Bệnh quai bị không phải là bệnh nan y nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật chẩn đoán và chữa trị bệnh quai bị, thì có một người đàn bà nông dân "chân lấm tay bùn", không được đào tạo bài bản về kiến thức ngành y nhưng gần 20 năm qua, bà đã chữa khỏi cho hàng nghìn trường hợp bị bệnh quai bị.
Phương thuốc gia truyền
Theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Phùng Thị Phong, đó là một căn nhà nhỏ ở cuối xóm 2, thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Căn nhà tình nghĩa của bà Phong, được UBND xã Cẩm Lĩnh hỗ trợ xây vào cuối năm 2007. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm nay. Rất may, lúc chúng tôi đến bà Phong đang chữa bệnh cho một người dân. Cứ ngỡ chúng tôi là "con bệnh" cần bà giúp đỡ nên bà hỏi ngay: "Chữa cho ai, anh hay chị?". Khi được biết tôi có đứa em đang bị bệnh quai bị, cần chữa trị kịp thời, bà tươi cười: "Cứ đưa đến đây tôi xem cho". Vì vậy, chúng tôi đã có dịp trò chuyện và quan sát cách bà chữa bệnh.
Sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Lĩnh, sau khi lấy chồng, cả gia đình bà Phong trở về đây lập nghiệp. Do hoàn cảnh khó khăn, nên cuộc sống gia đình cũng trở nên chật vật. Thu nhập gia đình bà chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Thỉnh thoảng, vào lúc nông nhàn, chồng bà đi làm thuê cho những người trong làng, xã, kiếm tiền phụ vào việc chi tiêu hàng ngày. Mặc dù là hộ nghèo nhiều năm, nhưng vợ chồng bà Phong có hai người con đều trưởng thành. Người con gái làm giáo viên ở một trường trong nội thành Hà Nội. Cậu con trai hiện đang là học viên của Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Chúng tôi hỏi bà về khả năng chữa bệnh quai bị và bắt đầu làm nghề này từ khi nào? Bà tâm sự: "Bố tôi là ông Phùng Quốc Cẳm, từ lâu vốn đã nổi tiếng trong vùng về khả năng chữa khỏi bệnh quai bị. Ai truyền cho ông nghề thì tôi không được rõ. Sau khi về già, sức yếu, năm 1994, bố tôi đã truyền lại nghề cho tôi, ông Phùng Công Chấp và một số người nữa. Nhưng, trong tất cả những người được bố tôi truyền nghề, sau khi thụ giáo đều không "hành nghề" được ngoài tôi.
Bà Phong đang chữa trị cho người bệnh. Ảnh: Minh Sơn
Một con dao cùn, và một ít nước điếu...
Qua quan sát, PV nhận thấy hình thức chữa bệnh quai bị của bà Phong rất đơn giản: Chỉ cần một con dao cùn, một chiếc chén nhỏ, một ít vôi và một ít nước điếu. Sau khi cho vôi và nước điếu vào trong chén bà dùng con dao khoắng đều và bôi lên chỗ bệnh phát, có người thì bị quai bị, người bị viêm khớp, người bị hạch... với các biến chứng kèm theo của bệnh quai bị. Nói chung, bệnh phát ở chỗ nào thì bà bôi thuốc vào chỗ đó. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là trong lúc tay bôi thuốc thì miệng bà lẩm bẩm những lời gì không ai có thể nghe rõ. Giống như một câu bùa chú hoặc đại loại như một lời cầu nguyện. Hầu hết, những trường hợp người bệnh tìm đến bà Phong đều đã dùng qua thuốc tân dược nhưng không thuyên giảm. Theo như người dân thôn Ngọc Nhị, thấy phương thuốc của bà Phong không có gì đặc biệt, vậy mà người bệnh tìm đến chỗ bà chỉ sau từ một đến ba ngày là khỏi, không cần phải dùng thêm một loại thuốc nào khác, quả cũng là một điều thần kỳ.
