Thất tình… nghiện ăn vữa, phấn viết bảng…
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận và trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc chứng tâm thần, tâm thần phân liệt dẫn đến việc kết thân và “nghiện” ăn những món ăn lạ như vôi tường, phấn viết bảng, giấy, đất đá, vỏ cây…
Đó là trường hợp của Nguyễn Minh Q (27 tuổi, ở Đan Phượng – Hà Nội), bị rối loạn tâm thần do sang chấn tình cảm trong thời gian dài. Sau một thời gian hoang mang, mất niềm tin vào cuộc sống, Q rơi vào tình trạng “trầm cảm”, u uất nặng. Trong đầu anh bắt đầu xuất hiện những âm thanh lạ, những tiếng nói chỉ huy khiến Q không còn kiểm soát được hành vi của mình. Q bắt đầu tìm đến và nghiện ăn những mẩu phấn viết bảng và những mảng vôi tường từ lúc nào không hay.
Ảnh minh họa “Trong đầu bệnh nhân luôn có tiếng nói mời gọi, thúc giục ăn những món ăn không dành cho người đó. Hằng ngày, bệnh nhân dùng tay trần cào tường để lấy vữa ăn. Bệnh nhân cảm thấy được thỏa mãn khi trực tiếp đưa những mảng vôi tường vào miệng và nhai giòn tan....”, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng nói.
Bác sỹ Dũng cho biết thêm: “Càng bị kích động, bệnh nhân càng ăn nhiều hơn. Ngoài thức ăn là vôi tường, bệnh nhân còn ăn cả những mẩu phấn viết bảng của học sinh. Bệnh nhân không muốn ăn cơm vì nghĩ đó là những món ăn tầm thường, không dành cho con người. Khi bị ngăn cản và cách ly với món ăn ưa thích, bệnh nhân có những biểu hiện chấn động mạnh như sợ hãi, la hét, vật vã, giãy giụa,… không kiềm chế được hành vi và tấn công người khác”.
Ăn giấy, mút giấy để tìm… cảm giác
Theo lời kể của bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, trước khi nhập viện, trên người bệnh nhân Trần Thị Hương Liên (28 tuổi, ở Ứng Hòa – Hà Nội) lục chỗ nào cũng thấy có đủ các loại giấy cũ, mới, cứng, mềm và thậm chí cả giấy vệ sinh để khi cần là có thể lấy ra ăn bất cứ lúc nào.
Hàng ngày, nguồn thức ăn chính được nạp vào cơ thể của chị là giấy và các đồ bẩn khác. Với chị Liên, cơm và những thực phẩm khác không mang lại cho chị cái cảm giác được ăn.
“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơ thể suy nhược, thần kinh rối loạn, không kiểm soát được hành vi, thường xuyên bị kích động, đập phá, hò hét vô cớ, hành hung người khác. Bệnh nhân ít nói, không ăn, thu mình lại, tính tình khô lạnh không muốn tiếp xúc với người thân. Theo chẩn đoán ban đầu của chúng tôi, bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt. Và hành vi ăn giấy, mút giấy của bệnh nhân là biểu hiện của sự rối loạn, không kiểm soát được hành vi…”, bác sỹ Dũng kể.
Tương tự là trường hợp của bệnh nhân Đinh Thị Thanh Hằng, 37 tuổi, ở Thanh Hóa. Luôn cho mình có khả năng đặc biệt (ăn bất cứ thứ gì), có quyền lực siêu nhiên, là người nhà trời…, chị Hằng đã nhiều ngày liền "nạp" đất đá vào cơ thể của mình và phải nhập viện cấp cứu
Trước khi nhập viện, chị Hằng đã bỏ hẳn cơm và chuyển sang ăn những thứ không phải là thức ăn của con người. Đất, cát là những thức ăn chính của chị. Ngoài ra, chị còn ăn vỏ cây, các loại phấn và những đồ bẩn khác…
Cần phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, đối tượng có thể mắc bệnh bao gồm cả nam lẫn nữ, không phân biệt độ tuổi. Những người bình thường cũng có thể mắc bệnh chỉ vì cuộc sống không cân bằng và gặp phải những sang chấn tâm lý lớn. Chứng tâm thần phân liệt là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi bất thường này.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thu Hòe) “Hầu hết những người có thói quen và nghiện ăn các vật thể lạ không phải là thức ăn dành cho con người là những người đã bị bệnh tâm thần nặng. Trong đầu họ đang có những ảo giác, ảo thanh xuất hiện và điều khiển. Họ ăn một cách vô thức, ăn trong lúc lo lắng, bồn chồn, bất an… và thường, càng bị kích động thì họ càng ăn nhiều.
Với những người bị chứng bệnh này, họ luôn tự cho mình có những khả năng đặc biệt, thần tượng hóa bản thân… và không ý thức được hành vi của bản thân. Họ điềm nhiên ăn những thứ độc hại đến mức nghiện mà không biết mình đang bị bệnh và cần phải điều trị…”, bác sỹ Dũng nói.
Theo các bác sỹ, việc ăn những vật thể không phải là thức ăn có lợi cho cơ thể như vôi tường, phấn, giấy, đất đá, lá cây… sẽ làm tổn thương cơ thể về nhiều mặt. Các chất độc hại tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ làm rối loạn hệ tiêu hóa, suy kiệt về mặt thể chất, hệ thần kinh và là nguyên nhân của nhiều mầm bệnh.
Tuy nhiên, bản thân những người này đã mắc chứng hoang tưởng và theo các bác sĩ, cần phải điều trị chứng hoang tưởng này trước, nếu không bệnh nhân lại tiếp tục tìm kiếm đến thức ăn khoái khẩu của mình.
Tùy thuộc vào mức độ biểu hiện của bệnh nhân, các bác sĩ đều có những phương pháp trị liệu phù hợp.
“Hiện nay, để điều trị chứng bệnh này, phương pháp hóa dược trị liệu, các liệu pháp tâm lý được phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt để tạo hiệu quả trong điều trị. Bệnh nhân càng được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị sớm, thời gian khỏi bệnh càng được rút ngắn” – bác sỹ Dũng nhấn mạnh.
Giáo dục Việt Nam