiên hà chứa khoảng hơn 100 tỉ ngôi sao và mặt trời chỉ là một ngôi sao bình thường trong vô vàn những vì sao đó. Trong số đó, có rất nhiều ngôi sao có hệ hành tinh như Hệ Mặt Trời. Bằng một phép ngoại suy có thể nhận thấy việc tồn tại những nền văn minh trong vũ trụ là hoàn toàn có thể.
Vậy, một câu hỏi đặt ra là những nền văn minh này có thể nhận biết được sự tồn tại của loài người? Ông Nguyễn Đức Phường khẳng định: không hề có chuyện những nền văn minh như vậy có thể đến được Trái đất. Dù Dải ngân hà chứa vô vàn những vì sao nhưng khoảng cách giữa những ngôi sao là cực kỳ lớn. Ngôi sao gần Trái đất nhất cũng cách Trái đất khoảng 4,22 năm ánh sáng. Với khoảng cách như vậy, những giới hạn về thời gian tiến hóa, khả năng phát triển vượt bậc của một nền văn minh khó có thể vượt qua để đến Trái đất. Vì thế, có thể khẳng định, chuyện người ngoài hành tinh “ghé thăm” Trái đất qua những chiếc đĩa bay hay UFO là câu chuyện hoang đường.
Chỉ là sao băng, phản xạ ánh sáng từ vệ tinh...
Ông Nguyễn Đức Phường phân tích thêm: "Đĩa bay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những người cuồng tín về sự tồn tại của những nền văn minh ngoài địa cầu, hoặc nó cũng có thể là ý đồ của những người muốn gây sự chú ý, gây hoang mang hoặc tò mò từ dư luận".
Đĩa bay hay các vật thể bay không xác định (UFO) không tồn tại trong thực tế. Nó có thể chỉ là ảo giác, tâm lý muốn gây sự chú ý. Những vật thể như vậy có thể là sự nhầm lẫn với một hiện tượng thiên nhiên nào đó như sao băng, bóng thám không dự báo thời tiết, sự phản xạ ánh sáng từ những vệ tinh nhân tạo... Hoặc trong một số trường hợp có thể là một thiết bị khoa học, quân sự được thử nghiệm, những thiết bị bay không người lái hay những màn trình diễn laser. Những thiết bị bay tối tân của quân đội Mỹ nếu nhìn ở một góc thích hợp cũng có hình dáng không khác gì đĩa bay.
Hay mới đây nhất, gần biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, quân đội Ấn Độ đã phát hiện ra nhiều vật thể bay lạ không người lái. Cuối cùng mới biết đó là cuộc thử nghiệm thiết bị do thám của Trung Quốc.
Đĩa bay hay các vật thể bay không xác định (UFO) không tồn tại trong thực tế.
Với sự phát triển các chương trình đồ họa, một ai đó chỉ cần sử dụng thông thạo những kỹ thuật đồ họa như Photoshop, Adobe Premiere… là hoàn toàn có thể dựng lên cảnh một đĩa bay với độ tin cậy cao mà bình thường không thể “bới lông tìm vết được”.
Những bức ảnh và clip được tung ra khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên và tò mò. Cùng với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thông tin truyền thông, trong một thế giới phẳng thì một tin đồn có thể đến được mọi ngóc ngách của thế giới chỉ bằng cú nhấp chuột. Vì vậy, khi đón nhận một bức ảnh, một mẩu tin, chúng ta phải hoàn toàn tỉnh táo để không bị lừa một cách ngọt ngào.
Kiến thức