.. và Việt Nam đã khiến không ít bạn bè trong khu vực và trên thế giới phải ngưỡng mộ về những thành tích đã đạt được.
Nhưng ngược lại, một con số không nhỏ người hâm mộ trong nước vẫn tỏ ra chưa hài lòng với những gì chúng ta đã có. Thắng – thua lại một cuộc thi nhan sắc là chuyện bình thường, đừng đặt nặng vấn đề thành tích khi vị thần may mắn chia đều cơ hội cho khoảng 100 quốc gia trên toàn thế giới!
Hãy mỉm cười về những gì Việt Nam đạt được
Người đẹp đầu tiên đại diện Việt Nam tại một đấu trường sắc đẹp quốc tế có uy tín kể từ năm 1975 là Trương Quỳnh Mai. Năm 1995, cô đặt chân đến Tokyo, Nhật Bản để tham dự cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (HHQT). Thời điểm Quỳnh Mai dự thi, HHQT đã đi được chặng đường 35 năm tuổi và lúc bấy giờ là một trong ba cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới. Tham gia lần đầu tiên nhưng ngay lập tức Quỳnh Mai đã lọt top 15 người đẹp nhất, đồng thời tôn vinh hình ảnh trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam khi bộ áo dài gấm trúc xanh (nhà thiết kế Ngân An) đoạt giải trang phục Truyền thống đẹp nhất.
Trương Quỳnh Mai sinh năm 1974, khi giành được danh hiệu, cô mới 21 tuổi, là một trong những người mẫu hàng đầu Việt Nam những năm 1990. Cô từng bỏ dở việc học tập tại hai trường ĐH (ĐH Y Hà Nội và ĐH Tổng hợp Tp.HCM) để theo đuổi công việc chiêu đãi viên của Vietnam Airlines. Sau hào quang đạt được, cô rất ít tiếp xúc báo giới, tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Hiện Trương Quỳnh Mai đang là thạc sỹ ngành tài chính và có một cuộc sống hạnh phúc cùng chồng và hai con tại Melbourne, Australia.
Người đẹp thứ hai mang vinh quang về cho Việt Nam là Phạm Thị Mai Phương tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) năm 2002. Lịch sử lặp lại khi có thêm một người đẹp đại diện Việt Nam lần đầu tiên đặt chân đến một cuộc thi nhan sắc bậc nhất hành tinh, nhưng đã lọt ngay vào top 20. Nên nhớ rằng cuộc thi HHTG năm 2002 ban đầu diễn ra tại thủ đô Abuja, Nigeria nhưng đã vấp phải cuộc biểu tình phản đối kèm theo bạo lực đẫm máu của người dân nước này. 22 quốc gia đã bỏ cuộc hoặc tẩy chay HHTG năm đó. Sau cùng, cuộc thi được chuyển về London, Anh và ghi nhận chiến thắng của người đẹp Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai năm chẵn tiếp theo, có thêm 2 người đẹp Việt Nam đem về thành tích tương đương là Nguyễn Thị Huyền và Mai Phương Thúy và suýt nữa là con số 3 (nếu như tấm vé đặc cách bầu chọn qua mạng năm 2008 của Thiên Lý không bị hủy bỏ vào phút chót). Năm 2009, bản đồ sắc đẹp Việt Nam tiếp tục ghi nhận đóng góp lớn lao của Hương Giang khi cô lọt vào top 16. Như vậy, mới tham gia HHTG 8 lần (không tính năm 2010) thì đã có 4 lần Việt Nam lọt vào bán kết. Đó chẳng phải là một thành tích đáng tự hào dành cho một quốc gia non trẻ so với rất nhiều đất nước có lịch sử chinh chiến lâu dài tại HHTG hay sao?
Trong bảng xếp hạng thành tích của các quốc gia tại HHTG trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam hiện xếp thứ 36. Chúng ta xếp trên Gibraltar (39), Panama (47), Nhật Bản (52), Bỉ (75), Thái Lan (76)… xếp thứ 6 trong khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Kazakhstan và Hàn Quốc).
