Dưới đây là 10 vụ việc gây tranh cãi đáng chú ý nhất trong lịch sử Miss World:
Năm 1965: Hoa hậu Anh Lesley Langley giành ngôi vị Hoa hậu Thế giới 1965 nhưng không lâu sau, rất nhiều tờ báo lớn đồng loạt đăng tài những bức ảnh khoả thân mà Lesley Langley đã chụp trong quá khứ. Dù không bị phế truất, nhưng chiếc vương miện của Lesley Langley cũng không còn ý nghĩa.
Năm 1966: Trong chuyến thăm của các thí sinh Hoa hậu Thế giới tại Đại học Cambridge năm 1966, một nhóm 9 sinh viên đã thực hiện âm mưu bắt cóc Hoa hậu Nam Phi Johanna Carter. Kế hoạch của chúng đã bị thất bại sau khi Carter kêu rất to và vệ sĩ của cô đã kịp thời có mặt để giải thoát cho cô. Nhóm sinh viên thực hiện âm mưu bắt cóc với hi vọng sẽ có được khoản tiền chuộc cho tuần lễ từ thiện sinh viên.
Năm 1970: Những người ủng hộ quyền phụ nữ đã tổ chức biểu tình tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới lần thứ 20 diễn ra năm 1970 bằng cách ném bom bột, khói và mùi hôi trên sân khấu Royal Albert Hall. Họ thậm chí còn gài một quả bom bên dưới xe kỹ thuật của đài BBC bên ngoài địa điểm tổ chức nhằm ngăn chặn việc phát sóng cuộc thi này. Tuy nhiên, cuối cùng không ai bị thương và chương trình vẫn được phát sóng.
Năm 1971: Nữ hoàng sắc đẹp Mary Ann Catrin Stavin đã lên ngôi Hoa hậu Thế giới 1971 mặc dù cô phải cần sự giúp đỡ để có thể chế ngự trạng thái thần kinh của mình. Hoa hậu Thuỵ Điển đã mua một chai rượu whisky tại Royal Albert Hall và uống say trước khi xuất hiện trên sân khấu.
Năm 1973: Hoa hậu Mỹ Marjorie Wallace chỉ được đội vương miện trong 4 tháng trước khi cô bị tước danh hiệu Hoa hậu Thế giới 1973. Nữ hoàng sắc đẹp này bị truất ngôi vì hẹn hò với nhiều người đàn ông khiến cho cô không thể "hoàn thành nhiệm vụ của một Hoa hậu".
Năm 1974, người đẹp Anh Helen Elizabeth Morgan đã buộc phải từ bỏ vương miện Hoa hậu Thế giới chỉ sau bốn ngày sau khi đăng quang vì cô đã có con dù chưa kết hôn. Thí sinh Hoa hậu Thế giới phải chưa sinh con là một quy định của cuộc thi này cho tới ngày hôm nay. Vào thời điểm đó, Helen đã có một cậu con trai 18 tháng tuổi. Mẹ cô đã thay cô chăm sóc đứa bé khi cô tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới.
Năm 1980, Hoa hậu Đức Gabriella Brum đăng quang Hoa hậu Thế giới. Đúng một ngày sau khi lên ngôi, cô đã từ bỏ vương miện với lý do bạn trai cô không chấp nhận danh hiệu này. Tuy nhiên, sau đó có nguồn tin tiết lộ rằng, cô đã từng chụp ảnh khoả thân cho một tạp chí. Ngôi vị Hoa hậu Thế giới 1980 sau đó đã được trao cho Hoa hậu Guam Kimberley Santos (hình dưới).
Năm 1987: 7 năm sau, Hoa hậu Áo Ulla Weigerstorfer (giữa) đã trải qua hoàn cảnh tương tự Hoa hậu Đức năm 1980. Đăng quang Hoa hậu Thế giới 1987 nhưng Ulla Weigerstorfer đã phải từ bỏ ngôi vị vì scandal ảnh khoả thân. Lần này, chính bạn trai cô đã đăng những bức ảnh dung tục của cô cho tất cả cùng xem.
Năm 1997, Diana Hayden với sắc đẹp nổi trội cùng với màn trình diễn xuất sắc đã giành chiến thắng cao nhất tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 1997. Tuy nhiên, thật không may cô đã phải từ bỏ ngôi vị sau khi có nguồn tin khẳng định người đẹp Ấn Độ này trên thực tế đã có quan hệ riêng với thành viên ban giám khảo.
Năm 2002, một vụ bạo loạn chống lại cuộc thi Hoa hậu Thế giới diễn ra tại Nigeria đã làm 215 người chết và hơn 500 người bị thương. Nguồn gốc của bạo loạn có lẽ là từ bài viết của một tác giả trẻ người Nigeria, trong đó có nói rằng, nhà tiên tri Mohammed sẽ chọn một thí sinh Hoa hậu Thế giới làm vợ. Ý tứ này đã gây ra tình trạng căng thẳng giữa những người theo đạo Cơ đốc và người Hồi giáo.
Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm ngoái, khoảng 200 nhà hoạt động nữ quyền đã tổ chức biểu tình bên ngoài Earls Court, London để kỷ niệm 60 năm ra đời của cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Trong số đó, có một số người đã từng tham dự cuộc biểu tình từ năm 1970, sự kiện gây chú ý rất lớn của giới truyền thông.
VnMedia