Nghệ thuật giúp ông vơi đi nỗi buồn đau một phần và phần nhiều còn lại, ông lấy nghệ thuật làm công việc mưu sinh nuôi sống cả gia đình.
Tuổi thơ nghiệt ngã của "kỳ nhân"
Không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, nghệ sĩ Đoàn Dự có một tuổi thơ bất hạnh với đôi chân bị bại liệt hoàn toàn. Năm 6 tuổi, trong một cơn sốt dữ dội, Đoàn Dự vĩnh viễn mất đi khả năng bình thường của một đôi chân. Không thể đứng dậy, đi lại được, cậu bé Dự ngồi bất thần trong nhà nhìn chúng bạn chạy nhảy, nô đùa ở ngoài đường.
Ông tâm sự, đời mình cái vui lớn nhất là được ôm đàn đi hát
Ở cái tuổi măng non ấy, trong đầu Đoàn Dự vẫn chưa thể hình dung ra được viễn cảnh một tương lai phía trước cho mình và cậu cũng chưa thể cảm nhận trọn vẹn nỗi bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu từ đây cho đến hết cuộc đời. Khoảng trời trước mắt cậu là bốn bức tường màu sơn đã hoen ố, hằng ngày, cậu được nghe tiếng đàn từ người anh trai (sau này là nghệ sĩ - PV), tấu lên những bản nhạc du dương như xoa dịu nỗi buồn, cô đơn cho đứa em bé bỏng tội nghiệp. Từ đó, hình thành trong đầu cậu bé một ý thích với âm nhạc. Cậu xin anh cho theo học và tập tành đành đàn.
Năm 14 tuổi, Đoàn Dự bắt đầu dấn thân vào con đường âm nhạc. Ông còn nhớ như in cái lần đầu tiên chống nạng lên sân khấu biểu diễn kiếm được những đồng tiền từ chính sức lao động của mình, ông xúc động kể: "Mình đã rơi nước mắt khi nhận được những tràng pháo tay của khán giả dành cho mình. Họ yêu quý, khâm phục mình có lẽ không phải vì tài năng mà vì ý chí vực dậy bản thân trước nghịch cảnh".
Trong thời gian đi biểu diễn, ông được nhiều bạn bè trong giới nhiệt tình giúp đỡ. Họ bảo Đoàn Dự là hãy tập một cái gì lạ nhất mà người khác chưa bao giờ thể hiện mới mong giữ được nghề còn không thì sẽ bị mai một theo thời gian thôi. Cái tài lẻ như ông trên đời này không thiếu người làm được, đàn, hát trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, trên sân khấu hay ở những phòng trà không thể giữ chân khán giả được. Ngẫm nghĩ cũng thấy đúng, nhưng với cơ thể tật nguyền này thì làm sao có tài nào khác hơi đánh đàn và ca hát.
Trong một lần xem chương trình ca nhạc quốc tế, ông vô tình thấy được màn biểu diễn lạ của ca sĩ nổi tiếng nước Mỹ Jimi Hendrix, Đoàn Dự thấy "sốc" bởi tài đánh đàn bằng răng. Ông quyết tâm sẽ theo học tuyệt kỹ màn đánh đàn bằng răng này. Những lúc nhàn rỗi, ông lấy đàn ra gẩy bằng răng. Lúc đầu chẳng ra điệu nhạc gì cả, chỉ những tiếng tí tách bình thường. Kiên trì khổ luyện, từ một đến hai nốt. Sau dần, ông đã gẩy được toàn bộ các phím đàn trên cây ghi ta. Đổi lại thành công ấy, hai hàm răng của ông tê cứng, không ăn uống gì được.
Mỗi khi gẩy, dây đàn cứng, sắc cứa vào răng đến tóe máu lại thêm điện từ mỗi khi ông kê hàm rằng vào thì nó giật tê nhức. "Học đàn bằng tay đã khó rồi, nay lại học bằng răng nữa thì quả thật khó gặp trăm nghìn lần. Nếu không có quyết tâm, ý chí sắt đá thì không thể làm được", nghệ sĩ Đoàn Dự chia sẻ.
Nghị lực ông có được từ sự mặc cảm bản thân, chính vì thế mà sự quyết tâm trong ông cao hơn nhiều người bình thường. Ông bảo, không có việc gì khó, bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh nghiệt ngã thì ắt sẽ làm được cho dù việc ấy ngoài sức tưởng tượng của mình. Rồi ông nhoài người về phía bờ tủ, lấy ra cho tôi xem những bài báo, cuốn sách viết về mình được ông cất giữ như báu vật.
