Ảnh chụp amip ăn não qua kính hiển vi.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, lần đầu tiên phát hiện một bệnh nhân bị loại amip này tấn công và tử vong sau 2 ngày nhập viện.
Tử vong trong vòng 7-14 ngày
Bệnh nhân vừa được phát hiện tử vong tên P.V.T, 25 tuổi, quê ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên và hiện đang tạm trú tại Bình Thạnh, TPHCM làm nghề buôn bán đậu phộng.
Trước đó, nạn nhân này có về quê và cùng bạn bè xuống ao lặn để mò ốc, trai. Sau khi quay trở lại TPHCM, đến ngày 29.7, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, nhức đầu, sốt và được đưa đến BV Nhân dân Gia Định kiểm tra. Kết quả chọc não tủy và dưới lớp kính hiển vi, các BS đã phát hiện một loại amip tồn tại trong não bệnh nhân nhưng chưa định danh được cụ thể.
Đến ngày 30.7, sau khi hội chẩn và thấy diễn tiến bệnh nặng, bệnh nhân T đã được chuyển trực tiếp đến BV Bệnh nhiệt đới để điều trị.
Hình ảnh amip ăn não qua mô tả đồ họa
BS Nguyễn Hoan Phú, Phó khoa Nhiễm Việt - Anh, BV Bệnh nhiệt đới cho biết: “Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện cứng cổ, thở nhanh, sốt 39 và sau tăng lên 40 độ có dấu hiệu của viêm não, màng não là gây bệnh nhiễm trùng lên hệ thần kinh, chúng tôi đã làm xét nghiệm PCR sau đó phát hiện ra một loại amip không phải loại thông thường. Theo y văn thế giới, đây là một loại amip được gọi với tên “amip ăn não người”.
Sau khi nhập viện được một ngày, bệnh nhân đã bắt đầu sốt cao, bị hôn mê sâu và ngừng tim, sau đó tử vong trên đường về quê. Một tuần sau chúng tôi mới định danh được loại amip nói trên”.
Các BS đã tiến hành điều tra dịch tễ và nhận thấy trong não của bệnh nhân T có loại amip thường sống trong những vùng nước ngọt như ao, hồ, sông... đi vào cơ thể người thông qua đường mũi và theo thần kinh khứu giác tới sàn sọ và tiến vào não. Trong vòng 7-14 ngày sau khi thâm nhập, loại amip này đã ăn dần não của bệnh nhân để tồn tại, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm
Trước sự nguy hiểm của loại amip lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú giải thích thêm: Theo y văn thế giới, chỉ riêng tại Mỹ, từ năm 1937 đến nay đã có 121 ca bệnh liên quan đến amip ăn não được phát hiện, trong đó chỉ một ca được cứu sống.
Tên gọi khác của amip ăn não là Naegleria fowleri, đây là một loại sinh vật đơn bào excavata sinh sống tự do, thường được tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm như ao, hồ, sông, suối nước nóng, thậm chí tìm thấy trong đất gần khu nước thải có độ ấm của các nhà máy công nghiệp và bể bơi không được xử lý bằng hóa chất chlor.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, loại amip này phát triển nhanh, sau đó di chuyển lên não và ăn các tế bào thần kinh, gây nên sốt nặng, có ảo giác, đau đầu khủng khiếp và thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi. Các nhà khoa học mô tả loại amíp này gây tử vong nhanh đến nỗi rất khó nghiên cứu chúng tại phòng thí nghiệm.
Mặc dù số lượng mắc bệnh rất hiếm gặp nhưng nếu bị nhiễm ký sinh trùng thì gần như đa số người bệnh đều bị tử vong với tỉ lệ 98%.
Bác sĩ Phú cho biết: Khi một người có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, sốt, cứng cổ, xuất hiện ảo giác... thì nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Do đây là bệnh mới nên các triệu chứng ban đầu này dễ nhầm với viêm não, màng não do vi khuẩn hoặc do virus nên việc chẩn đoán rất khó khăn. Vì thế, các bác sĩ phải hỏi rõ bệnh nhân có tiếp xúc với nguồn nước ao hồ như tắm, bơi lội, lặn.
Nếu có yếu tố dịch tễ trên thì phải tiến hành chọc dò khảo sát dịch não tủy. Loại amip này rất dễ phát hiện qua kính hiển vi. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Phú, nếu phát hiện bệnh sớm thì vẫn có thể điều trị được.
Lao Động