Bảng thành tích tiếp tục ghi nhận sự đóng góp của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 Nguyễn Thùy Lâm khi cô là HHVN đầu tiên lọt top 15 chung cuộc tại HHHV. Trước đó, Việt Nam mới chỉ tham gia cuộc thi này có 2 lần (2004 và 2005) mặc dù tuổi đời của cuộc thi được xác định là từ năm 1951.
Cơ duyên cũng đến với đại diện của sắc đẹp nam giới tại cuộc thi Nam vương quốc tế (Mister International) khi lần đầu tiên tham gia – năm 2008 nhưng Việt Nam đã đăng quang luôn ngôi vị cao nhất nhờ thành tích của Tiến Đoàn. Một năm sau, Vĩnh Thụy tiếp tục gặt hái thành công khi lọt top 15 cuộc thi này.
Hay với Chung Thục Quyên cũng là một thành tích đáng kể, cô tham dự cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Ba Lan năm 2009, lọt vào top 15 người đẹp nhất và còn rinh về những 3 giải thưởng phụ cao quý. Hay chiến thắng của Hoàng Điệp tại cuộc thi nhan sắc có quy mô nhỏ hơn là Miss International Beauty 2009 cũng là một niềm động viên tinh thần lớn lao dành cho người hâm mộ các cuộc thi nhan sắc.
Cứ đi thi là phải đạt thành tích?
Dĩ nhiên thành tích có được sau mỗi cuộc thi HH tầm cỡ quốc tế luôn luôn là điều khao khát của tất cả mọi người. Không chỉ riêng gì Việt Nam mà hầu như tất cả người dân trên toàn thế giới đều mong muốn đại diện của đất nước họ sẽ gặt hái được kết quả tốt nhất.
Nhưng ít có quốc gia nào mà có số lượng lớn khán giả đặt nặng vấn đề thành tích như ở Việt Nam. Nếu có ai đó đi thi mà lọt top thì y như rằng sẽ được ca ngợi hết lời. Còn ai kém may mắn, không đạt thành tích thì rất có thể sẽ phải đối mặt với những lời chê bai, chỉ trích từ phía khán giả.
Lấy ví dụ như trường hợp của Hương Giang. Từ năm 2006 đến trước thời điểm Hương Giang chính thức trở thành đại diện của Việt Nam tại HHTG 2009, khán giả có lẽ chỉ nhớ đến cô với thành tích top 10 HHVN 2006 và là một người mẫu có chiều cao nổi bật. Cô đi thi HHTG cũng chỉ với tư cách Á hậu 2 HHVN Toàn cầu và vì trong nước cũng không có cuộc thi nào diễn ra. Không được đánh giá cao lúc mới đầu, không chiêng trống rùm beng ngày lên đường… chỉ đến khi cô lọt top 12 HH Biển thì bỗng dưng, nụ cười rộng đặc trưng của Hương Giang mới trở nên… đẹp nhất trong số các nụ cười của HHVN từ trước đến nay!?! Rồi sau đó, một loạt những danh hiệu mới được trao cho Hương Giang, mặc dù cô từng đi thi HHVN năm 2006, nhưng có lẽ, 3 năm sau người ta mới nhận ra được vẻ đẹp thực sự của cô?
Hay như Hoàng Yến tại cuộc thi HHHV 2009. Có thời gian chuẩn bị khá chu đáo và kỹ lưỡng, được kỳ vọng rất cao sẽ làm nên thành tích năm thứ 2 liên tiếp cho Việt Nam tại HHHV. Được đánh giá cao qua phần thi phụ là trình diễn trang phục dạ hội, được xếp vào nhóm đẹp nhất khu vực Châu Á… nhưng mãi đến khi cô không lọt top 15 chung cuộc, nhiều người “mới nhận ra” Hoàng Yến quá lạnh lùng, cười thiếu tự nhiên, tiếng Anh không chuẩn xác…
Cũng giống như Hoàng Yến, Thiên Lý sau khi ra về trắng tay mặc dù trước đó được ủng hộ rất nồng nhiệt, đã vấp phải một số lời chê bai rằng cô đã không biết tận dụng phần thi tài năng. Á hậu Minh Thu sau khi trở về từ HHTG 2007 cũng tâm sự điều cô sợ nhất là được khán giả kỳ vọng quá nhiều để rồi thất bại, để người khác nói là mất công ủng hộ mình đi thi!!!