Vượt lên "cổ tích" trong nghịch cảnh
Sự nghiệp đi diễn của nghệ sĩ Đoàn Dự vẫn bình lặng trôi đi kéo theo vòng xoáy của cuộc mưu sinh. Chỉ đến khi thông tin ông có khả năng đàn được bằng răng thì mọi người mới ngỡ ngàng tìm đến ông nhiều hơn để được diện kiến kì tài. Bài hát đầu tiên Đoàn Dự đánh đàn bằng răng là bài "Hãy yên lòng mẹ ơi" để cảm ơn người mẹ đã sinh thành ra mình tuy cuộc đời ông không được may mắn như bao người khác.
“Kỳ nhân” Đoàn Dự
Kỉ niệm lần đầu tiên đi diễn ở Cà Mau, có mấy người bạn nghệ sĩ biết tin ông đánh đàn bằng răng thì yêu cầu ông lên biểu diễn. Trước hàng trăm con mắt tò mò, soi mói, người ta đưa cho ông chiếc đàn quá cũ, khi cắm điện vào thì ông bị giật. Hai hàm răng hết tê lại đau buốt nhưng không thể dừng lại được. Ông nhắm mắt, bậm môi đến chảy nước mắt biểu diễn hết bài hát mới chịu thôi. Mọi người dành cho Đoàn Dự những tràng pháo tay vang dội cùng những lời khen hết lòng.
Không ngừng tập luyện để nâng cao khả năng chuyên nghiệp trong các buổi biểu diễn, nghệ sĩ Đoàn Dự thường xuyên nhận được các lời mời đi diễn ở những buổi giao lưu, đám cưới, phòng trà. Ông lấy đó làm thú vui để khỏa lấp đi nỗi buồn mỗi khi rảnh rỗi. Âm nhạc đến với Đoàn Dự như là định mệnh bởi ông ý thức được rằng, con người ông, cả cuộc đời ông không có gì hơn là dùng lời ca tiếng hát để át đi tiếng lòng mà nhiều lúc nó vẫn rỉ máu.
Trên chiếc xe gắn máy, mỗi ngày, người ta thường thấy hình ảnh một ông già ngoài 60 tuổi tay chống nạng rong ruổi khắp các ngả đường, hòa vào dòng người tấp nập, hối hả đi tìm niềm vui ở tiếng đàn. Ông không cho phép mình nghỉ dù chỉ một ngày, bất kể lời mời nào dù xa hay gần ông đều vui vẻ gật đầu không một phút do dự. Ngoài lịch đi diễn, Đoàn Dự còn tới nhà dạy học cho các em nhỏ. Nhiều lứa học trò của ông đến nay đã trưởng thành, tạo được tiếng thơm cho gia đình. Bên cạnh đó, ông còn tham gia các lớp dạy ở trung tâm văn hóa các quận. Tại đây, ông gặp và đem lòng yêu người con gái làm nghề uấn tóc. Cảm phục trước nghị lực phi thường của người đàn ông tật nguyền, người con gái đem lòng yêu ông. Hai năm vun đắp và bồi dưỡng cho tình yêu, họ quyết định tiến tới hôn nhân.
Trong căn nhà nhỏ của mình, nghệ sĩ Đoàn Dự đang sống hạnh phúc bên người vợ hiền, đảm đang. Ba người con trai của ông đều đã khôn lớn, khỏe mạnh, có gia đình riêng. Chỉ một trong số ba người con theo nghiệp diễn của cha. Trong mỗi hành trình, cậu con trai út lại đánh trống đệm cho cha đàn và hát. Tuy nhiên, cả ba người con đều có chất nghệ thuật di truyền từ cha. Những lần có show diễn lớn, ông huy động cả nhà đi diễn.
Đã hơn 40 năm, người đàn ông tật nguyền, đánh đàn bằng răng độc nhất tại Việt Nam này vẫn sống một cuộc đời thật giản dị. Nghệ thuật giúp ông vơi đi nỗi buồn đau một phần và phần nhiều còn lại, ông lấy nghệ thuật làm công việc mưu sinh nuôi sống cả gia đình. Ông bảo không cho phép mình nghỉ cũng phải vì trên vai ông còn cả một gánh nặng mưu sinh.
nguoiduatin