Dân gian thường chê cười những người ngủ ngày như một thói quen xấu, lười nhác, nhưng trái lại, ở đây nhà nào có đàn ông ngủ ngày được xem như gia đình siêng năng, gia đình khấm khá, vợ con sung túc.
Trắng đêm soi ếch
Thật vậy, đến làng Liễu Thạnh vào ban ngày, nhất là vào buổi sáng tầm 7 -8h, rất khó nhìn thấy cánh đàn ông trong làng chuyện trò, làm đồng hay đi dạo trên đường, bởi phần lớn trong số họ còn đang bận... ngủ. Ban ngày họ ngủ đến trưa, có khi 1, 2h chiều, còn buổi tối thì thức nguyên đêm đi soi ếch.
Hơn 20 năm trước, phong trào đi soi ếch nhái, rắn chồn bán cho thương lái nước ngoài rộ lên ở xứ Quảng. Kinh tế gia đình khó khăn, cánh thanh niên, đàn ông trong làng tập tành đi soi kiếm thêm đồng ra đồng vào. Người này chỉ người kia, vậy là trong làng có hơn trăm trai tráng chọn nghề soi ếch, rắn làm kế mưu sinh ban đêm, khi công việc đồng áng ngày thường rỗi rãi.
Đồ nghề đơn giản chỉ gồm một cây sào trúc dài chừng 5-6m có gắn vợt lưới, một bình ắc quy gắn với đèn pin đội đầu, một giỏ tre đựng ếch, chỉ cần trang bị chừng ấy cộng thêm đôi chân dẻo dai và cặp mắt tinh tường là cánh thợ soi đã có thể lên đường.
Đàn ông làng Liễu Thạnh đêm đến mới bắt đầu… đi làm.
“Ngày trước đi soi bằng xe đạp, chiều chúng tôi đã lên đường, đạp xe 50-70km đến địa điểm định sẵn trong đầu, gửi xe nhà dân, giở cơm nắm ra ăn rồi mải miết soi đến 2, 3h sáng, ra lấy xe quày quả đạp về tới nhà là vừa sáng, bán ếch nộp tiền cho vợ xong thì ăn ba miếng rồi đi ngủ. Giấc ngủ sau một đêm thức trắng quan trọng lắm, ngủ đủ giấc, sâu thì mới đủ sức đạp xe, lội ruộng cho đêm soi tiếp” - một thợ soi chia sẻ.
Ban đầu, giấc ngủ “trái buổi, trái ngày” đến hơi khó, nhưng lâu dần thành quen. Mỗi đêm, tùy vào tình hình thời tiết, thợ soi có thể kiếm được từ vài trăm ngàn đồng cho đến tiền triệu. Giấc ngủ ban ngày rất quan trọng đối với “nồi cơm” của gia đình thợ soi, nên mọi người trong nhà phải đi nhẹ, nói khẽ, không được làm ảnh hưởng đến giấc ngủ “vàng” ấy. Dấu hiệu rõ nhất để biết nhà có người đi soi đang ngủ ngày là cây sào dài gắn vợt lưới treo toòng teng bên hông xe hoặc dựng đầu nhà, khách khứa đến nhà phải biết ý, hỏi han hay trò chuyện gì cũng phải cố gắng nói nhỏ nhất để thợ soi được ngon giấc.
Ngày trước, xe cộ còn khó khăn, đa số thợ soi đi bằng xe đạp. Còn bây giờ, chạy xe máy một mạch từ nhà ra Đà Nẵng hay vào tận Quảng Ngãi, cả đi lẫn về ngót nghét 200km là chuyện thường ngày. Ếch đồng ngày càng hiếm, do vậy chuyện thợ soi đi một mạch từ chiều đến 5h sáng hôm sau mới từ địa điểm soi quay về làng bán ếch là chuyện thường tình. Giấc ngủ vì vậy cũng đến muộn mằn hơn vào tầm 8-9h sáng và kéo dài đến 14-15h.
Đồ nghề soi ếch.