Ông Phùng Đoài Thuấn, trưởng thôn Ngọc Nhị nói: "Có lẽ, khu vực xung quanh huyện Ba Vì không còn nhà nào có thân nhân bị bệnh quai bị mà không tìm đến nhà bà Phong, cứ người này chữa khỏi lại "mách" cho người khác. Cứ thế, nhà bà không cần treo biển hiệu gì mà người bệnh vẫn tìm đến tận nhà nhờ giúp đỡ. Có nhiều người từ các huyện bạn, thậm chí là các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc… cũng tìm về". Ông còn cho biết thêm: "Gần đây nhất, anh N.V.C, quê Phú Thọ, bị hạch ở phần kín, sau đó hạch chạy ra phía sau, dân gian gọi là: "Ngọc hành chạy hậu". Anh N.V.C hồ hởi: "Bệnh này đau và nhức lắm. Khi mắc bệnh, tôi đã dán cao, rồi uống rất nhiều loại thuốc đều không khỏi, đi bệnh viện điều trị một thời gian nhưng bệnh không thuyên giảm. Về sau, tôi được mọi người chỉ dẫn đến bà Phong, để bà ấy chữa trị cho, sau vài ngày, tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn".
Khi PV muốn tìm hiểu thêm về phương thức chữa bệnh quai bị, thì bà Phong nói "Thì đấy, thuốc và dụng cụ chỉ có như vậy, thao tác và cách thức chữa bệnh như thế nào, các anh chị cũng đã nhìn thấy rồi, có gì đặc biệt đâu". Hỏi bà đã nói gì khi bôi thuốc thì bà không nói. Theo bà thì đời ông, đời bố của bà cũng đã áp dụng phương thuốc này vào việc chữa bệnh.
Ông Phùng Xuân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Lĩnh cho biết: Chúng tôi ghi nhận bà Phong có khả năng chữa khỏi bệnh quai bị, và như phản ánh của nhiều người dân thì cách chữa của bà có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, bà là một nông dân, không bằng cấp, không kinh nghiệm, chỉ dựa vào món nghề gia truyền để hành nghề chữa bệnh cứu người, điều đó chưa có căn cứ nào để kết luận. Cho nên chúng tôi vẫn khuyên người dân nếu bị bệnh cần đến trạm xá để bác sĩ thăm khám cẩn thận.
Ông Phùng Công Bàn, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh có trao đổi thêm: Việc hành nghề của bà Phong có thể gọi là "thầy lang vườn". Cũng có nhiều thầy lang dạng như thế này có khả năng chữa bệnh tuy nhiên số đó không nhiều. Chúng tôi cũng có tiếp nhận thông tin từ người dân sống trên địa bàn. Nhưng chính quyền hiện cũng chưa có căn cứ để làm việc với bà Phong. Bởi tính đến thời điểm này, việc chữa bệnh của bà Phong vẫn mang lại hiệu quả tốt, người dân ở khắp nơi vẫn tìm đến với bà.
Hằng ngày, bà Phong cùng chồng vẫn sống cuộc sống lao động bình thường, có người tìm đến thì bà chữa bệnh giúp họ. Bà không bận tâm nhiều đến chuyện người dân có tin hay không. "Ai tin thì tôi chữa còn không thì cũng không sao hết". Cho đến nay, khả năng chữa bệnh thần kỳ của bà Phong vẫn chưa có lời giải đáp. Trong khi công nghệ kỹ thuật hiện đại trong ngành y chưa chắc đã đem lại hiệu quả tức thời trong việc chữa bệnh quai bị, thì những người như bà Phong vẫn chữa bệnh bằng "mẹo" gia truyền, chỉ bằng vôi, nước điếu và dao cùn, đem lại niềm vui cho hàng ngàn bệnh nhân mà không hề màng đến chuyện lợi nhuận, mặc dù gia đình bà Phong là hộ nghèo.
Pháp luật xã hội