May mắn không phải là vĩnh viễn!
Một số ý kiến cho rằng nhan sắc Việt thật “lép vế” so với các quốc gia như Venezuela, Mỹ, Mexico… Có thể nói đó là sự so sánh khập khiễng nhất với không một căn cứ nào đươc coi là xác đáng. Những quốc gia có thâm niên tranh tài tại các đấu trường sắc đẹp thế giới trước chúng ta tận 40, 50 năm về trước, họ dày dặn kinh nghiệm, họ có quy mô đào tạo bài bản… nhưng không ít lần cũng “trượt vỏ chuối” khi đem chuông đi đánh xứ người.
Gibraltar bắt đầu tham gia HHTG từ năm 1959 và phải đến một nửa thế kỷ sau mới đạt được thành tích đầu tiên, và đó lại là thành tích cao quý nhất với ngôi vị HHTG 2009. Bồ Đào Nha cũng bắt đầu tham gia từ năm 1959 và trong 50 năm qua, chỉ có 1 lần duy nhất nước này đạt được thành tích (ngôi vị Á hậu 2 năm 1971). Mexico 45 lần tham gia HHTG, liên tiếp lọt vào bán kết trong vòng 6 năm trở lại đây, nhưng tổng số lần lọt vào bán kết của quốc gia này cũng chỉ là 13 lần (chưa bằng 1/3 tổng số lần tham dự) và chưa bao giờ chạm tới ngôi vị cao nhất.
Trung Quốc bắt đầu tham gia HHHV từ năm 2002 đến này, thành tích duy nhất mà họ đạt được là Á hậu 2 ngay trong lần đầu tiên tham gia. Còn Venezuela, 2 năm liên tiếp đăng quang HHHV không có nghĩa là bước sang năm thứ 3 cũng đạt thành tích cao, sự thật là đại diện của đất nước hoa hậu đã trắng tay tại HHHV 2010.
May mắn sẽ mỉm cười với Kiều Khanh?
Đúng vào ngày Kiều Khanh lên đường đặt chân đến Trung Quốc để chinh chiến tại HHTG 2010 cũng là lúc bắt đầu xuất hiện các ý kiến hoài nghi về sự thành công của cô tại cuộc thi này. Có người nói cô thua kém Hương Giang, người chê cô ăn mặc quá xấu, cô không lọt bảng xếp hạng của globalbeauties… Những lời góp ý chủ quan, không mang tính xây dựng vô tình làm trùng xuống biết bao niềm hy vọng gửi gắm nơi Kiều Khanh. Nếu Kiều Khanh vẫn theo dõi thông tin của mình nơi quê nhà, không biết gặp phải những luồng ý kiến trái chiều như vậy, bản thân cô sẽ nghĩ sao?
Yếu tố may mắn đóng góp một phần rất quan trọng tại các cuộc thi sắc đẹp. Nhiều thí sinh được đánh giá rất cao tại HHTG 2009 như Barbados, Puerto Rico, hay tại HHHV 2010 là Brazil, Venezuela, Mỹ… vẫn chấp nhận ra về trắng tay. Ngược lại cũng có những thí sinh bất ngờ tỏa sáng vào phút chót như Kosovo – Á hậu 2 HHHV 2009 dù trên bảng xếp hạng của GB cô xếp sau Hoàng Yến của chúng ta ở vị trí thứ 30, hay chiến thắng của HH Gibraltar cũng là một bất ngờ lớn với kết quả của HHTG 2009.
Lúc này đây, những gì chúng ta có thể làm để ủng hộ Kiều Khanh là tin tưởng và động viên cô thật nhiều, thay vì chỉ trích hoặc chê bai, hoài nghi không mục đích. Dù Kiều Khanh có làm nên thành tích hay không, cô cũng đã là lựa chọn xác đáng của nước nhà, cũng như đã cố gắng rất nhiều để chứng tỏ bản thân mình. Điều quan trọng là chúng ta có thêm một lần nữa được sát cánh cùng bạn bè trên khắp năm châu trong một ngày hội lớn, được thấy hình ảnh của là cờ Việt Nam thân thương và thật đáng tự hào. May mắn sẽ chia đều cơ hội cho tất cả!
2sao