Nghệ sĩ mang nghệ danh "ông hoàng" không phải ít. Ở nước ngoài, Micheal Jackson được khán giả yêu nhạc mệnh danh là ông hoàng nhạc Pop, còn ở dòng nhạc Jazz, kẻ thống trị lại là một ông hoàng khác: Nat King Cole. Thậm chí ở Việt Nam, Ngọc Sơn cũng từng được gọi là ông hoàng nhạc sến, còn cái tên Đàm Vĩnh Hưng lại gắn liền với một biệt hiệu xa hoa: ông hoàng nhạc Việt.
Tuy nhiên, không cứ phải là kẻ thống trị trong lĩnh vực của mình mới có thể được phong danh hiệu cao quý ấy. Lê Hoàng chẳng hạn. Chỉ cần đợi thời gian trôi qua, cũng có ngày người ta nhắc tới tên ông bằng 2 chữ: ông Hoàng!
Thật ra, gọi Lê Hoàng là ông Hoàng hay ông hoàng đều đúng. Nhưng đúng nhất, có lẽ người ta nên gọi ông là cựu hoàng. Thời hoàng kim của đạo diễn họ Lê, không ai gọi ông là vua đạo diễn hay ông hoàng màn bạc, nhưng những thước phim đầy tinh tế và cảm xúc đã đem lại cho ông sự công nhận đó - một cách lặng thầm.
Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao hay Chiếc chìa khóa vàng có thể coi là những đỉnh cao của Lê Hoàng trong lĩnh vực phim nghệ thuật, khi mà quyền điều khiển cảm xúc, cảm nhận của người xem hoàn toàn thuộc về ông. Không chỉ mang lại cho ông những giải thưởng cao quý, những tác phẩm nghệ thuật thực sự đó còn đem đến một cái nhìn kính phục, một sự tôn trọng đặc biệt khi mỗi đôi mắt hướng về phía ông - đạo diễn Lê Hoàng!
Đạo diễn Lê Hoàng
Nhưng đó không phải là đỉnh cao duy nhất trong sự nghiệp của ông Hoàng. Còn một đỉnh cao nữa - nếu xét trên góc độ bạc tiền - người ta nhất định phải nhắc tới Gái nhảy. Bộ phim không mang lại nhiều danh vọng và sự ngưỡng mộ như những tác phẩm kinh điển khác của ông, nhưng điều nó làm được lại vô cùng đặc biệt: doanh thu.
Con số 12 tỷ đồng Gái nhảy thu được vào thời điểm đó giống hệt như một cơn địa chấn cực mạnh và góp phần không nhỏ đánh thức dòng phim thị trường từ lâu đang say ngủ. Phát súng hiệu khởi đầu sự choàng tỉnh của phim thị trường Việt ấy có công đầu thuộc về ông - ông Hoàng!
Nhưng cũng giống như một chân lý, chẳng ai có thể đứng mãi ở một đỉnh cao. Có lẽ trên đó lạnh, mà cũng có thể đứng quá lâu sẽ bị ... mỏi chân, hoặc giả người đến sau sẽ chiếm chỗ bằng cách đẩy anh thật mạnh, mà cũng có khi tự mình xảy chân ngã xuống. Cách ông Hoàng đi xuống có lẽ thuộc về trường hợp thứ tư - tự mình đi xuống (hoặc tự mình ngã xuống).
Theo thời gian, có lẽ mọi thứ đều thay đổi. Ông Hoàng cũng vậy. Không phải là thay đổi về nhan sắc như ông hay tự trào, sự thay đổi đến chủ yếu từ những tác phẩm của ông. Nếu như trước đây, người nắm quyền chi phối cảm xúc của người xem là Lê Hoàng thì bây giờ, mọi thứ đều đảo lộn. Khán giả mới chính là người chi phối cảm xúc của vị đạo diễn tài hoa, nhất là khi họ nhận xét về những bộ phim ông đặt nhiều tâm huyết. Và khi những vai trò đó bị đảo lộn, ông hoàng lại biến thành một ông Hoàng rất bình thường.
Ông Hoàng cũng biết cáu, cũng biết "nghỉ chơi", cũng biết phản ứng mạnh mẽ với những chỉ trích hướng về tác phẩm của ông, những diễn viên ông lựa chọn. Nhưng dù là ai đi chăng nữa, cái nhìn của dư luận và khán giả vẫn luôn công bằng và khe khắt. Có chăng, sự khác biệt tới từ những tên tuổi đã thành danh chỉ nằm ở sự quan tâm, chú ý đặc biệt của người hâm mộ trước khi tác phẩm ra đời. Còn sau đó, định đoạt số phận của bộ phim không phải là cái tên người đạo diễn...
Liên tiếp 2 bộ phim thất bại - và thất bại theo một cách thảm thương, có lẽ sự kiên nhẫn của khán giả và chính Lê Hoàng cũng đã giảm sút rất nhiều. Những thiên thần áo trắng - bộ phim được ông tự tin sẽ mang lại sự thay đổi cho phim truyền hình Việt rốt cuộc cũng chỉ đem đến cho khán giả thêm một điều đặc biệt: sự bất ngờ.
