Giai thoại chiếc nhẫn đính hôn
Làng báo quốc tế đang sôi lên vì sự kiện ‘‘đám cưới của thế kỷ’’. Trên tất cả các bức ảnh chụp chính thức, người ta đặc biệt chú ý đến chiếc nhẫn đính hôn mà hoàng tử William đã trao cho người vợ sắp cưới.
Đằng sau chiếc nhẫn này là cả một giai thoại. Được khảm với một viên ngọc bích xanh lam hình bầu dục chừng 18 carat, bao quanh bởi mười bốn hạt kim cương, chiếc nhẫn đính hôn mà cô Kate Middleton công khai đeo trên tay không những đẹp, mà còn mang đầy ý nghĩa.
Do hiệu kim hoàn Garrad Jewellers thiết kế, món trang sức này do chính công nương Diana chọn lựa, thời cô được thái tử Charles cầu hôn và trao tặng vào tháng hai năm 1981. Công nương Diana đã chọn chiếc nhẫn trị giá khoảng 30.000 bảng Anh tại một cửa hiệu ở Luân Đôn của nhà kim hoàn Garrad.
Tuy nhà kim hoàn này phục vụ cho hoàng gia Anh kể từ năm 1843, họ đã từng thiết kế vương miện của nữ hoàng Mary, lên ngôi vào năm 1911, nhưng hành động của công nương Diana lại đi ngược với nghi lễ triều đình cũng như của hoàng gia Anh.
Theo truyền thống, các món trang sức thường được tạo cho những cơ hội quan trọng. Đám cưới của thái tử Charles, trưởng nam của nữ hoàng Elizabeth, vì thế lại càng có một ý nghĩa đặc biệt.
Do vậy mà hoàng gia Anh không tán đồng việc công nương Diana chỉ đơn thuần chọn một món nữ trang có sẵn tại cửa hàng của nhà kim hoàn Garrad.
Sự kiện này phần nào cho thấy cá tính và bản lĩnh của công nương Diana, tuy lúc đó còn rất trẻ, nhưng đã chứng tỏ qua một cử chỉ rất nhỏ, là cô vẫn giành quyền chủ động trong cái ngày hết sức quan trọng trong đời mình. Đó là chuyện của 30 năm về trước.
Trở lại với cặp uyên ương thời bây giờ. Hoàng tử William đã cầu hôn với Kate Middleton nhân một chuyến đi Kenya sau tám năm quen biết. Thân phụ của Kate là một doanh nhân, ông Michael Middleton không thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng hoàng tử William vẫn tuân thủ phép tắc khi ngỏ lời xin phép ông bố trước khi cầu hôn với Kate. Ông Michael cùng với vợ cho biết là họ đã rất xúc động và vui mừng khi biết được tin này.
Theo ông Charles Kidd, chuyên gia về nghi thức hoàng gia Anh, hoàng tử William khi trao chiếc nhẫn của thân mẫu quá cố cho Kate Middleton cũng đã không tuân thủ truyền thống của hoàng gia.
Tuy nhiên, khác với những năm về trước, điều đó bây giờ không đặt thành vấn đề. Phần lớn cũng vì các nghi thức hoàng gia đã được nới lỏng, khuôn thước không còn cứng ngắc như xưa.
Đối với hoàng tử William, việc trao nhẫn đính hôn cho Kate còn mang một ý nghĩa khác. Đó là một cách để tưởng niệm thân mẫu quá cố.
Chiếc nhẫn đính hôn mà Kate Middleton đeo
là chiếc nhẫn của công nương Diana (bên trái ảnh)
Cơn sốt báo chí tại phương Tây
Tại Anh Quốc, vài tuần lễ trước ngày cưới của hoàng tử William với Kate Middleton, báo chí cũng như các kênh truyền hình, đài phát thanh đã dầy đặc các chương trình đặc biệt để tường thuật về sự kiện trọng đại này.
Tại Mỹ, các phương tiện truyền thông đang dàn binh bố trận để tường thuật trực tiếp về đám cưới lịch sử.
Đám cưới của hoàng tử William với Kate Middleton được coi là có sức thu hút lớn nhất kể từ sau hôn lễ của thái tử Charles với công nương Dinana vào năm 1981.
Đúng ba mươi năm trước đây, trước cử tọa 35.000 vị khách mời, đám cưới của thái tử Charles và Diana Spencer diễn tại thánh đường Saint Paul. Hơn một tỷ người trên hành tinh đã theo dõi thánh lễ và chờ đợt giây phút đôi tân lang và tân nương này lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.
Lần này, giới truyền thông dự trù sẽ có đến hai tỷ rưỡi khán giả sẽ cùng muốn được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc áo cưới của Kate Middleton qua màn hình tivi khi cô bước vào thánh đường Westminster.
Chính vì vậy mà các đài truyền hình lớn của Mỹ đã đặt thuê sẵn những địa điểm tốt nhất bên dòng sông Thames.
Từ ngày 22/4 trở đi, đúng một tuần trước ngày cưới của hoàng tử William, đài truyền hình NBC cùng với MSNBC gửi một đội ngũ phóng viên hùng hậu đến Luân Đôn để phát đi những chương trình đặc biệt với những hồi chuông của Big Ben làm nền.
Vào đúng ngày hoàng tử William đẹp duyên cùng Kate, NBC và MSNBC dành riêng 20 tiếng đồng hồ chương trình để tường thuật về buổi lễ.
Về phần mình, đài CNN cử khoảng 50 nhà báo, kỹ thuật viên sang Luân Đôn. Trong số này có những nhân vật nặng ký của đài và cũng là những gương mặt quen thuộc đối với khán giả Mỹ như phóng viên Anderson Cooper hay người dẫn chương trình Piers Morgan.
Khác với đài NBC, CNN sẽ không đưa khán giả vào hậu trường lễ cưới của William và Kate nhưng sẽ giới thiệu rõ hơn về người vợ sắp cưới của hoàng tử William qua phóng sự mang nhan đề “The Women Who Would Be Queen”.
CNN cũng sẽ trở lại với thuở William vừa lọt vào mắt xanh của Kate. Trong thời đại kỹ thuật số và internet ngày nay, báo chí đua nhau cho ra đời những trang mạng, các diễn đàn để cung cấp thông tin từng giờ, từng phút về đám cưới được chờ đợi nhất trong năm.
Theo sức khỏe đời sống