Chuyện đời của người nữ quân nhân
Họ tên đầy đủ của chị là Trần Thị Thanh Hương, 16 tuổi chị làm đơn tình nguyện xin ra chiến trường và trở thành một nữ quân nhân của đơn vị trinh sát. Năm 1972, chị bị thương phải ở lại tuyến sau điều trị và đồng thời được giao thêm nhiệm vụ đưa con của những đồng đội về quê, để họ yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Những đứa trẻ bắt đầu gọi mẹ Hương từ lúc ấy.
Thời kỳ chiến tranh khó khăn chồng chất, đường về quê hương của những đứa trẻ bị ngăn lại giữa vòng bom đạn, loạn lạc…Trong hoàn cảnh ấy, tình cảm giữa chị Hương và những đứa trẻ ngày càng thân thiết gắn bó, không thể rời xa được. Nhìn "đàn con nhỏ" bơ vơ không cha mẹ, không người thân họ hàng, lạc lõng giữa đời, trái tim chị Hương nghẹn lại.
Nhiều đồng đội của chị, người đã hy sinh ngoài chiến trường, người tàn phế phải vào các trại thương binh, họ đã mất cả tuổi thanh xuân vì đất nước. Chị Hương tự thấy việc chị đón nhận và nuôi dưỡng 164 đứa trẻ… chính là sự sẻ chia một phần gánh nặng đối với đồng đội của mình.
Mẹ Hương và các con trước ngôi nhà chung.
Mang theo ý nghĩ ấy, mẹ Hương cứ cùng đàn con nhỏ (phần lớn chúng đều là những đứa trẻ tật nguyền) lang thang hết nơi này đến nơi khác, giống như những kẻ du mục. Không một tấc đất cắm dùi, mẹ Hương đã đưa “đàn con dại” đi qua nhiều vùng đất, Nam Đinh, Bắc Giang, có khi còn lên vả vùng cao dựng lán, làm lều, bươn chải mọi cách để nuôi cho được các con. Chị bảo: “Không nhà, không tiền bạc…nhưng vì các con mình chẳng nề hà bất cứ việc gì. Từ đan len, thêu, móc, làm bánh, trồng rau…kiếm tiền, nuôi, dạy, chữa bệnh cho các con, đều một tay mình”.
Cách đây 12 năm, mẹ Hương dắt díu đàn con về Hải Phòng. Chị được một người nông dân ở Ngọc Xuyên, Đồng Sơn cho thuê mảnh đất rộng 5.000 mét vuông với giá rẻ. Chị nung nấu ý định “an cư” để mẹ con lập nghiệp.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Trên mảnh đất rộng bỏ hoang, mẹ Hương đã cùng đàn con của mình dựng mấy túp lều để ở và bắt đầu vét ao thả cá, trồng rau, làm chuồng nuôi lợn… Những việc làm của chị Hương đã khiến nhiều người đồng cảm, suy nghĩ và họ chung tay vào giúp đỡ chị và bọn trẻ. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lòng hảo tâm của nhiều người, mảnh đất thuê ấy đã trở thành nơi ở hợp pháp của chị Hương và các con.
Niềm hạnh phúc bình dị của Hạnh Thêm.
Ngôi nhà lá, vườn cây, ao cá...đã thành một khu sinh thái. Trong số những con của mẹ Hương, nhiều người đã trưởng thành, có việc làm ổn định tự nuôi sống bản thân và ngay cả những em bị nhiễm chất độc da cam, thiểu năng trí tuệ, cũng được mẹ dạy bảo từng li từng tí. “Chỉ việc nhặt lá cây trong sân, quét nhà hay tự tắm gội, phải mất 3 đến 5 năm mới biết làm và khi biết rồi thì các con làm rất tốt. Mưa to, nắng lớn, vẫn cầm chổi quét sân và đi nhặt lá…Mình phải gọi các con lại bảo hết mưa, nắng mới quét… và mỗi ngày phải nhắc các con mới biết làm”.
Giờ ngoài nhà tre vách đất, mái lá, mẹ Hương đã dựng cho các con một ngôi nhà sinh hoạt chung. Đa phần đồ ăn, thức uống trong nhà đều do mẹ Hương và đàn con của mình tự cung, tự cấp. Hai tuần cả nhà ăn hết một con lợn, thức ăn được dự trữ trong một cái tủ đá to. Đàn lợn nái một năm đẻ được trên 200 con, mẹ sẽ bán lợn giống và dành nuôi một phần để làm thực phẩm cho đàn con của mình.
Cá sẵn dưới ao, rau sẵn trong vườn, bọn trẻ còn biết cả việc cắt cỏ thả xuống ao để nuôi cá… Chưa dừng lại ở đó, mẹ Hương còn mày mò học trồng nấm linh chi và dạy các các con trồng nấm linh chi bán với giá 1,5 triệu đồng/kg, một số trẻ khác thì được mẹ dạy cho làm đồ mỹ nghệ. Mọi khoản tiền đều được mẹ Hương quản lý, mẹ bảo “phải dành dụm tiết kiệm, để còn lo cho tương lai của các con…”.
Tình yêu là điều kỳ diệu
Chuyện lạ nhất là tại mái ấm tình thương của mẹ Hương đã kết trái tình yêu của một đôi trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Hạnh và Thêm, đều là những đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam vì cha mẹ đều là những quân nhân từng chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Hai đã lớn lên trong vòng tay mẹ Hương và đến tuổi trưởng thành “chúng yêu nhau từ lúc nào không ai biết”. Ẩn trong thân mình người lớn, là trí tuệ của hai đứa “con nít”, thậm chí cả việc ăn, ngủ, đi vệ sinh…cũng phải có người kèm cặp, chỉ bảo. Vậy mà khi “biết yêu”, Hạnh nghe lời Thêm, nghe lời mẹ Hương sống ngăn nắp hơn.
“Tình yêu kỳ diệu lắm và mình biết chia tách tình cảm của hai đứa con dại thì tội cho chúng lắm, chẳng lẽ ngay cả bản năng tự nhiên của con người mà mình lại tước đoạt? Nhưng để quyết định tạo lập hạnh phúc cho chúng là việc rất khó khăn…”. Chị Hương đã trao đổi với hai bên gia đình của Thêm - Hạnh, nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, thực hiện triệt sản cho cả hai con để tránh những nguy cơ cho tương lai. Đám cưới của đôi trẻ này được mẹ Hương tổ chức tại trung tâm Thiện Giao (tên gọi trong tâm của chị Hương) cách đây đúng một năm.
Bằng trái tim bao dung của người mẹ suốt hành trình gần 40 năm, mẹ Hương từng bước tạo dựng cuộc sống cho “đàn con dở” của mình. Khác với cuộc sống du mục trước kia, giờ mẹ con chị Hương đã có nơi ăn chốn ở yên ấm, vì thế việc chăm lo cho các con cũng tốt hơn rất nhiều. Càng ngày, chị Hương càng thấu hiểu và yêu thương các con của mình hơn.
“Các con nhạy cảm lắm, chỉ hơi nặng lời hoặc một câu nói chạnh lòng là chúng bỏ nhà đi ngay. Mới đầu chưa hiểu nên mình cũng bức xúc, nhưng giờ thì hiểu tính khí từng đứa và biết lựa để nơi đây trở thành căn nhà bình yên vui vẻ của các con. Mình tin tình yêu thương sẽ là sức mạnh để những đứa con của mình trưởng thành và có một tương lai tốt đẹp hơn” chị Hương chia sẻ.
Xzone