Giữa trưa nắng như thiêu như đốt của bầu trời Nam bộ, chúng tôi tìm đến khu vực cổng bệnh viện Nhiệt Đới (đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) để tìm gặp người đàn ông mang khối u lớn trên khuôn mặt mà mọi người vẫn thường gọi bằng cái tên “ông
Dường như cái nắng nóng khiến ai cũng cố gắng tìm cho mình một chỗ mát để nghỉ ngơi thế nhưng còn đó một người đàn ông với khối u lớn kéo xệch cả một phần của trán, bên má, che lấp cả một bên mắt vẫn lặng lẽ lết từng bước chân tập tễnh cầm tập vé số chào khách. Nhìn cảnh tượng đó, nhiều người thương hại cũng đã mua giúp ông một vài tờ vé số nhưng cũng không ít người giật mình kinh hãi với vẻ bề ngoài của ông.
Sau một hồi lân la trò chuyện, dường như người đàn ông này dần cởi mở hơn và tâm sự về cuộc đời mình. Thế nhưng cái khối u quái ác kia đã kéo xệch nửa mặt của anh khiến một bên tai không nghe thấy, một con mắt cũng bị phủ lấp và miệng bị méo xệch sang một bên nên việc giao tiếp cũng khó khăn.
Anh Tùng với khuôn mặt "quỷ" của mình.
Qua lời anh kể thì anh tên Nguyễn Thanh Tùng (42 tuổi), anh sinh ra ở miền Trung nhưng không còn nhớ quê mình ở tỉnh nào nữa. Ngay từ khi lọt lòng mẹ người đàn ông đáng thương này đã mang khối u trên khuôn mặt. Lúc đầu khối u này còn nhỏ thì chỉ nổi lên như cục thịt thừa nhưng bây giờ cái khối u này chắc nặng hơn 2kg.
Không những bị bệnh tật hành hạ mà cuộc đời anh Tùng còn thiếu thốn tình thương yêu của cha. Khi lên 2 tuổi cũng là lúc ba anh mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Nhà đã nghèo lại mất trụ cột nên cuộc sống của gia đình anh ngày càng lâm vào cảnh bi đát, khó khăn hơn bao giờ hết. Hai mẹ con phải đùm bọc lấy nhau sống qua ngày đoạn tháng ở vùng quê nghèo đầy nắng và gió.
Cuộc sống quá đói khổ đến cơm còn chẳng đủ ăn thì việc được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng chang lứa với anh Tùng cũng chỉ trong giấc mơ. Hàng ngày cậu bé phải đi nhặt củi bán lấy tiền đưa mẹ đong gạo. Mặc dù hai mẹ con Tùng đã phải bươn chải đủ mọi nghề cũng chẳng có đủ miếng cơm manh áo. Vì vậy, năm Tùng 12 tuổi thì hai mẹ con quyết định bỏ xứ dìu đắt nhau vào Sài Gòn mưu sinh mong thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Thế nhưng khi đến nơi phồn hoa đô thị, với khối thịt thừa cứ ngày một to hơn và lủng lẳng kéo xệ cổ và nửa mặt của Tùng khiến chẳng ai dám nhận anh vào làm việc. Và lúc này cuộc sống của hai mẹ con chỉ trông chờ vào đồng lương rửa chén đĩa trong quán ăn ít ỏi của mẹ anh. Một thời gian dài sau đó, khó khăn lắm anh Tùng mới xin làm ở những khu chợ đầu mối quận 8 vận chuyển rau củ quả.
Tiền công làm thuê chẳng được bao nhiêu nên hai mẹ con đành vạ vật ở hành lang vỉa hè hoặc những ngôi nhà bỏ hoang tá túc qua đêm. Nhiều đêm mưa giông gió giật, hai con người tội nghiệp chỉ có chiếc áo mưa rách khiến toàn thân ướt sũng, lạnh cóng ngồi run rẩy cả đêm chờ trời sáng. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng hai mẹ con anh Tùng luôn yêu thương đùm bọc nhau sống trong đói khổ hết năm này qua năm khác.
Thế rồi, cách đây khoảng gần 5 năm, mẹ anh qua đời, đó là cú sốc lớn nhất đối với cuộc đời anh chàng mặt quỷ này. Nhớ đến mẹ, bao nhiêu ký ức lại ùa về với anh Tùng khiến anh bật khóc như một đứa trẻ. Thời gian đã qua khá lâu nhưng với anh, nỗi đau mất mẹ chẳng thể nguôi ngoai.
Cuộc sống của anh giờ chẳng biết đi về đâu.
Sau một hồi xúc động vì nghĩ đến người mẹ quá cố, người đàn ông này mới dần lấy lại sự bình tĩnh để tâm sự tiếp cuộc đời mình: Bây giờ anh không người thân, cũng chẳng biết quê hương nơi nào. Cuộc sống mưu sinh bằng công việc bán vé số dạo thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Để có cái ăn hàng ngày anh Tùng vẫn phải đi bộ hàng chục km để bán vé số.
Ngày nào cũng vậy, lúc đi thì mặt trời chưa kịp mọc rồi trở về nhà trọ khi đường phố đã lên đèn. Hai năm trở lại đây, đầu gối và đôi bàn chân anh Tùng thường xuyên bị đau nhức, chẳng thể đi lại nhiều được nữa nhưng vì miếng cơm manh áo, anh vẫn cố gắng cắn răng chịu đau lết đi bán vé số kiếm tiền nuôi thân.
Bao nhiêu năm vật vã, sức cùng lực kiệt để rồi giờ đây anh không thể đi được nữa. Thế là anh Tùng xin ngồi ở gần cổng bệnh viện Nhiệt Đới (quận 5) để bán. Vì không đi được nên lượng vé bán ra cũng giảm đi rất nhiều. Nét khắc khổ lo lắng cái ăn, cái mặc hàng ngày hiện rõ trên khuôn mặt “quỷ” của anh Tùng. Nhìn anh chẳng ai nghĩ anh mới có bốn mươi tuổi, vì anh già hơn rất nhiều so với cái tuổi của mình.
“Nhiều đêm chân và mặt cùng sưng húp lên đau nhức tôi chỉ biết ôm chân khóc như đứa trẻ lên ba. Nhưng điều đó không làm cho tôi buồn, mà điều tôi thấy đau khổ nhất là sự cô đơn, lạc lõng từng ngày mà tôi phải gánh chịu. Tôi không biết mình sẽ ra sao, sẽ đi đâu khi chân yếu, mắt mờ không thể đi bán vé số được…”. Người đàn ông mang khuôn mặt “quỷ” tâm sự.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, anh Tùng cười gượng tay lên xoa cái khối u đang sưng húp thòng lòng trên mặt rồi suy tư:“Cuộc đời tôi thế này còn ao ước gì chứ. Mong ông trời thương tình cho kẻ đơn côi này có sức khỏe để còn bán vé số kiếm tiền sống qua ngày. Nếu thêm được một mong ước nữa thì tôi mong có được một chiếc xe đạp cũ để đi lại chứ đôi chân giờ đi lại đau lắm. Mơ một cái xe như thế không biết có thành hiện thực được không nữa…?”
Infonet