Không phải bất ngờ vì những nội dung hay tình tiết trong phim, đa phần khán giả chỉ thực sự ngạc nhiên khi biết tác phẩm dở tệ này lại là con đẻ của vị đạo diễn tinh tế và tài hoa ngày nào. Thêm một Tối nay, 8 giờ nữa đạt kỷ lục về... sự dửng dưng của người xem và tần suất xuất hiện trên mặt báo, dấu chấm hết dường như đã được mặc định dành cho sự nghiệp phim ảnh của Lê Hoàng. Dù ông chưa bao giờ tuyên bố sẽ giã từ điện ảnh, nhưng đôi khi, sự quyết định lại thuộc về số đông khán giả. Dẫu sao đi nữa, giá vé xem phim bây giờ không rẻ!
Có điều, ngay cả đối với thể loại phim không cần bán vé như Cát nóng - bộ phim được chọn để chiếu khai mạc trong Liên hoan phim Hà Nội 2012 do ông làm đạo diễn - Lê Hoàng cũng thất bại tới thảm thương. Sự ngô nghê và phi lý trong kịch bản hệt như Tối nay 8 giờ, sự non nớt tới khó tin trong dàn dựng mang bóng dáng của Những thiên thần áo trắng đã tụ hợp cả trong tác phẩm "đặc biệt" này của Lê Hoàng. Không phải ngẫu nhiên, sau khi Cát nóng trình chiếu, đã có người đặt câu so sánh giữa ông và cô người mẫu Hồng Quế, ai đáng xấu hổ hơn ai?
Cảnh trong Cát nóng của Lê Hoàng - bộ phim khiến ông được đem ra so sánh
cùng ... Hồng Quế
Tất nhiên, nếu xét về sự xấu hổ biểu lộ ở bên ngoài, Lê Hoàng chắc chắn không thể nào soán ngôi Hồng Quế. Dù sao thì khi tới tham dự liên hoan trên cương vị đạo diễn, ông cũng không mặc quần áo ren xuyên thấu cũng như phô bày đường cong như cô nàng người mẫu. Có điều, nếu xét về sự mỉa mai và châm biếm trong ánh mắt của khán giả, đồng nghiệp và bạn bè quốc tế, biết đâu đấy ông Hoàng đang bỏ xa Hồng Quế...
Không chỉ báo giới, khán giả gọi phim của ông là thảm họa, không chỉ các nhà làm phim quốc tế lẳng lặng ... ra về ngay khi Cát nóng của ông được trình chiếu 15 phút, những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh cũng không ngần ngại phán xét về bộ phim này.
NSND Thế Anh - gương mặt cựu trào của màn bạc Việt đã có một câu bình luận rất đắt: "Nếu mục đích của đạo diễn là dọa khán giả thì xem ra những cảnh phản cảm trong phim đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó!" Có lẽ, chẳng có gì đau đớn hơn khi bộ phim nghệ thuật, ẩn chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc lại bị ví với ... phim kinh dị, tuy nhiên Lê Hoàng và tác phẩm của ông hoàn toàn xứng đáng với những chê bai đó...
Câu "Phú quý giật lùi" áp dụng vào trường hợp của ông chưa hẳn đúng, nhưng những người từng quan tâm, từng hâm mộ và giành nhiều tình cảm cho Lê Hoàng hẳn vẫn sẽ có một chút gờn gợn khi chứng kiến những bước thăng trầm trong sự nghiệp của ông.
Từ đình đám với những bộ phim nghệ thuật đúng nghĩa, cho tới đoạt vô số kỷ lục với lĩnh vực phim thị trường vốn ít được đánh giá cao và thảm bại hoàn toàn với những bộ phim giải trí đơn thuần, sự đi xuống của Lê Hoàng dường như tỷ lệ thuận với sức sáng tạo đang bị giảm sút đi rõ rệt. Không thể trách ông, bởi không có gì là vĩnh viễn, nhưng cách ông đi xuống cứ làm cho những người từng yêu mến ông cảm thấy có chút gì chua xót. Nhất là khi thể loại phim nào ông góp mặt trên vai trò đạo diễn cùng toàn mang hình dáng những "nốt trầm".
Ông hoàng hay ông Hoàng, thì cũng cần phải sống
Nhưng có lẽ, thứ gì cũng chỉ có giới hạn của nó. Chẳng ai bắt ông đứng mãi trên đỉnh cao với những bộ phim nghệ thuật hoành tráng, những vở kịch kinh điển hay những bài báo sâu sắc mang đẫm hơi thở cuộc sống, bởi chính ông cũng chẳng thể bắt mình làm vậy. Ai cũng có cho mình một thời để nhớ, và sau đó là một thời để quên đi. Lê Hoàng đang sống trong thời để nhớ hay thời để quên, chẳng ai biết được nhưng chắc chắn một điều rằng, thời nào đi nữa thì cũng cần phải sống. Dù là ông hoàng hay ông Hoàng, thì cũng cần phải sống...
TTTĐ