Sau khi chúng tôi đăng bài phản ánh ban đầu Người tạo ra vương miện cho Ngọc Trinh bị tố cáo 'bán giải', buổi chiều cùng ngày "bầu sô" Phan Minh Chánh đã gửi email trả lời vụ việc.
Tuy nhiên, nội tình vụ việc không chỉ như bài phản ánh nêu trên và phần trả lời của Minh Chánh cũng chưa giải đáp hết các vấn đề đặt ra. Diễm Lyly, người phụ nữ đứng ra tố cáo, cho biết chị không ngại nêu tên và ảnh của mình trong bài viết, để chứng tỏ chị nói thật. Việc hồi đáp của Minh Chánh đã có, để bạn đọc biết sâu hơn về nội dung tố cáo, chúng tôi xin lần lượt đăng tải nội dung dưới đây...
Bài 1: Lời gạ gẫm đầu tiên của Minh Chánh và cuộc ra giá của "đàn em"
Minh Chánh nói gì về lời tố cáo "bán giải thưởng" Là một cựu người mẫu cùng thời với Minh Anh, Hà Kiều Anh, Thân Thuý Hà… năm 1994 phát hiện chứng bệnh hở van tim, người Diễm Kyly đã phải giã từ sàn diễn. Chị tiến hành 2 lần phẫu thuật vào năm 1996 và năm 2006 để thay van tim, nhằm cứu mạng sống. Đến đầu năm 2009, sự nghiệt ngã vẫn không chịu buông tha cho người phụ nữ đẹp này, Diễm Kyly phát hiện ra mình bị chứng ung thư vòm họng vào giai đoạn 4. Chị phải trải qua nhiều 6 lần hoá trị và 35 lần xạ trị. Chịu bao nhiêu đau đớn, đến năm 2010, ung thư đã di căn vào phổi.
Sự sống mong manh, chị đã cố gắng vượt qua, sống vì đứa con gái lớn 11 tuổi và đứa con trai 8 tuổi. Chị đã tìm niềm vui trong cuộc đời này bằng những chuyến từ thiện, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ với mình.
Diễm Kyly trong một buổi chụp ảnh thuộc khuôn khổ Hoa hậu Phu nhân
Người Việt Thế giới tại Mỹ (tổ chức tháng 12/2012).
Đến với cuộc thi Hoa hậu Phu nhân Người Việt Thế giới, Diễm Kyly cho biết: “Tôi đi thi, muốn gửi đến một thông điệp cho những bệnh nhân ung thư rằng: Cuộc sống vẫn có ý nghĩa, dù ngắn ngủi. Kế đến, tôi muốn có một danh hiệu, có một chút danh tiếng để dễ dàng vận động các Mạnh Thường Quân quyên góp tiền, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ với mình bằng những chuyến từ thiện”.
Diễm Kyly nói trong nước mắt: “Tôi không ngờ, mọi công sức của tôi bỏ ra đều đổ sông, đổ biển. Mọi giải thưởng của cuộc thi đều đã được mua, bán. Tôi lên tiếng tố cáo Minh Chánh để nhiều người nhẹ dạ xem đây là một bài học, không như tôi bị mắc bẫy từ các cuộc thi sắc đẹp mà Minh Chánh tổ chức…”.
"Chị có muốn tài trợ top 5 không"?
Từ năm 1994, tôi ít có quan tâm đến các hoạt động thuộc giới nghệ thuật, chú tâm vào chăm sóc hai đứa con nhỏ. Tôi biết cuộc thi Hoa hậu Phu nhân Người Việt Thế giới qua một người em tên G., cũng là một chuyên viên trang điểm.
Ban đầu G. định sang Mỹ cùng tôi để chăm lo cho tôi việc trang điểm. Còn khoảng hai tuần nữa lên đường sang Mỹ, G. đột ngột gọi cho tôi: “Chị ơi, em bị trục trặc về visa rồi, chắc không sang Mỹ cùng chị được”. Tôi thấy nản, nói: “Em không đi thì làm sao chị đi được, vì chị lạ nước lạ cái có biết gì”.
G. có cho tôi số điện thoại của Minh Chánh, kêu tôi liên lạc. Tôi gọi ngay cho Minh Chánh: “Chánh ơi, chị là chị Diễm. Em ơi hiện tại là chị chưa biết thể lệ cuộc thi và thủ tục như thế nào, em có thể nói cho chị biết được không?”. Minh Chánh hỏi: “Chị có phải là cô người mẫu đã mổ tim hai lần không? Em có nghe chị muốn làm từ thiện phải không?”. Tôi thật thà kể hết với Minh Chánh ý nguyện muốn làm từ thiện, giúp đỡ những bệnh nhân ung thư và bệnh tim, có số phận giống mình.
Minh Chánh yêu cầu tôi cúp máy để gửi email cho tôi thể lệ cuộc thi. Sau đó ít phút, Minh Chánh có nhắn tin qua điện thoại, nhắc tôi mở email.
Trước khi quyết định dự thi, tôi có gọi điện thoại cho một số bạn bè nhờ tư vấn, mọi người đều khuyên tôi không nên đi thi vì “nghe đồn” là những cuộc thi sắc đẹp mà Minh Chánh tổ chức đều xảy ra tình trạng mua, bán giải.
Tôi gọi điện thoại, thẳng thắn hỏi Minh Chánh: “Chị nghe đồn là cuộc thi của em có xảy ra tình trạng bán giải này nọ phải không?”. Minh Chánh phân bua: “Không có đâu. Tui nó không thi được, ghét em nên đồn tầm bậy, tầm bạ. Chị cứ yên tâm dự thi”.Tin lời Minh Chánh, tôi yên tâm phần nào và quyết định dự thi.