Luật bất thành văn
Một mình chạy xe giữa đêm khuya, lội hàng trăm kilômét từ đồng này qua đồng nọ mải miết bất tận, nhưng những cái lạnh, cái đói đêm khuya, muỗi, đỉa, vắt, rắn rết hay xe cộ, bóng đèn bị hư giữa chừng (bóng đèn là đồ nghề quan trọng giúp thợ soi nhìn đường và bắt ếch) không là nỗi lo sợ của cánh thợ soi. Trái lại, họ cực kì e ngại những chuyện tâm linh, ma quỷ.
Có một luật bất thành văn mà dân soi ai cũng thuộc nằm lòng, đó là không nên bén mảng vào những khu vực đền chùa, lăng miếu cho dù ếch có kêu điếc tai cỡ nào, nếu không dễ bị mang họa.
Làng soi không ai lạ gì chuyện của ông Khôi, một người nổi tiếng gan dạ ở tổ dưới. Việc xảy ra đã lâu, nhưng cánh thợ soi và người dân trong làng mỗi lần nghe chuyện lại rùng mình kinh sợ, bởi câu chuyện liên quan đến tính mạng và kế sinh nhai của biết bao gia đình trong làng.
Thành quả một đêm soi ếch.
Lần đó, trong một chuyến soi đêm ở huyện Duy Xuyên, ông Khôi phát hiện một con rắn mãi gầm đang quấn mình trên nóc một cái lăng nhỏ giữa đồng. Vốn gan dạ, thấy rắn to đinh ninh là “mánh” lớn (rắn được giá gấp 3 lần ếch), ông soi đèn dùng vợt tóm gọn. Tai họa ập đến ngay sau đó 1, 2 ngày khi ông về nhà phát bệnh, trèo lên mái nhà bò lổm ngổm như rắn.
Gia đình, làng xóm và cả phường thợ soi thất kinh. Không hiểu ra chuyện gì, đến khi ông tỉnh lại mới kể mọi chuyện cho người nhà nghe. Đợt đó, người nhà ông phải sắm lễ, mời thầy ra tận lăng thiêng nơi ông bắt rắn cúng bái, van xin, đồng thời thả một con rắn mai gầm, ông mới khỏi bệnh.
Vì những chuyện kì lạ khó ai lý giải nên cánh thợ soi luôn quan niệm “có kiêng có lành” để giữ lấy nghề của mình. Được xem là vựa ếch đồng lớn nhất vùng khi những ngày cao điểm có tới ngót nghét nửa tấn ếch được thợ soi đưa về, nhưng không bao giờ trong mâm cơm của thợ soi có đĩa thịt ếch.
Lắm khi mưa lớn, giá ếch đồng chính hiệu chỉ còn độ 40- 50 ngàn đồng/kg, không bằng nửa cân thịt lợn nhưng người dân trong làng vẫn không mảy may nghĩ đến chuyện đổi bữa bằng đĩa ếch um măng hay xào sả ớt, bởi thợ soi quan niệm “bắt ếch cũng là cái tội, giờ thêm sát sinh và ăn thịt chúng thì chẳng thể nào làm nên”.
Cả rắn, chồn, kì nhông, kì đà săn được cũng vậy, dù lắm khi giá rẻ đến giật mình, chẳng xứng đáng với công sức lội bộ một mình trong sương đêm gió lạnh, họ vẫn bán rồi dùng tiền đó ra chợ mua thịt, cá, rau thông thường về dùng. Và ngày rằm, mùng 1, thợ soi trong làng gác sào không đi, cho dù mưa giông có to cách mấy, ếch có kêu ra rả bên tai cũng mặc.
Vẫn biết là nghề này gian khổ, nguy hiểm nhưng nhiều người phải theo vì không có nghề nào khác. Sinh nghề, tử nghiệp, không ít thợ soi trong làng đã bỏ mạng vì tai nạn trên đường sinh nhai, do vậy những câu chuyện mang đậm màu sắc tâm linh luôn được cánh đàn ông ngủ ngày của làng Liễu Thạnh nhắc nhau như một lời khuyên răn trên đường mưu sinh...
phununews.vn