Một gia đình khốn khổ
Trước mặt chúng tôi là một gian nhà cấp 4 lụp xụp, xiêu vẹo không có đồ đạc gì gọi là đáng giá đứng nép mình bên cạnh ngôi nhà 3 tầng mới mẻ và khang trang. Trong ngôi nhà lụp xụp đó là bà Nguyễn Thị Hải ở khu 8, Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ. Người dân nơi đây thường gọi bà với biệt danh là “con quỷ”, không phải để chê bai, dè bỉu mà để ám chỉ những u thịt quái ác bà Hải phải gánh chịu trên thân thể.
Sinh ra trong gia đình thuần nông có 7 anh chị em (3 trai và 4 gái), bà Hải là con gái út. Các anh, chị của bà đều hy sinh trong thời kỳ chiến tranh khi còn rất trẻ, hiện gia đình bà chỉ còn người chị gái thứ tư và người anh thứ 6.
Bà Hải tâm sự với chúng tôi rằng, bà bị căn bệnh này từ khi mới chào đời, lúc còn nhỏ thì các nốt, khối u trên cơ thể bà nhỏ và không to như bây giờ. Dù đã đi nhiều nơi chữa trị nhưng kết quả bác sĩ đều cho biết đây là căn bệnh lạ, hiếm gặp, chưa có thuốc điều trị trong khi các nốt, khối u trên người bà cứ mỗi ngày một lớn và trở nên quái dị hơn và khi đã ý thức được về vẻ đẹp của người con gái thì cũng chính là lúc bà cảm thấy tủi phận khi ngắm mình qua chiếc gương.
Bà Hải và căn bệnh quái ác khiến cả thân mình toàn những khối u sần quái ác
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng bà Hải vẫn được đi học hết cấp II và sinh hoạt như những người bình thường, chỉ từ 6 đến 7 năm nay thì bà không làm được gì kể cả những công việc đơn giản như cắm cơm hay vặt rau, quét nhà… và sau một lần bị ngã bà không còn khả năng để đi lại mà cần đến sự giúp đỡ của các cháu, khi không có các cháu bà phải lê từng bước trong gian nhà chưa đầy 20m2 của mình.
Hiện tại, bà Hải chỉ dùng thuốc nam và một số loại thuốc dùng để xoa bóp ngoài da. Bà chỉ cho chúng tôi xem một lọ thuốc mà bà đang dùng, còn những loại thuốc khác bà nói: “Uống những loại thuốc này chỉ để tăng cường thêm sức khỏe chứ không trị khỏi được bệnh”.
Ông Nguyễn Quang Vũ – anh trai bà Hải cho hay: “Hiện Bà Hải đang sống trong một căn nhà trên mảnh đất của 1 người cháu, bị bệnh từ nhỏ cũng không làm ăn được gì chỉ suốt ngày lê la ở nhà”.
Đã trải qua hơn nửa đời người, bất hạnh, khổ đau bà đã từng nếm trải. Nhưng khi đã ở độ tuổi gần đất xa trời bà vẫn cô đơn ngay khi có rất nhiều cháu ruột. Nhỏ những giọt nước mắt trên khuôn mặt sần sùi, với giọng thều thào bà nói: “Đã lâu rồi, chúng nó cũng không đến thăm tôi, với lại nhà mấy đứa cháu còn có người già và con nhỏ nên tôi mang bệnh tật thế này, cũng chẳng dám đến”.
Đã từ rất lâu bà Hải trở nên ít nói, sống khép mình chỉ quanh quẩn với 4 bức tường. Những khi mùa đông căn bệnh này lại càng đày đọa bà hơn, nhiều khi bà không ngủ được
Niềm vui nho nhỏ lúc cô đơn
Không chồng, không con nên bà Hải chỉ có mấy đứa trẻ hàng xóm hay sang chơi và bầu bạn. Hàng ngày ngoài nằm ở giường và lê ra ngoài hè bà Hải thường trò chuyện với chúng làm niềm vui.
Hàng ngày ở trong căn phòng một mình, buồn bã bà Hải thấy thèm được như bà con hàng xóm khi thấy họ đi làm đồng, đi chợ. Thức ăn bà dùng hàng ngày chỉ có trứng và đậu ngoài ra không còn thứ gì khác bởi uống thuốc nam phải kiêng hết. Biết bà Hải bị bệnh, bà con hàng xóm cùng anh em họ hàng cũng có sự “quan tâm” nhưng nhiều lúc bà vẫn thấy chán nản và không muốn con cháu của mình nhìn thấy mình với căn bệnh tật quái ác đang hành hạ, có nhiều lúc bà đã nghĩ đến cái chết.
Bà Hải cô đơn sống trong căn nhà xiêu vẹo
Được liệt vào hoàn cảnh đặc biệt, bà Hải được hưởng trợ cấp xã hội với số tiền 180.000đ/tháng nhưng số tiền đó không thấm vào đâu so với căn bệnh mà bà đang mang. Ông Đỗ Tiến Dự - trưởng thôn khu 8, Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ cho hay: “Bà Hải thuộc diện đặc biệt trong xóm, nhà có 7 anh chị em thì có 4 người đã chết, hoàn cảnh bà vô cùng khó khăn, bệnh tật triền miên và không làm ăn được gì rất cần được sự hỗ trợ của xã hội”.
Khi ra về, chúng tôi vẫn vang vọng những câu nói của bà Hải trong lúc nói chuyện “Ước mình khỏi bệnh và sống vui vẻ với con cháu và bà con trong làng” - một ước mơ nhỏ bé nhưng có lẽ nó quá xa vời với bà Hải trong lúc này.
Mọi sự giúp đỡ của độc giả xin gửi về: bà Nguyễn Thị Hải ở khu 8, Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ.
Infonet