Ngày 11-10, Pháp Luật TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với luật sư bảo vệ quyền lợi của Ngọc Thúy và ghi nhận được nhiều thông tin mới quanh vụ kiện “đình đám” này.
Hủy phần thỏa thuận về tài sản
Thông tin trên báo chí cho thấy có một bản án của tòa án Mỹ giải quyết về việc ly hôn và tài sản giữa Ngọc Thúy với ông Nguyễn Đức An (Việt kiều Mỹ). Theo đó, Ngọc Thúy và ông An thỏa thuận ly hôn, đồng thời thỏa thuận tất cả bất động sản đang ở Việt Nam, tất cả xe cộ hiện đang ở Việt Nam, tất cả tài khoản ngân hàng hiện đang ở Việt Nam (tổng giá trị ước tính khoảng 288 tỉ đồng) là tài sản độc quyền của ông An.
Tuy nhiên, trình bày của Ngọc Thúy cùng các tài liệu liên quan cho thấy: Phần thỏa thuận về tài sản giữa hai bên đã bị Tòa Thượng thẩm tiểu bang California hủy ngày 26-8-2009. Chính vì vậy mà từ đó đến nay, Ngọc Thúy vẫn thường xuyên ở Mỹ nhưng không hề bị bắt về hành vi không chấp hành án.
Cụ thể, sau khi kết hôn được một năm, ngày 20-11-2007, Ngọc Thúy và ông An đã ký một thỏa thuận ly hôn tại văn phòng luật sư của ông An. Theo thỏa thuận, Ngọc Thúy sẽ nuôi hai con, ông An có trách nhiệm phụ cấp nuôi hai con là 1.000 USD/tháng, còn toàn bộ tài sản thuộc về ông An.
Ngọc Thúy cho biết bản thỏa thuận soạn bằng tiếng Anh, lúc ấy cô đang bị áp lực về tinh thần do mâu thuẫn giữa hai vợ chồng gay gắt nên cô ký đại. Theo luật pháp Mỹ, kể từ khi lập bản thỏa thuận, sau sáu tháng nếu hai bên không có ý kiến khác thì bản thỏa thuận sẽ có giá trị pháp lý. Nhận thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, tháng 3-2008, Ngọc Thúy đã kháng cáo bản thỏa thuận trên.
Ngày 26-8-2009, Tòa Thượng thẩm tiểu bang California quận Cam đã xem xét kháng cáo, quyết định chỉ chấp nhận phần thỏa thuận ly hôn, hủy toàn bộ bản án về phần tài sản và cấp dưỡng nuôi con. Bản án này đã được phía Ngọc Thúy dịch ra tiếng Việt và hợp thức hóa lãnh sự.
Ngọc Thúy đang gặp phải những rắc rối với chồng cũ
Khi về Việt Nam khởi kiện Ngọc Thúy đòi tài sản, ông An chỉ mang bản thỏa thuận ban đầu (chưa bị Tòa Thượng thẩm tiểu bang California quận Cam hủy) để làm chứng cứ. Theo trần tình của Ngọc Thúy, việc ông An dùng một bản thỏa thuận đã bị hủy làm chứng cứ khởi kiện đòi tài sản là không trung thực. Trong quá trình tranh chấp giữa hai bên, ông An “luôn thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm” với cô và hai con. Trong danh sách kê khai khối tài sản trị giá tới 288 tỉ đồng, ông còn liệt kê cả… chiếc xe máy trị giá chỉ vài chục triệu đồng.
Hiện nay Ngọc Thúy đã khởi kiện ông An ở Mỹ bằng một vụ kiện khác để yêu cầu xem xét trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con vì thực tế hai con đang ở với cô.
Rắc rối quanh việc thụ lý
Đầu năm 2010, ông An gửi đơn khởi kiện đến TAND quận 1 (TP.HCM) và được tòa này yêu cầu đóng tạm ứng án phí. Lý do tòa đưa ra là dù ông An mang quốc tịch Mỹ nhưng lại có một thẻ tạm trú dài hạn tại Việt Nam (có giá trị trong hai năm) nên vụ việc vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp quận, huyện.
Tuy nhiên, thẻ tạm trú này đã hết hạn vào tháng 5-2010 nên tháng 1-2011, phía Ngọc Thúy đã yêu cầu TAND quận 1 chuyển vụ án lên TAND TP.HCM thụ lý giải quyết theo thẩm quyền nhưng bị từ chối. Tháng 3-2011, Ngọc Thúy đã khiếu nại lên TAND TP về quyết định trả lời của TAND quận 1 và được TAND TP chấp nhận. Theo đó, khi thẻ tạm trú tại Việt Nam của ông An hết hạn thì vụ án trở thành án có yếu tố nước ngoài, thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh, TP.
Được biết trong thời gian hơn một năm thụ lý vụ kiện, TAND quận 1 từng tiến hành kê khai tài sản và làm nhiều thủ tục khác theo yêu cầu của ông An. Tòa cũng đã nhiều lần tổ chức lấy lời khai hai bên nhưng Ngọc Thúy chủ yếu ở Mỹ nên việc lấy ý kiến chưa có kết quả.
Còn về phần Tòa Dân sự TAND TP, theo trả lời mới nhất của tòa này với Ngọc Thúy thì sau khi rút vụ kiện lên, đến nay tòa cũng chưa chính thức ra quyết định thụ lý mà vẫn còn đang nghiên cứu hồ sơ.
Những điểm đáng chú ý về pháp lý
Hôn nhân của Ngọc Thúy chưa được công nhận tại Việt Nam: Theo quy định, việc kết hôn của Ngọc Thúy với ông An phải được Sở Tư pháp TP.HCM ghi chú hộ tịch thì mới được công nhận quan hệ hôn nhân tại Việt Nam.
Trong vụ này, do Ngọc Thúy và ông An chưa làm thủ tục ghi chú hộ tịch, đồng thời thực tế hai người đã ly hôn ở Mỹ nên về mặt pháp luật, quan hệ hôn nhân (từng có) của họ không được công nhận tại Việt Nam. Điều đó dẫn đến hệ quả là khi giải quyết tranh chấp về tài sản giữa họ, TAND TP.HM sẽ không áp dụng nguyên tắc phân chia tài sản theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Đây chỉ là quan hệ tranh chấp tài sản đơn thuần giữa hai cá nhân nên ai mạnh hơn về chứng cứ thì người đó thắng.
Tranh chấp đất đai phải qua thủ tục hòa giải ở chính quyền địa phương thì tòa mới thụ lý: Trong danh sách kê khai khối tài sản mà ông An nộp cho tòa có liệt kê nhiều lô đất tại TP Phan Thiết và TP Vũng Tàu. Theo quy định, TAND TP.HCM chỉ thụ lý tranh chấp về quyền sử dụng đất sau khi các bên đương sự đã hòa giải không thành tại UBND cấp xã, phường. Ở đây, giữa Ngọc Thúy và ông An chưa tiến hành thủ tục hòa giải tranh chấp tại chính quyền địa phương nên tòa không được thụ lý phần tranh chấp đất đai này.
Theo Eva