Ít ngày sau, tôi nhắn tin qua Mỹ cho Minh Chánh: “Em ơi, chị quyết định tham dự cuộc thi Hoa hậu Phu nhân Người Việt Thế giới của em. Em lo cho chị vài cái vé để chị cho gia đình chị đi xem”. Ban đầu, Minh Chánh trả lời tin nhắn, xoáy vào nội dung vé. Vòng vòng một hồi, Minh Chánh bất ngờ hỏi: “Chị có muốn tài trợ top 5 không?”.
Tôi rất bất ngờ, loáng thoáng hiểu vấn đề. Tôi trả lời: “Chị đi thi, dù có giải hay không, thì chị vẫn tiến hành làm từ thiện cho bệnh nhân ung thư vì chị đã lên kế hoạch với bác sĩ Singapore và Việt Nam từ nửa năm trước rồi”.
Tin nhắn chào mời "tài trợ" (mua giải) của Minh Chánh gửi từ Mỹ:
"Chị có muốn tài trợ top 5 không?".
Câu trả lời về mức độ "hoành tráng" của cuộc thi Hoa hậu Phu nhân Người Việt
Thế giới: "Có 40 thí sinh. Top 20 sẽ vào chung kết". Thực tế theo chị Diễm Lyly
chỉ có 17 thí sinh tham dự và 3 thí sinh đã chán nản bỏ cuộc
giữa chừng vì nghe tin Ban tổ chức có sự mua, bán giải
tại cuộc thi này.
Tôi vẫn chưa yên tâm, tôi gọi điện thoại hỏi Minh Chánh cho rõ ràng: “Chánh, em nói tài trợ top 5 là sao, chị vẫn chưa hiểu?” Minh Chánh ngập ngừng, nói với tôi: “Chị cúp máy đi, em sẽ cho người ở Việt Nam gọi và nói chuyện với chị”.
Cuộc ra giá của "đàn em" Minh Chánh
Sau đó, có một người xưng tên K. liên lạc với tôi, đầu tiên là nói chuyện cái visa của cậu chuyên viên trang điểm: “Chị ơi, cái visa của G phải tốn thêm 500 đôla…”.
Nói một hồi, K. hỏi tôi: “Chị có muốn tài trợ giải gì hay không?”. Đến lúc này, tôi hỏi thẳng K.: “Tài trợ là sao em? Mua giải phải không?”. Qua điện thoại, K. ấp a, ấp úng.
Tôi trấn an cậu ta: “Em cứ nói thẳng đi, nếu được thì chị hợp tác, còn không thì thôi”.
Thấy tôi nhiệt tình, K. thoải mái hẳn: “Hiện tại giải Hoa (Hoa hậu – PV) đã có người đặt rồi, chỉ còn giải Á thôi. Á thì có giá khoảng 45.000 – 50.000 USD”.
Tôi hỏi tiếp: “Vậy chứ giải Hoa (Hoa hậu – PV), Minh Chánh để cho người ta giá bao nhiêu?”
“Khoảng 75.000 – 85.000 USD” – K. trả lời.
Tôi chọc K.: “Trời, chị ở Việt Nam, đâu có khả năng chơi tới tiền đô như vậy. Chị chỉ có 10.000 đồng, có giải nào bán thì chị mua”.
Thấy tôi cà rỡn, K. không nói gì nữa, chuyển sang nói chuyện về cái visa của G. tiếp.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, quyết định không đi thi nữa. Ít ngày sau, tôi gọi điện thoại cho K., lấy cớ cậu chuyên viên trang điểm không sang Mỹ cùng tôi được, để làm lý do không tham dự cuộc thi. K. thuyết phục tôi: “Chị cứ đi đi, có chuyện gì đâu”. Tôi im lặng.
Vài ngày sau thì Minh Chánh gọi điện thoại, cho biết là đã lo xong visa cho G. Một lần nữa, tôi hỏi Minh Chánh: “Chánh ơi, cuộc thi của em bán giải thì sao chị đi được hả em? Chị đi thi là để sau này có chút danh tiếng, đi huy động từ thiện, còn nếu bán giải, chị làm sao có tiền để mua? Thôi chị không đi thi nữa đâu?”. Minh Chánh trấn an tôi: “Trời ơi, chị đừng có lo. Thằng K. nó chọc chị, chứ không có chuyện đó đâu. Cuộc thi của em đâu chỉ có một mình em mà còn có 9 giám khảo, toàn những người nổi tiếng, rất nghiêm túc. Rất hoành tráng đó. Chị chuẩn bị đi thi đi”.
Nghe Minh Chánh nói chắc nịch, tôi rất tin tưởng, xoá tan đi những nghi ngờ. Tôi gọi điện thoại cho K.: “K. ơi, chị quyết định đi thi. Giờ gấp rút quá, em lo giúp chị thủ tục”. K. bảo tôi là để cậu lo và cho biết là tôi đi chung với anh Long – nhà thiết kế áo dài, và hai thí sinh tên Phùng Thị Bích Dự, Trang Lê. Tôi nhờ K. mua giúp tôi vé máy bay luôn. Thời gian rất cận kề, tôi gọi điện thoại cho người bạn của mình, nhà thiết kế Hoàng Hải, mượn chiếc áo dạ hội, rồi gấp rút đi may áo dài.
* Còn tiếp...
Giáo dục Việt Nam